Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đặc sản' Trung Quốc núp bóng Đà Lạt

Du lịch, thăm thú các danh thắng, du khách luôn có nhu cầu mua sắm những sản phẩm lưu niệm đặc trưng ở địa phương nhưng họ không ngờ “đặc sản” này toàn là hàng Trung Quốc.

'Đặc sản' Trung Quốc núp bóng Đà Lạt

Du lịch, thăm thú các danh thắng, du khách luôn có nhu cầu mua sắm những sản phẩm lưu niệm đặc trưng ở địa phương nhưng họ không ngờ “đặc sản” này toàn là hàng Trung Quốc.

Chị Vũ Thị Thủy, du khách đến từ Quảng Ninh, khi đi du lịch Lâm Đồng đã ghé một gian hàng trưng biển “đặc sản Đà Lạt” mua 700.000 đồng mứt về làm quà cho người thân. “Khi về nơi nghỉ, chủ khách sạn quả quyết mớ mứt đó không phải là đặc sản Đà Lạt mà chỉ là hàng Trung Quốc đánh tráo nhãn mác. Khi tôi đem ra gian hàng này đòi đổi lại sản phẩm khác, chủ quầy lại không chịu”, chị Thủy bức xúc.

Lợi nhuận hấp dẫn từ việc nhập hàng Trung Quốc giá rẻ về thay bao bì, nhãn mác “đặc sản Đà Lạt” để bán với giá cao đã khiến nhiều tiểu thương ở thành phố du lịch này bất chấp tất cả. Trên 2 tuyến đường dẫn tới khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu và Đồi Mộng Mơ, hàng chục quầy hàng lớn treo biển “Đặc sản Đà Lạt”, nơi nào cũng có bãi đỗ xe cho du khách dừng chân mua sắm. Trong chợ Đà Lạt cũng có cả trăm quầy hàng lớn nhỏ buôn bán đủ loại “đặc sản”.

 Đặc sản Đà Lạt bán tại các khu du lịch song không phải đều là hàng Việt 100%.

“Những đặc sản thật sự của Đà Lạt hiện còn rất ít, như rượu vang, atisô, hồng sấy, mứt khoai lang, mứt dâu... Ngược lại, khoai sâm, mơ cay, đào sữa, ô liu... xuất xứ từ Trung Quốc với màu sắc sặc sỡ, tươi tắn do sử dụng chất bảo quản được bày bán đầy và chủ quầy khi mời mọc du khách luôn khẳng định là “đặc sản Đà Lạt”. Nhiều du khách không ngần ngại bỏ tiền triệu để mua các loại “đặc sản” này nhưng họ nào ngờ chúng toàn là hàng Trung Quốc”, chủ một quầy bán rượu vang, atisô trên đường Phù Đổng Thiên Vương - Đà Lạt cho biết.

Gần đây, du khách đến Mũi Né - Bình Thuận, Nha Trang - Khánh Hòa... thường được giới thiệu mua một đặc sản của Ninh Thuận là nho. Chị Trần Kim Hồng, ngụ tại T.P Phan Rang - Tháp Chàm, chuyên thu mua nho Ninh Thuận để bỏ mối, cho biết dịp 2/9 vừa qua, chị đi du lịch Mũi Né và cũng được mời mua “đặc sản Ninh Thuận”. “Nhìn là tôi biết ngay nho Trung Quốc vì giá quá rẻ, chỉ 6.000 - 8.000 đồng/kg, trái cũng khác hẳn. Khi tôi vặn hỏi mãi, người bán mới thú thật là nho Trung Quốc”, chị Hồng nói.

Hàng lưu niệm Trung Quốc tràn ngập

Tại một điểm du lịch nổi tiếng ở TP Huế, trong hàng loạt sản phẩm lưu niệm gắn mác sản xuất ở cố đô có rất nhiều hàng Trung Quốc, như: nón lá, áo quần, giỏ xách, quạt, dù… Bến xe Nguyễn Hoàng, điểm dừng chân để du khách vào tham quan Đại nội Huế, có gần 10 quầy bán hàng lưu niệm. Khi chúng tôi hỏi, một chủ quầy tên H. không hề giấu giếm: “Hàng Trung Quốc hả? Thiếu gì!”. Bà H. đon đả giới thiệu hàng loạt sản phẩm: áo quần trẻ em, đồ vật trang trí, quạt, dù… Lấy một bộ áo quần trẻ em ghi chữ “Cố đô Huế” nhưng được may theo kiểu Trung Quốc truyền thống, bà H. niềm nở: “Có 50.000 đồng thôi nhưng mặc rất nhẹ và mát”.

 Rất khó phân biệt đặc sản xịn và hàng có xuất xứ Trung Quốc

Trong các cửa hàng bán đồ lưu niệm quanh Đại nội Huế, rất nhiều loại quạt cầm tay in hình cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ… được bày bán với giá 10.000 - 15.000 đồng/chiếc. Giới thiệu cho chúng tôi loại quạt làm bằng gỗ có mùi thơm gói trong chiếc hộp màu xanh, bà H. quả quyết: “Đây là hàng Trung Quốc nhưng rất tốt, giá lại rẻ nên rất nhiều người mua về làm quà lưu niệm”.

“Cứ đà này, người ta chỉ bán toàn hàng Trung Quốc, còn những người sản xuất hàng lưu niệm truyền thống ở Huế chắc phải bỏ nghề”, bà Nguyễn Thị Tình, một người bán nón bài thơ bên chợ Đông Ba lo ngại.

Đánh lừa du khách

Mới đây, các cơ quan chức năng liên ngành TP Đà Lạt đã kiểm tra 95 cơ sở kinh doanh, buôn bán “đặc sản Đà Lạt”. Kết quả, 91 cơ sở vi phạm về nhãn mác, chủ yếu là hàng Trung Quốc đánh tráo nhãn mác Đà Lạt, bán giá cao để đánh lừa du khách. Cơ quan chức năng đã tịch thu 2,3 tấn mứt TQ các loại. Trước đó, vào đầu tháng 8/2012, Đội quản lý thị trường số 1 - TP Đà Lạt cũng thu giữ 1,4 tấn mứt Trung Quốc được vận chuyển bằng xe khách lên Đà Lạt tiêu thụ...

Ngoài ra, Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Đà Lạt cũng đã đề xuất cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở kinh doanh các mặt hàng Trung Quốc không có nhãn mác, nhãn không ghi đầy đủ nội dung, cung cấp thông tin sai lệch, thiếu trung thực với khách hàng…

Nhìn nhận về thực trạng “đặc sản” Trung Quốc lấn át hàng truyền thống địa phương ở các điểm du lịch, ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch - Phát triển du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cảnh báo: “Du khách nào cũng muốn mua những sản phẩm đặc trưng của địa phương họ đến du lịch để lưu niệm. Việc các cửa hàng lưu niệm đưa hàng TQ vào bán sẽ làm mất uy tín hàng trong nước, kìm hãm sự phát triển hàng thủ công mỹ nghệ tại địa phương”.

Giá cả phải cạnh tranh

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho rằng cần nhìn vào sự thật là đồ lưu niệm của Việt Nam sức cạnh tranh kém hơn về mặt giá cả cũng như mẫu mã so với hàng Trung Quốc. Chính sách khuyến khích người dân phát triển sản phẩm truyền thống ở các cấp độ khác nhau chưa thực sự được quan tâm.

Để có những sản phẩm du lịch ấn tượng và đặc trưng, bên cạnh sự quan tâm của các địa phương còn cần sự phối hợp giữa ngành công thương, thương mại, các làng nghề thủ công truyền thống. “Nó không chỉ tạo ra sản phẩm hàng hóa cho du lịch có đủ sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương”, ông Tuấn nói.

 Theo Người Lao Động
 

 Theo Người Lao Động
 

Bạn có thể quan tâm