Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhờ được ‘tiếp tay’ trên Internet, sách lậu ngày càng hoành hành

Ngoài tràn lan ở vỉa hè hay len lỏi vào nhà sách, sách lậu, sách giả còn "đổ bộ" lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội khiến cho cuộc chiến càng trở nên gian nan hơn.

Chong sach lau anh 1

Một trang bán sách vi phạm bản quyền trên mạng xã hội. Ảnh: Quỳnh Trang.

Sách lậu đã trở thành căn bệnh trầm kha của nền xuất bản Việt Nam từ nhiều năm nay. Việc bắt bệnh không khó, nhưng phương thuốc giải bệnh thì dường như chưa hiệu quả, khi mà sách giả, sách lậu ngày càng lộng hành và biến tướng.

Sách lậu tràn lan trên các nền tảng trực tuyến

Chỉ tốn ít thời gian tìm kiếm trên mạng, người mua đã có thể tìm được rất nhiều bộ sách luyện thi IELTS với giá giảm tới 50 -70% so với giá niêm yết trên thị trường.

Không chỉ sách IELTS, rất nhiều sách khác, thuộc các thể loại khác nhau cũng bị in lậu và bán tràn lan trên các trang mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử.

Cuốn truyện trên mạng có giá được chiết khấu tới hơn 50%. Tuy nhiên, khi nhận sách, thì chất lượng lại rất kém từ chất lượng in hay chất lượng giấy. Mặc dù có cả mã QR như sách thật. Nhưng khi quét mã thì lại không ra bất kì thông tin nào của nhà xuất bản.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn - Thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sách Việt Nam - cho biết: "Chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua bản quyền sách. Có nhiều sách phải bỏ ra tới hơn 500 triệu đồng tiền bản quyền, một con số không hề nhỏ với các đơn vị phát hành sách. Một quyền sách trong nước in 1.000 quyển, phải bán 800 quyển mới hòa vốn. Tuy nhiên, chúng tôi vừa in 1.000 quyển thì đã xuất hiện sách giả nên việc buôn bán sau đó khá khó khăn".

Số lượng sách lậu, sách giả phát hiện được chỉ chiếm 0,4-0,5% tổng số lượng sách được in. Theo các chuyên gia, điều đó có nghĩa con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều. Tình trạng sách lậu, sách giả vẫn còn diễn biến khá phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các đơn vị mua bán bản quyền sách, các đơn vị xuất bản và cả chính người đọc.

Sách giả, sách lậu không chỉ gây ức chế cho độc giả bởi chất lượng in, giấy kém mà còn làm thui chột đi sự sáng tạo của người viết sách, làm sách. Nghiêm trọng hơn là bào mòn văn hóa đọc. Nhưng thị trường ngầm này mang lại lợi nhuận khủng cho các đối tượng tội phạm. Với nhà xuất bản, muốn ra một cuốn sách phải trải qua rất nhiều khâu như đàm phán bản quyền, dịch sách, hiệu đính, xin giấy phép, biên tập, chế bản... song với sách lậu thì chỉ là tiền giấy và công in, tức là chi phí chỉ còn khoảng 10-20%. Do đó các vụ việc được phát hiện ngày càng ở quy mô lớn hơn, tinh vi hơn.

Kiên quyết nói không với sách giả, sách lậu

Theo quy định của pháp luật, việc tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép có thể bị xử phạt hành chính từ 20-30 triệu đồng, nếu thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên thì khung hình phạt tù sẽ là từ 7 năm đến 15 năm. Tuy nhiên, những mức phạt này chưa ngăn được diễn biến phức tạp của sách lậu.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho hay: "Hiện nay tình trạng buôn bán sách lậu có sự biến tướng trên các trang mạng xã hội cũng như nền tảng thương mại điện tử. Để đối phó với tình trạng trên, chúng tôi đã tổ chức các đường dây nóng để có thể ghi nhận phản ánh về tình trạng sách lậu. Giải pháp thứ hai về kỹ thuật, để phát hiện các trang, các nền tảng mà ở đó bày bán sách vi phạm bản quyền. Giải pháp thứ ba là chúng tôi đang tăng cường ký kết với các đơn vị, nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu cam kết không trưng bày các loại sách vi phạm bản quyền".

Nếu so sánh với các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh thì hiện tình trạng xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản trầm trọng hơn rất nhiều. Sách lậu được ví như những con virus đang phát tán với tốc độ khủng khiếp. Nếu không có những biện pháp đủ mạnh, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ bức tử nền xuất bản, từ đó bức tử nền văn hóa. Trong cuộc chiến này, rất cần nhận thức từ phía độc giả, kiên quyết nói không với sách giả, sách lậu để ủng hộ cho những tác giả và các nhà xuất bản chân chính, cũng là vì quyền lợi lâu dài của chính chúng ta.

NHỮNG VỤ IN SÁCH LẬU QUY MÔ LỚN

Tháng 1 vừa qua, Viện KSND thành phố Hà Nội vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng, cầm đầu là Nguyễn Tiến Đạt vì tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả". Cuối tháng 12/2022, lực lượng chức năng kiểm tra 8 kho xưởng của các đối tượng, thu giữ khoảng 100 tấn sách lậu với gần 400.000 cuốn cùng nhiều trang thiết bị phương tiện kỹ thuật in ấn.

Trước đó, năm 2021, dư luận từng rúng động với vụ án gần 30 tấn sách vi phạm bản quyền tác giả tác phẩm bị Đội liên ngành Phòng chống in lậu thành phố Hà Nội phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tổ chức thu giữ, tại Hà Nội.

Đối với sách lậu trên sàn thương mại điện tử, tháng 9/2020, First News - Trí Việt khởi kiện Lazada. Đây là vụ kiện đầu tiên liên quan đến sách lậu trên sàn giao dịch điện tử. Lazada đã phải gỡ bỏ 8 gian hàng bán sách lậu, nhưng sau động thái này, đến nay vụ kiện hiện vẫn chưa đi đến hồi kết.

Ngăn chặn sách lậu trên môi trường số

Xuất bản sách trên môi trường số đang là xu thế hiện nay; nhưng để kinh doanh sách điện tử, sách nói phát triển hiệu quả thì cần ngăn chặn tình trạng sách lậu trên môi trường số.

Ra mắt đường dây nóng ngăn chặn sách lậu 032 961 0717

Nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống sách lậu, Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương đã thiết lập đường dây nóng, nhận các khiếu nại.

https://vtv.vn/xa-hoi/nho-duoc-tiep-tay-tren-internet-sach-lau-ngay-cang-hoanh-hanh-20230224015231665.htm

Ban Thời sự/VTV

Bạn có thể quan tâm