Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhóm người cực đoan đòi trừng phạt phụ nữ phá thai tại Mỹ

Nhóm thúc đẩy chính sách xử án phụ nữ phá thai ngang tội giết người có ảnh hưởng ngày càng lớn ở Mỹ. Xu hướng cực đoan này vấp phải sự phản đối từ các nhóm chống phá thai khác.

an le roe v wade bi lat nguoc anh 1

Vài giờ sau khi Tòa án Tối cao Mỹ lật ngược án lệ Roe v Wade, người đàn ông với bộ râu xồm xoàm và đeo dây thánh giá kim loại ở cổ, ăn mừng với đồng đội tại một nhà hàng bít tết kiểu Brazil. Ông rút điện thoại và phát trực tiếp với người theo dõi.

“Chúng ta đã giáng đòn mạnh vào ngành này”, Jeff Durbin nói, nhấn mạnh “công việc của chúng ta mới chỉ bắt đầu”.

“Ngay cả những bang có luật cấm phá thai với cả trường hợp bị hiếp dâm và loạn luân vẫn là chưa đủ. Họ không tin phụ nữ nên bị trừng phạt”, mục sư Durbin ở vùng Phoenix, Arizona nói.

Mặc dù người ủng hộ cấm phá thai đang ăn mừng chiến thắng khi án lệ Roe v Wade bị lật ngược, họ vẫn tranh cãi về việc nên làm gì tiếp theo. Những người theo chủ nghĩa siêu cực đoan - như ông Durbin - muốn theo đuổi chính sách “bãi bỏ phá thai”.

Động thái này sẽ hình sự hóa việc phá thai, coi đây là tội giết người và phụ nữ phải chịu trách nhiệm cho hành động này, khi ở một số bang có thể áp dụng án tử. Lập trường đó đi ngược với ý kiến của nhóm phản đối việc coi phụ nữ là tội phạm và tập trung truy tố người làm thủ thuật.

Nhóm bãi bỏ phá thai tin sự sống bắt đầu từ khi thụ thai và phá thai là hành vi giết người. Họ cho rằng thai nhi phải có quyền được bảo vệ bình đẳng theo Tu chính án thứ 14, theo New York Times.

Bị các nhóm chống phá thai khác phản đối

Phạm vi hoạt động của nhóm này mở rộng trong những năm qua, phần lớn thông qua hoạt động trực tuyến, nhắm mục tiêu vào cơ quan lập pháp và nhà thờ.

Nhóm của ông Durbin, End Abortion Now, bắt đầu vào năm 2017, đã đệ trình bản tóm tắt về vụ việc gần đây của Tòa án Tối cao cùng với Tổ chức Bãi bỏ phá thai và 21 nhóm khác trên khắp nước Mỹ. Kênh Apologia Studios của ông có hơn 300.000 người theo dõi. Ông cũng đứng đầu Nhà thờ Apologia, một giáo đoàn có khoảng 700 người.

Nhóm này coi việc lật ngược Roe v Wade củng cố cho lập luận “đúng đắn” của họ, cơ hội để thúc đẩy mục tiêu và mở rộng phong trào trong tương lai.

Các quan điểm này nhận được sự ủng hộ từ cánh cực đoan của Công ước Baptist Miền Nam, giáo phái Tin lành lớn nhất nước Mỹ.

“Tương lai của phong trào chống phá thai sẽ được dẫn dắt bởi những người có chuẩn mực đạo đức nhất quán và đấu tranh vì sự sống. Khi sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai và thụ tinh, tư cách con người của thai nhi phải được bảo vệ bằng luật giống tất cả công dân khác theo Hiến pháp Mỹ”, Tom Ascol - mục sư thuộc giáo phái này - cho hay.

“Tất cả bà mẹ phá thai đều có tội, dù không nhất thiết là tội giết người”, ông nói thêm.

an le roe v wade bi lat nguoc anh 2

Người chống phá thai cực đoan biểu tình bên ngoài phòng khám Planned Parenthood ở Tempe, Arizona. Ảnh: New York Times.

Ông Durbin nói các cơ quan lập pháp của bang giờ không thể dùng Roe v Wade “làm cái cớ để né tránh các đề xuất bãi bỏ cấm phá thai”. Ông kêu gọi mở rộng phản đối từ phòng khám thai tới những nơi như Target và CVS, nơi phụ nữ có thể tiếp cận phá thai bằng thuốc.

Ông Durbin, được thúc đẩy bởi niềm tin Cơ đốc giáo, và nhiều người khác trong liên minh đã thúc đẩy dự luật phá thai là giết người ở Louisiana. Dự luật vấp phải sự phản đối từ nhiều nhóm chống phá thai khác. Trong một bức thư ngỏ, khoảng 70 nhóm chống phá thai đã kêu gọi tất cả nhà lập pháp bác bỏ những sáng kiến như vậy.

Khoảng 1/3 người Mỹ trưởng thành tin rằng nếu phá thai là bất hợp pháp, những phụ nữ thực hiện thủ thuật này sẽ phải ngồi tù, nộp phạt hoặc thực hiện nghĩa vụ cộng đồng, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew. Nghiên cứu chỉ ra nhóm chọn phương án phụ nữ nên bị trừng phạt chủ yếu là người theo đạo Tin lành da trắng và đảng Cộng hòa.

