Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II sáng 1/4, đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết tín dụng trên địa bàn trong quý I/2023 tăng khoảng 1% so với quý IV/2022, và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ông đánh giá mức tăng này còn chậm.
Vốn đã có, vấn đề là lãi suất và cách tiếp cận
Nguyên nhân là nhu cầu vốn trong các tháng đầu năm không cao, do tháng 1 và tháng 2 rơi vào dịp Tết Nguyên đán, đồng thời tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp sau Covid-19 chưa phục hồi, trong khi đầu ra của thị trường còn khó khăn.
Dù vậy, lãnh đạo NHNN TP.HCM nhìn nhận trách nhiệm phải tiếp tục phối hợp với các sở ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp về vấn đề nguồn vốn.
"Định hướng trong thời gian tới sẽ giảm lãi suất và gia hạn nợ, hệ số thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Chúng tôi yêu cầu các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp hợp tác cùng nhau. Đặc biệt, 4 ngân hàng quốc doanh tiếp tục hỗ trợ lãi suất", vị lãnh đạo NHNN TP.HCM chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng kiến nghị TP chỉ đạo các sở ngành liên quan tiếp tục phối hợp với NHNN, nếu có khó khăn thì đối thoại trực tiếp và tháo gỡ kịp thời.
Toàn cảnh phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II sáng 1/4. Ảnh: TTBC. |
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nguồn vốn đã có tương đối, vấn đề là lãi suất và cách tiếp cận. Do đó, thời gian tới, cơ quan này sẽ hỗ trợ kết nối các ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Trước đó, cũng tại phiên họp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) kiến nghị NHNN có chính sách hỗ trợ dòng vốn lưu động cho doanh nghiệp theo hình thức tín chấp hoặc thế chấp hàng tồn kho.
Với các khoản vay dài hạn 7-10 năm để đầu tư và phát triển, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có lãi suất dưới 10%/năm. Tuy nhiên, để thực sự vay vốn được, ông kiến nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết các thủ tục pháp lý về đất đai, đồng thời các ngân hàng xem xét việc định giá đất thế chấp theo giá thị trường.
Thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất, thương mại
Trong bối cảnh kinh tế TP.HCM giảm tốc, dự thảo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý I, nhiệm vụ, giải pháp quý II/2023 của UBND TP gửi Chính phủ nêu rõ ngay trong tháng 4 sẽ rà soát, đánh giá và triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ tăng trưởng 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ.
Bên cạnh đó, hoàn thiện đề án thu hút FDI và thu hút nguồn lực xã hội cho các dự án hạ tầng giao thông, đô thị và dịch vụ.
TP cũng sẽ rà soát các quy hoạch gắn với định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và định hướng phát triển công nghiệp TP trong bối cảnh mới.
Đồng thời, xây dựng đề án mở rộng Khu Công nghệ cao hiện hữu và nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP theo hướng nghiên cứu hợp nhất các cơ quan có chức năng xúc tiến thương mại.
Góp ý tại phiên họp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cũng tham mưu thêm 3 nhóm giải pháp có thể thực hiện ngay trong tháng 4, với niềm tin các chỉ số kinh tế có thể tăng tốt hơn trong quý II.
Thứ nhất, ông cho rằng nên tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu phát triển, tuy nhiên quyền này thuộc về UBND TP.HCM. Ông đề xuất Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) phối hợp với Sở Công Thương để có giải pháp cụ thể, có thể là triển khai một diễn đàn chỉ bàn về xuất khẩu.
Thứ hai, triển khai chương trình hợp tác tiêu dùng sản phẩm công nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển các lĩnh vực công nghiệp. Trong quý II, Sở Công Thương TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị tìm nhà cung ứng để hỗ trợ nhóm ngành này.
Thứ ba, thúc đẩy công nghệ số và thương mại điện tử, cũng như tổ chức chương trình khuyến mại tâp trung vào dịp hè, cùng ngành du lịch để khuyến khích du khách trong và ngoài nước.
Tổng kết phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ hoàn thiện 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 4, cũng như 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong năm nay và triển khai đến tất cả sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.