Đoàn xe y tế đỗ xịch trước cổng Ký túc xá trường Đại học FPT (khu quân sự Hòa Lạc) nửa đêm 24/3. Thượng tá Cấn Đình Trung chờ sẵn ở cổng, ra lệnh cho đội quân “áo xanh” phun thuốc khử trùng trước khi đoàn xe tiến vào bên trong. Cùng lúc, anh Trung cầm bộ đàm ra lệnh cho những đồng đội: “Xe đã đến cổng, đề nghị các đồng chí vào vị trí”.
Xuyên qua lớp khử trùng, hàng xe nối đuôi nhau tiến vào sảnh D của tòa nhà. Lần lượt, từng người trên xe bước xuống, xếp thành hàng ngay ngắn theo hiệu lệnh phát ra từ người chiến sĩ đứng trên thềm. Mọi người không giao tiếp với nhau, chỉ để lộ ra đôi mắt mệt mỏi sau chuyến bay dài.
Anh Trung cùng hàng trăm chiến sĩ, dân quân và đội ngũ y tế tại khu cách ly Hòa Lạc có thêm một đêm không ngủ, sau 2 ngày dọn dẹp chờ người từ sân bay Nội Bài về cách ly theo chỉ thị của thành phố.
Đêm đó, từng dãy phòng bên trong ký túc xá được mệnh danh là đẹp nhất Hà Nội lần lượt sáng đèn.
Những đêm trắng
604 là số người Việt trở về từ nước ngoài đến cách ly tập trung tại Hòa Lạc trong đêm 24/3. Với số lượng này, đội ngũ bộ đội và y tế huyện Thạch Thất phải mất 4 tiếng để thực hiện việc kiểm tra thân nhiệt, đồng thời sắp xếp, bố trí người trong các phòng cách ly.
Hai ngày trước khi đón người về, gần 100 chiến sĩ và cán bộ của Ban chỉ huy Quân sự huyện Thạch Thất được điều động đến dọn dẹp khu ký túc xá của trường Đại học FPT. Anh Trung là chỉ huy trưởng, điều phối toàn bộ hoạt động trong khu vực.
“Vì sinh viên của trường vẫn đang trong thời gian nghỉ ở nhà do dịch bệnh nên chúng tôi trực tiếp dọn dẹp khu vực. Mất 2 ngày 2 đêm để mọi thứ hoàn thành”, anh Trung nói.
Tại khu cách ly ở KTX Đại học FPT, các xe y tế đưa người vào trong khu cách ly được khử khuẩn, phòng ốc được dọn dẹp sạch sẽ trước khi đón người vào cách ly. Ảnh: Hồng Quang. |
Toàn bộ đồ đạc của sinh viên trong ký túc xá được đóng gói cẩn thận vào thùng carton và bảo quản riêng trong một khu vực. Những chiếc giường tầng được trải lên lớp chiếu mới, thay toàn bộ chăn gối. Những đồ dùng thiết yếu khác trong nhà tắm cũng được thay mới hoàn toàn.
Công tác chuẩn bị xong xuôi, các chiến sĩ chưa kịp có 1 giấc ngủ trọn vẹn sau 2 đêm thức trắng, thì đến ngày thứ 3 toàn bộ hệ thống phải bật dậy giữa đêm khi nhận tin đoàn người cách ly đang về.
Chỉ 30 phút sau khi anh Trung nhận được cuộc gọi thông báo từ Bộ Tư lệnh Thủ đô, lực lượng bộ đội và y tế nhanh chóng khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, khẩu trang và kính mắt, khẩn trương tập trung trước sảnh tòa nhà chuẩn bị đón người.
Khi mọi thủ tục kiểm tra y tế, khai báo thông tin và ổn định chỗ đã xong xuôi, đồng hồ điểm 4h sáng. Thượng tá Trung khích lệ những đồng đội của mình và yêu cầu mọi người trở về phòng tranh thủ ngủ lấy sức để tiếp tục thực hiện công tác trong những ngày sau đó.
Ba đêm gần như thức trắng, ai nấy mệt nhoài.
Thành phố thu nhỏ
Từ sáng sớm, chị Nguyễn Hồng Nhung cùng các đồng nghiệp của mình đã khoác lên người bộ đồ bảo hộ để chuẩn bị thực hiện việc phát đồ ăn cho người bên trong khu cách ly. Đều đặn 3 bữa một ngày, những hộp cơm được đặt ngay ngắn trước cửa phòng theo giờ cố định 7h, 12h và 18h.
Từ hôm làm nhiệm vụ ở trong khu cách ly, đôi tay của chị Nhung lúc nào cũng thoảng mùi cao su. Giữa tiết trời tháng 3 vẫn còn mưa nồm, mồ hôi từ trán chị túa ra như tắm vì bộ đồ bảo hộ nóng bức. Nhưng mỗi ngày những nhân viên y tế như chị đều đặn mặc bộ đồ 3 lần, trước giờ phát cơm và kiểm tra thân nhiệt cho người cách ly.
Cảnh đưa cơm lúc nào cũng diễn ra tất bật và ồn ào, người mang cơm, người mang canh đến đặt trước cửa các phòng và gọi vọng vào trong để mọi người ra lấy đồ. Chị Nhung phải ghi nhớ những phòng có người ăn chay để phân công phát cơm cho đúng.
Công tác phục vụ bữa ăn diễn ra nhanh chóng, khẩn trương.
