Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nho đặc sản độn đá ở Ninh Thuận

Gần đây, một số khách hàng thường phản ánh chuyện mua phải nho đặc sản dỏm, lại còn bị độn đá để cân nặng ở ga Tháp Chàm (Ninh Thuận).

Anh Nguyễn Đước (quận 5, TP.HCM) chia sẻ, trên chuyến tàu TN4 khởi hành từ TP.HCM về thăm quê Quảng Ngãi lúc 16h ngày 5/7, khi tàu dừng lại ga Tháp Chám khoảng 21h để đón khách, có rất nhiều người bán hàng rong tranh thủ lên tàu rao bán hàng. Tôi nghe nói ở ga Tháp Chàm có bán loại nho quả nhỏ rất ngon nên tranh thủ xuống ga mua vài ký về làm quà cho gia đình và biếu hàng xóm.

Thấy xe đẩy của hai phụ nữ bán hàng là những rổ nho đầy ắp, chùm nào chùm nấy trông rất ngon mắt, dày khít quả, tôi hỏi giá bao nhiêu một ký, người bán hàng nói 20.000 đồng, bán đúng giá. Tôi mua 5kg. Khi thấy tôi mang nho lên tàu, nhiều người ngồi bên cạnh cũng tranh thủ xuống tàu mua để về quê làm quà biếu. Ngồi trên tàu, thấy nhiều người mang những giỏ nho nhỏ xinh trông rất đẹp mắt lên tàu rao bán, tôi “cầm lòng” không được nên lại mua tiếp một giỏ nho nữa.

Về nhà tôi đưa nho cho mẹ ngâm muối rửa kỹ, với ý định mang biếu hàng xóm mỗi người một ít lấy thảo. Mẹ tôi lấy nho từ trong bịch nilông mà tôi đã gói ghém cẩn thận ra rửa thì mới hỡi ôi, hơn 2/3 những chùm nho ngon lành, đẹp mắt trong giỏ tre cũng như trong bịch đã được người bán cột chặt bằng dây thun cho nho dính lại thành chùm một cách rất “tinh vi”, khi kéo giãn những sợi dây thun ra thì những quả nho bắt đầu rơi rụng đầy trong chậu nước. Mẹ tôi lắc đầu ngao ngán, nói rằng những chùm nho như thế này thì không thể mang biếu hàng xóm. Nho của tỉnh Ninh Thuận nổi tiếng rất ngon, nhưng với kiểu buôn bán lừa dối như thế này tôi nghĩ nhiều người mua nho trên chuyến tàu hôm đó về nhà chắc cũng mang nỗi ấm ức, bực mình như tôi.

Anh Nguyễn Long ở Hà Nội cũng phản ảnh, mới đây trên chuyến tàu từ TP.HCM ra Hà Nội, nhân lúc đoàn tàu dừng mấy phút vào buổi tối ở ga Tháp Chàm, tôi đã mua một số giỏ nho của những người bán hàng rong để mang về làm quà cho người thân và bạn bè. Các giỏ nho khoảng vài ký/giỏ, được xếp đặt ngay ngắn nhìn rất bắt mắt, với lại người bán mời mọc nhiệt tình quá nên không chỉ tôi mà rất nhiều khách đã mua, người năm giỏ, người mười giỏ... Khi tàu chầm chậm bắt đầu hành trình chuyển bánh, tôi cũng sắp xếp ổn định các giỏ nho và yên tâm về số quà biếu cho người thân, bè bạn nhân chuyến du lịch phía Nam của mình.

Thế nhưng khi mang các giỏ nho về nhà, tôi mới phát hiện những chùm nho được sắp đặt ngay ngắn, đầy quá miệng giỏ kia đều là những chùm nho “dỏm”, khi người ta nhặt nhạnh những quả nho rời rồi dùng kim khâu chỉ đính lại như một chùm nho sai trĩu quả. Không chỉ vậy, khi lấy những “chùm nho đểu” ấy ra, tôi tưởng cả giỏ nho đầy với trọng lượng vài ký như lời người bán nói, nào ngờ nó chỉ được vài ba chùm rải ở trên mặt, còn phía dưới giỏ độn giấy kết hợp cả vài cục đá cho nặng. Bực tức vì bị lừa, tôi nghĩ chuyện này cũng là “học phí” để lần sau phải cảnh giác, thận trọng khi mua hàng hóa, nhất là ở những bến xe, nhà ga...

Nho của tiểu thương bán tại sạp trong ga Tháp Chàm đảm bảo chất lượng hơn. (Trong ảnh: một sạp bán nho tại ga Tháp Chàm, Ninh Thuận).

 

Ông Trần Văn Dũng, trưởng ga Tháp Chàm, cho biết ở ga Tháp Chàm thời gian gần đây xuất hiện khoảng năm người bán nho dạo và nhảy lên tàu bán mỗi khi tàu dừng. Đây là các đối tượng được liệt vào danh sách “đen”, bởi bán hàng kém chất lượng khiến hành khách phàn nàn. Những người này bán hàng rong lâu năm, khi ga làm căng thì bỏ đi làm thuê nơi khác, nhưng mới đây việc làm không có nên lại quay về ga hành nghề.

Theo ông Dũng, các tiểu thương và bảo vệ ở ga cũng phản ánh việc xâu trái nho lại thành chùm để bán, độn giấy cứng và đá dưới giỏ nho là “sản phẩm” của những người bán nho dạo này. “Những chủ vườn nhỏ thường cắt bỏ những quả bị nứt, quả xấu cho chùm nho đẹp hơn, rồi bán lại cho những người mua về làm rượu. Những người bán nho dạo mua nho đó về xâu lại để bán”, ông Dũng cho hay.

Theo ông Dũng, hiện trong ga Tháp Chàm có sáu sạp bán nho và táo. Đây là những người bán hàng rong trước kia nhưng được các phường trong TP.Phan Rang - Tháp Chàm gửi vào ga bán nho để tạo công ăn việc làm. Những người này bán nho chất lượng, không cân thiếu, không xâu nho lại với nhau. Bảo vệ và tổ an ninh trật tự của ga Tháp Chàm cũng thường xuyên kiểm tra chất lượng nho và kiểm tra cân của những tiểu thương này. Ông Dũng cho rằng, hành khách nên mua nho của những người bán sạp tại ga chứ không nên mua nho của những người bán rong trên tàu.

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm