Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhờ đâu Kinh Đô tự tin dẫn đầu thị trường mì gói?

Là tân binh, nhưng lãnh đạo tập đoàn Kinh Đô tự tin khẳng định, thương hiệu mì gói của đơn vị này trước mắt sẽ đứng ở top 3, và mục tiêu là dẫn đầu thị trường.

Chiếm 10% thị phần trong 3 năm tới

Khi Kinh Đô công bố tham gia vào thị trường mì gói, đã có nhiều ý kiến cảnh báo ngành hàng này cạnh tranh rất khốc liệt, với những thương hiệu đã được người tiêu dùng biết đến từ lâu. Tuy nhiên, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô vẫn tự tin cho biết, mục tiêu của đại gia bánh kẹo đi làm mì tôm là đứng ở top 3 thị trường, với thị phần 10% trong vòng 3 năm tới.

“Với kinh nghiệm, vốn, công nghệ và chất lượng sản phẩm hiện nay, chúng tôi khẳng định không thua kém đơn vị nào. Chúng tôi tự tin có thể cạnh tranh tốt với tất cả các thương hiệu. Tham vọng của chúng tôi là dẫn đầu thị trường này”, lãnh đạo Kinh Đô cho biết.

Tuy cùng thời với Acecook Việt Nam, nhưng Saigon Ve Wong chưa gây được tiếng vang, cũng như chiếm lĩnh thị phần như đối thủ.

Năm 2012, thị phần mì ăn liền của hãng chỉ chiếm 5,1%. Ngoài ra nhãn hiệu A-one cũng chưa gây được dấu ấn như Hảo Hảo của Acecook Việt Nam. Riêng thương hiệu Hảo Hảo đã chiếm thị phần gấp 4 lần A-one.

Cơ sở để khẳng định sẽ trở thành thương hiệu dẫn đầu của Kinh Đô chính là sự hợp tác với Công ty TNHH Saigon Ve Wong, đơn vị gắn với thương hiệu mì A-One. Đơn vị này đã đầu tư vào ngành mì ăn liền tại Việt Nam từ những năm 90.

Kinh Đô cho rằng, sự kết hợp giữa thế mạnh về sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm của Saigon Vewong, cùng với kinh nghiệm cũng như lợi thế trong phát triển ngành hàng, phân phối, quảng bá sản phẩm của Kinh Đô, sẽ đưa mì gói mang thương hiệu liên doanh này nhanh chóng đứng top đầu thị trường.

Chia sẻ thêm về mục tiêu và giải pháp để vào top 3, đại diện liên doanh này cho biết, sẽ thâm nhập vào cả 3 phân khúc khách hàng, bao gồm phổ thông, cao cấp và siêu cao cấp, với giá 3.500 đồng, 6.000 đồng và 10.000 đồng một gói.  

Với hệ thống phân phối rộng khắp cùng khả năng tài chính mạnh và sự hợp tác với doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất, Kinh Đô tự tin khẳng định sẽ đưa mì gói của thương hiệu này dẫn đầu thị trường.
Với hệ thống phân phối rộng khắp cùng khả năng tài chính mạnh và sự hợp tác với doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất, Kinh Đô tự tin khẳng định sẽ đưa mì gói của thương hiệu này dẫn đầu thị trường.

Mì gói phát triển với "mác" bánh kẹo

Hiện nay, thị trường mì gói Việt Nam nằm trong tay 3 doanh nghiệp chính, gồm Acecook Việt Nam, Masan Food và Asia Food, với 80% thị phần. Trong đó, Acecook Việt Nam giữ vị trí dẫn đầu, với 51,5% thị phần.

Nếu Acecook Việt Nam tập trung vào phân khúc trung bình, Masan nhắm vào phân khúc cao cấp và phổ thông, hiện đứng vị trí thứ 2 với 17% thị phần. Doanh nghiệp lớn thứ 3 là Asia Food với thương hiệu mì Gấu Đỏ, chiếm 12,1% thị phần.

Và cuộc chiến mì gói tại thị trường Việt Nam hứa hẹn sẽ cạnh tranh hơn, mang lại thêm lựa chọn cho người tiêu dùng, khi có mặt mì gói mang thương hiệu của nhà sản bánh kẹo quen thuộc. Đại diện Kinh Đô cho biết, là doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực bánh kẹo, nên sự xuất hiện mì gói Kinh Đô với tên gọi Ki Do (thành viên của Kinh Đô), sẽ khơi gợi tò mò, dẫn tới quyết định dùng thử sản phẩm.

Chiến lược quảng bá cũng không theo đường quen thuộc các thương hiệu khác đang làm. "Thay vì quảng cáo rầm rộ để tăng khả năng nhận diện thương hiệu rồi mới đưa hàng hóa đến các kênh phân phối, chúng tôi làm ngược lại.

Mì gói Kinh Đô tung ra vào cuối năm 2014, hiện đã có mặt ở 86.000 điểm bán trên khắp cả nước. Doanh nghiệp lấy lòng khách hàng bằng cách lắng nghe chia sẻ của họ sau khi dùng thử sản phẩm. Chiến lược quảng cáo sau đó mới triển khai đồng loạt, cùng chương trình khuyến mãi, để đo phản ứng của người tiêu dùng, các đối thủ. Mì mới tung ra một tháng đã thiếu hụt nguồn cung, chứng tỏ sản phẩm của chúng tôi được thị trường chấp nhận", đại diện Kinh Đô khẳng định.

Ông lớn bánh kẹo cũng tự tin với khả năng tài chính của mình khi bước chân vào lĩnh vực này. Gần 8.000 tỷ đồng thu về từ việc bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại cuối năm 2014, Kinh Đô cho biết trích hơn 300 tỷ đầu tư cho mì gói. Và định hướng sẽ đạt 1.000-2.500 tỷ đồng doanh thu đóng góp từ mảng này, chiếm 25% cơ cấu doanh thu của công ty.

Theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, thị phần mì ăn liền Việt Nam phần lớn đang thuộc về Vina Acecook (52%), Masan (17%), Asia Foods (12%). Các thương hiệu như Vifon, Saigon Vewong, Colusa - Miliket... chiếm từ 2-5%.

Nhu cầu tiêu thụ mì tại Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới, với 5,2 tỷ gói mì. Hiện có khoảng 600 nhãn hiệu sản phẩm mì, bún ăn liền đang được phân phối trên kệ bán hàng của các siêu thị lớn như Co.opmart, BigC hay Lotte Mart.

 
Bài liên quan

Bỏ bánh kẹo, Kinh Đô còn gì?

Bỏ bánh kẹo, Kinh Đô còn gì?

Từ chỗ chỉ là ông lớn chuyên doanh bánh kẹo, hiện Kinh Đô còn bước chân sang kinh doanh nhiều mặt hàng khác, trong đó có dầu ăn, cà phê và mì gói.

H.Linh

Bạn có thể quan tâm