Điều này phần nào phản ánh phong trào chống phá thai mà cựu Tổng thống Donald Trump nêu ra vào năm 2016, khi ông nói phụ nữ phải nhận “một số hình thức trừng phạt” nếu Mỹ cấm thủ tục này.

Cuối cùng, những người theo chủ nghĩa bài phá thai tin rằng họ đang chiến đấu cho “sứ mệnh Kitô giáo cao cả trước Chúa”.

Ông Durbin đang nỗ lực đạt các mục tiêu với cách tiếp cận đa hướng: Truyền đạo trực tuyến và thuyết giảng tại nhà thờ; đào tạo các hội đoàn về cách thuyết phục phụ nữ không tới phòng khám phá thai; đi đến cơ quan lập pháp thúc đẩy dự luật “phá thai là giết người”.

Ông Durbin cho biết “để ngăn phụ nữ vào phòng khám phá thai, có khoảng 15 giây để khiến cô ấy thay đổi quyết định”. Nhóm của ông đã mang một số biển báo đến các phòng khám với nội dung: “Có trẻ sơ sinh đã bị sát hại ở đây”.

Ông cưới vợ năm 20 tuổi khi vợ ông mang thai đứa con đầu lòng vào năm 18 tuổi. Ông thường kể câu chuyện họ nhận nuôi cậu con trai út sau khi mẹ ruột của cậu bé định phá thai khi bác sĩ chẩn đoán sai về bệnh tình thai nhi.

Ông tin mình đang vâng lời Chúa. Và không phải ngẫu nhiên mà ông chọn từ “bãi bỏ” cho hoạt động chống phá thai. Ông mô tả “sứ mệnh này có thể so sánh với việc thúc đẩy xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ” khi ở thời điểm đó có nhiều người cũng chống lại chủ nghĩa bãi nô.

“Tôi tin rằng việc tước đoạt mạng sống ai đó một cách phi lý, thì cuối cùng họ đáng nhận hình phạt tử hình”, ông nói. “Nhưng tôi không tin hệ thống luật pháp hiện hành sẽ giải quyết được điều đó”.

an le roe v wade bi lat nguoc anh 3

Mục sư Jeff Durbin của nhà thờ Apologia tìm cách thúc đẩy hình sự hóa phá thai. Ảnh: New York Times.

"Tôi là phạm nhân, không phải nạn nhân"

Trong bữa tiệc mừng ở nhà hàng bít tết Brazil, một người phụ nữ ngồi trên chiếc bàn dài. Giống nhiều người khác, Christine Schwan lần đầu tiên tình cờ thấy ông Durbin trên YouTube trong video về Ngày của Mẹ của một người phụ nữ chọn không phá thai.

Vài ngày sau, bà tham gia biểu tình của nhà thờ tại phòng khám của Planned Parenthood. Bà cảm thấy mình phải làm vậy, vì “tôi từng phá thai”.

Người phụ nữ 63 tuổi không tiết lộ thời điểm làm thủ thuật này. “Tôi không phải nạn nhân, mà tôi là tội nhân”, bà nói.

Bà Schwan hiện là phụ tá cho ông Durbin và các mục sư khác, tất cả đều là nam. Bà đồng ý chia sẻ câu chuyện khi ông Durbin yêu cầu.

“Điều khiến tôi buồn nhất là khi nhiều người nói phụ nữ là nạn nhân. Điều đó giống như thể tôi không phải chịu trách nhiệm về hành động đó vậy”, bà nói, bắt đầu khóc và ôm đầu.

“Tôi đã giết một đứa bé. Chúa tạo ra chúng ta để sinh ra những đứa trẻ. Đó là một món quà, không phải là lời nguyền”, bà tiếp tục nói.

Bà tin hoàn toàn vào những gì các mục sư dạy. “Tôi đã tước đoạt đi một mạng sống. Nếu giới chức tới bắt tôi, ngay bây giờ, tôi sẽ chấp nhận và nói tôi là phạm nhân. Nếu đó là hình phạt cho tôi, tôi sẽ nhận nó”, bà nói.

Tổng thống Biden: 'Đây là ngày buồn của nước Mỹ' Tổng thống Joe Biden ngày 24/6 cho biết việc Tòa án Tối cao lật lại phán quyết bảo vệ quyền phá thai Roe v. Wade đã đưa nước Mỹ quay về 150 năm trước.

Bước đi ngược chiều thế giới của Tòa án Tối cao Mỹ

Quyết định của Tòa án Tối cao lật ngược phán quyết vụ Roe v. Wade và xóa bỏ quyền phá thai hiến định đã đặt Mỹ vào số ít quốc gia hạn chế việc tiếp cận phá thai trong thế kỷ XXI.

Cặp đôi Mỹ: 'Đừng tới Malta nếu là phụ nữ'

Sau khi "babymoon" trở thành cuộc khủng hoảng y tế xuyên quốc gia, cô Andrea Prudente muốn kể câu chuyện suýt mất mạng ở Malta để phản đối luật cấm phá thai trên toàn cầu.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm