Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh - được đầu tư 80 tỷ NDT (11,3 tỷ USD) - sẽ khai trương vào tháng 9 tới. Đây là một trong những cảng hàng không lớn nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc mong muốn sân bay trở thành động lực kích thích nền kinh tế và du lịch địa phương.
Trên Bloomberg, một chuyên viên tại công ty Roland Berger GmbH mô tả "sân bay sẽ mở đường và đảm bảo tăng trưởng kinh tế dài hạn cho Bắc Kinh". Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh được kỳ vọng là cầu nối giữa khách du lịch trong nước và nước ngoài.
Sân bay quốc tế Đại Hưng nhìn từ trên cao. Ảnh: Bloomberg. |
Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh chỉ là một trong nhiều dự án đang được triển khai tại châu Á với tổng chi phí hơn 100 tỷ USD. Các sân bay này nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch gia tăng do tầng lớp trung lưu châu Á gia tăng.
Những thành phố sân bay tại châu Á
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo nhu cầu đi lại của châu Á sẽ vượt tổng của Bắc Mỹ và châu Âu vào năm 2037. Khoảng 20 sân bay dự kiến mở cửa trong vòng 6 năm tới tại các thành phố từ Bắc Kinh đến Mumbai, trong khi nhiều sân bay khác cũng tiến hành mở rộng quy mô.
Sân bay quốc tế Đại Hưng sẽ tăng 70% năng suất hoạt động của ngành hàng không Bắc Kinh và giảm bớt vấn nạn quá tải tại Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh. Năm ngoái, sân bay này là cảng hàng không đông khách nhất thế giới với 100 triệu hành khách.
Cuối năm nay, cảng hàng không tại Thượng Hải sẽ khánh thành nhà ga 83 cổng được đầu tư 3 tỷ USD nằm tách biệt với tòa nhà chính.
Theo IATA, trung bình một người Trung Quốc sẽ đi nhiều hơn 11% chuyến bay mỗi năm trong hai thập kỷ kể từ năm 2018. Con số này ở Ấn Độ và Indonesia lần lượt là 10%/năm và 9%/năm. Trong khi đó, mức tăng trưởng của Mỹ và Anh chỉ trong khoảng từ 1% đến 2% mỗi năm.
Ng Mee Kam, Giám đốc phụ trách nghiên cứu đô thị tại Đại học Hong Kong, nhận định: "Chính phủ đang sử dụng sân bay để phục vụ cư dân và doanh nghiệp địa phương. Các sân bay giờ đây không còn là một điểm đến giao thông. Chúng đã trở thành những thành phố thu nhỏ".
Một góc nhỏ tại sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images. |
Các nhà hoạch định đô thị từ lâu đã nhấn mạnh vai trò của sân bay trong việc phát triển thành phố. Giờ đây, họ cố gắng biến các cảng hàng không nằm ở ngoại vi thành phố trở thành trung tâm kinh tế.
"Các cảng hàng không châu Á với sức chứa khổng lồ, được bao bọc bởi khoảng đất rộng lớn, sẽ hiện thực hóa tầm nhìn đó", Bloomberg dẫn lời Max Hirsh, tác giả của Airpot Urbanism.
Các khu phức hợp hàng tỷ USD
Sân bay mới của Bắc Kinh thuộc khu kinh tế có diện tích 50 km2, bao gồm các phòng nghiên cứu và phát triển, không gian triển lãm và các cơ sở y tế. Theo truyền thông Trung Quốc, khu kinh tế dự kiến phục vụ 72 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2015 và đóng góp 900 tỷ NDT (127,6 tỷ USD) cho nền kinh tế khu vực.
Truyền thông U.A.E. đưa tin công ty phát triển bất động sản Emaar Properties PJSC đang lên kế hoạch xây dựng khu phức hợp dân cư - giải trí trị giá 11 tỷ USD gần khu vực này.
Tại sân bay Changi của Singapore, khu phức hợp Jewel Changi trị giá 1,2 tỷ USD gồm trung tâm mua sắm, vườn hoa, thác nước trong nhà cao nhất thế giới, đã trở thành điểm đến thu hút du khách kể từ khi mở cửa vào tháng 4/2019. Chính phủ Singapore dự kiến chi hàng chục tỷ USD để mở rộng sân bay trong 10 năm tới.
Theo phó giáo sư Tan Khee Giap tại Đại học Quốc gia Singapore, cuối những năm 2020, sân bay Changi sẽ đóng góp 25% vào GDP nước nhà, tăng 9% so với tỷ lệ hiện tại.
Cảng hàng không hình sao biển tại Bắc Kinh sẽ là sân bay lớn nhất thế giới. |
"Tăng trưởng đến từ việc tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập theo cả cách trực tiếp lẫn gián tiếp. Sự phát triển của sân bay không chỉ được thể hiện ở sân bay. Hãy coi nó như sự phát triển của một quốc gia", ông nói thêm.
Trong khi đó, Hong Kong chi 18 tỷ USD để xây dựng thêm nhà ga và đường băng cho sân bay quốc tế ở hòn đảo nhân tạo tại Hong Kong. Chính quyền ước tính dự án sẽ thu về 58 tỷ USD vào năm 2061.
Năm ngoái, giới chức trách thành phố cho phép tập đoàn New World Development xây dựng khu phức hợp mua sắm - giải trí Skyciti trị giá 2,5 tỷ USD. Skyciti sẽ là trung tâm mua sắm lớn nhất thành phố, dự kiến khánh thành năm 2023.
Ở chiều ngược lại, phương Tây đang phải vật lộn để duy trì cơ sở hạ tầng cũ. Tại London (Anh), chính phủ hy vọng giành được sự chấp thuận vào năm 2021 để xây dựng đường băng trị giá 17 tỷ USD ở sân bay Heathrow.
Trong khi đó, chính quyền New York và New Jersey đề xuất chi khoảng 24 tỷ USD để giải quyết tình trạng quá tải và bất ổn tại các sân bay John F. Kennedy, Newark Liberty và LaGuardia. Theo Hirsh, khác với châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ phải chịu gánh nặng từ cơ sở hạ tầng cũ.
Thành phố thu nhỏ kiếm bộn tiền hay 'voi trắng'?
Doanh thu của các sân bay châu Á phụ thuộc vào người tiêu dùng nhiều hơn các hãng hàng không. 50% doanh thu của hai sân bay ở Hong Kong và Singapore đến từ hoạt động bán lẻ và các hoạt động phi hàng không khác, con số này tại Hàn Quốc là 67%.
Trong khi đó, tỷ lệ trung bình toàn cầu được Hiệp hội Sân bay Quốc tế công bố là 40%.
Còn quá sớm để dự đoán về sự tăng trưởng của du lịch hàng không. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng chính trị khu vực và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc có nguy cơ tạo nên rủi ro. Ông Tan cho biết: "Các thành phố sân bay có thể trở thành 'voi trắng' (tốn nhiều chi phí nhưng không đem lại lợi ích)".
Đồng thời, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu có thể kìm hãm sự phát triển của ngành hàng không. Nhiều thành phố sân bay mới của châu Á nằm ở ven biển, đứng trước rủi ro nước biển dâng cao và lũ lụt. Sân bay Hong Kong, được xây dựng trên vùng đất khai hoang từ biển, chịu rủi ro hơn cả.
Ngoài ra, xây dựng sân bay lớn cũng tạo nên hiệu ứng nhà kính. "Chúng ta đang đi trên con đường không thể quay đầu hay dừng lại", Ng Mee Kam nhận định.