Nơi ở của những cán bộ y tế được bố trí ngay dưới tầng 1 của tòa nhà làm khu cách ly. Trong quá trình hỗ trợ người cách ly, chị Nhung và các đồng nghiệp cũng phải gián tiếp tự cách ly bản thân.
Tòa nhà trưng dụng làm khu cách ly luôn được khóa chặt 2 đầu chốt cửa, còn bên ngoài để tấm biển "Khu vực nguy hiểm, không phận sự miễn vào".
Các cán bộ bên trong khu cách ly đưa cơm đến các phòng. Tất cả phải trang bị đồ bảo hộ, hạn chế rủi ro khi tiếp xúc với người cách ly. Ảnh: Hồng Quang. |
Tại đây, trước mỗi cửa phòng đều để sẵn các mẩu giấy cho mọi người ghi lại những yêu cầu hoặc tâm tư, nguyện vọng của bản thân. Mỗi ngày, các cán bộ y tế như chị Nhung sẽ đi gom lại, thông báo cho phía quân đội bên ngoài với đầu mối là anh Trung để có kế hoạch hỗ trợ.
Số điện thoại đường dây nóng được dán ngay cửa phòng để người dân có thể liên lạc bất kỳ lúc nào.
“Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận nhiều yêu cầu, nguyện vọng của người cách ly. Đôi khi họ muốn một cốc cà phê, thèm một món ăn gì đó không có trong thực đơn, chúng tôi đều cố gắng đáp ứng”, thượng tá Trung kể.
Theo anh Trung, việc khó nhất đối với các cán bộ phục vụ là giải tỏa tâm lý cho những người đang phải cách ly. Có người tỏ ra buồn chán, nhiều người lại tỏ ý kỳ thị người sống cùng phòng và đòi chuyển phòng khác, tất cả những khúc mắc đó đều được các cán bộ nắm bắt và giải quyết.
Những ngày này, khu cách ly tại Hòa Lạc giống như một thành phố thu nhỏ với đủ lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người già; đủ các miền của đất nước. Do đó, công tác phục vụ trở nên khó khăn hơn khi các cán bộ phải đáp ứng các yêu cầu của nhiều đối tượng khác nhau.
“Không ai thấy mệt mỏi, có những cuộc điện thoại xin nước nóng pha sữa cho trẻ con lúc 1h sáng chúng tôi cũng vui vẻ đáp ứng. Tất cả đều dốc sức phục vụ người dân”, thượng tá Trung vui vẻ.
Giữ nếp sinh hoạt
Đồng hồ điểm 12h trưa, như một thói quen, Thảo Nguyên gập chiếc máy tính khi đang xem dở bộ phim và ra cửa lấy đồ ăn mang vào phòng cho mọi người. Cô gái 18 tuổi, người Sài Gòn, trở về từ Mỹ trước khi sân bay ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM có lệnh dừng đón các chuyến bay từ nước ngoài.
Do thời điểm Nguyên quá cảnh ở Đài Loan, sân bay Tân Sơn Nhất đã ngừng tiếp nhận người từ nước ngoài trở về, vì thế chuyến bay của cô đổi lịch trình và hạ cánh tại Nội Bài. Sau vài phút lo lắng vì lịch trình không như dự định, Nguyên quyết định điện thoại về nhà thông báo cho ba mẹ việc mình sẽ cách ly ở Hà Nội.
"Ban đầu em cũng khá lo lắng vì mình không có người thân ở đây, cũng không có ai tiếp tế đồ hay thăm hỏi. Nhưng khi ở trong này rồi em thấy yên tâm, vì mình cần gì cũng đều có cả", Nguyên nói với giọng hào hứng.
Việc kiểm tra thân nhiệt được thực hiện 2 lần mỗi ngày để sớm phát hiện các trường hợp có triệu chứng lâm sàng. Ảnh: Hồng Quang. |
Vào giữa các buổi sáng và chiều, Nguyên vẫn đeo khẩu trang và ra dãy bàn ngoài phòng để làm bài tập. Chương trình lớp 12 đang học không cho phép cô gái lười biếng. Để không cảm thấy buồn chán, Nguyên cho biết bản thân đã cố gắng duy trì nếp sinh hoạt như bình thường trong những ngày ở khu cách ly.
Không tụ tập bạn bè, không trò chuyện, tán gẫu, phần lớn thời gian được Nguyên dùng để học tập và theo dõi các bộ phim mà cô yêu thích. Một ngày của cô gái 18 tuổi trong khu cách ly trôi nhanh.
Mặc dù người thân của Nguyên tỏ ra lo lắng, với cô, việc được trở về đã là may mắn trong những ngày dịch bệnh bùng phát ở Mỹ với số ca nhiễm lên trên 122.000 và hơn 2.480 người thiệt mạng tính đến 9h ngày 29/3 (giờ VN).
Theo thượng tá Cấn Đình Trung, những người đang thực hiện cách ly tại Hòa Lạc chủ yếu trở về từ các quốc gia như Mỹ, Canada, Anh... Toàn bộ khu vực được bố trí đầy đủ tiện nghi, từ Internet đến các nhu yếu phẩm cần thiết.
"Tất cả đảm bảo để người dân trong khu cách ly có một cuộc sống bình thường và yên tâm", thượng tá Trung nói.
Thời gian tới, lực lượng bộ đội và y tế tại đây sẵn sàng tiếp nhận thêm khoảng 1.400 người nữa đến cách ly. Công việc của mọi người sẽ tất bật hơn, bận rộn hơn, những giấc ngủ không còn trọn vẹn nhưng ai nấy đều luôn trong tình trạng sẵn sàng.