Nghiên cứu mới đây được xuất bản trên tạp chí Jama Pediatrics chỉ ra việc dành quá nhiều thời gian nhìn vào màn hình có thể khiến trẻ em chậm phát triển, đồng thời khuyến cáo cha mẹ nên hạn chế thời gian cho con cái tiếp xúc với thiết bị điện tử, theo Guardian.
Các nhà nghiên cứu Canada từ Đại học Waterloo, Đại học Calgary và Viện nghiên cứu Bệnh viện Nhi đồng Alberta cho biết trẻ em hai tuổi dành nhiều thời gian nhìn vào màn hình có kết quả kiểm tra phát triển thấp hơn so với trẻ dành ít thời gian hơn với các thiết bị điện tử. Bài kiểm tra với trẻ ba tuổi cũng cho kết quả tương tự.
"Điểm mới của nghiên cứu này là chúng tôi đã khảo sát trẻ em ở độ tuổi rất nhỏ, từ 2 đến 5 tuổi, khi não bộ nói riêng và trẻ em nói chung thực sự phát triển rất nhanh. Chúng tôi đang nhận thấy những ảnh hưởng lâu dài này" đối với trẻ nhỏ, tiến sĩ Sheri Madigan, tác giả đầu tiên của nghiên cứu thuộc Đại học Calgary, nói với Guardian.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng các bậc cha mẹ nên thận trọng khi cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử. "Thời gian nhìn vào màn hình quá lâu có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển tối ưu của trẻ nhỏ. Các bác sĩ nhi khoa và chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên hướng dẫn những bậc cha mẹ về việc giới hạn thời gian thích hợp cho trẻ nhỏ nhìn vào màn hình và thảo luận thêm về hậu quả tiềm ẩn của vấn đề này", nghiên cứu viết.
Nghiên cứu khuyến cáo các bậc cha mẹ nên giới hạn thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử. Ảnh: Guardian. |
Các nhà khoa học khảo sát hơn 2.400 trẻ nhỏ ở độ tuổi từ 2 đến 5 và thu thập dữ liệu ít nhất một lần/trẻ. Khi trẻ em đạt đến độ tuổi hai, ba và năm tuổi, các bà mẹ được yêu cầu ghi lại thời gian con cái họ dành cho thiết bị điện tử, bao gồm nhìn vào màn hình TV, máy tính hay các thiết bị khác.
Cụ thể, kết quả cho thấy trung bình trẻ em dưới 2 tuổi dành khoảng 17 giờ/tuần cho màn hình điện tử, tăng lên khoảng 25 giờ/tuần lúc 3 tuổi và giảm xuống còn 11 giờ/tuần khi được 5 tuổi. Càng nhìn vào màn hình nhiều thì kết quả bài kiểm tra phát triển của trẻ càng thấp, nghiên cứu chỉ ra.
"Khi trẻ nhỏ nhìn vào màn hình, chúng có thể bỏ lỡ cơ hội thực hành và hoàn thiện các kỹ năng tương tác, giao tiếp cũng như vận động", các tác giả viết trong nghiên cứu.
Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh kết quả của nghiên cứu. Nhiều nhà khoa học cũng chỉ ra thiếu sót của quá trình khảo sát và "trên thực tế, mối liên hệ giữa sự phát triển của trẻ với thời gian nhìn vào màn hình không rõ ràng như với tác động của giấc ngủ ngon, được nghe đọc sách hay sự quan tâm của cha mẹ dành cho trẻ", theo bác sĩ Max Davie, thuộc Đại học Hoàng gia về Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em.
Tuy nhiên, ông Davie cũng khuyến cáo cha mẹ nên cân bằng thời gian trẻ em nhìn vào màn hình với các hoạt động khác. "Chúng tôi xin nhắc lại lời khuyên rằng các thành viên trong gia đình nên dành thời gian tưowng tác với nhau, và không nên để màn hình điện tử ảnh hưởng đến giấc ngủ, cũng như tương tác qua màn hình không thể thay thế cho tiếp xúc trực tiếp", bác sĩ Davie nói.