Trong báo cáo vừa được công bố, Việt Nam đạt 42,9 điểm trên thang điểm 100. Ba nước xếp cuối là Mozambique, Ai Cập và Pakistan, trong khi ba nước đứng đầu lần lượt là Anh, Thụy Điển và Canada.
Việt Nam đứng sau tất cả các nước cùng khu vực được khảo sát như Philippines (vị trí 16), Campuchia (23), Indonesia (32), Trung Quốc (36)...
Báo cáo mang tên Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse (tạm dịch: Ra khỏi vùng tối: Tìm hiểu về phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em) do Economist Intelligence Unite (EIU) thực hiện và được công bố hôm 16/1. EIU là hãng nghiên cứu thuộc Economist Group, công ty truyền thông sở hữu tạp chí The Economist.
Báo cáo được thực hiện tại 40 quốc gia, trong đó có Philippines, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Việt Nam, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...
40 nước trong nghiên cứu được xếp hạng theo thang điểm 100 và dựa trên 4 tiêu chí: môi trường mà việc xâm hại xảy ra cũng như được biết đến; mức độ bảo vệ mà khung pháp lý của một nước có để đối phó với vấn đề; cam kết và khả năng của chính phủ trong việc trang bị cho các thể chế, nhân sự chống lại nạn xâm hại; và sự tham gia của các ngành nghề, xã hội dân sự và truyền thông.
Một cuộc biểu tình chống xâm hại tình dục trẻ em ở Peru năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Việt Nam: Có luật lệ nhưng không có dữ liệu được thu thập
Điểm thành phần của Việt Nam về môi trường là 59, hành lang pháp lý là 56, cam kết và khả năng của chính phủ đạt 38 điểm trong khi sự tham gia của các ngành nghề, xã hội dân sự và truyền thông đạt 17 điểm.
Cụ thể hơn, EIU đánh giá Việt Nam 0 điểm ở các yếu tố như thu thập thông tin về nạn xâm hại trẻ em, không có cơ quan riêng để thi hành luật lệ về chống xâm hại, chương trình hỗ trợ dành cho đối tượng xâm hại, sự tham gia của giới truyền thông, nhân viên hỗ trợ...
"Việt Nam không có một hệ thống mạnh mẽ để thu thập thông tin trên diện rộng về xâm hại tình dục trẻ em. Các số liệu được công bố thường không ở dạng chi tiết", báo cáo của EIU viết.
Báo cáo cũng nhận xét những người làm trong lĩnh vực giáo dục, y tế và công tác xã hội không được huấn luyện hay hướng dẫn để ứng xử trước các trường hợp liên quan đến nạn nhân trẻ em của việc xâm hại tình dục hoặc bạo lực tình dục. Việt Nam cũng không có các dịch vụ giáo dục, tâm lý và trị liệu để ngăn ngừa những người tiềm ẩn nguy cơ xâm hại trẻ em tiến hành việc này hay tái phạm.
Các hiệp hội nghề nghiệp cũng bị chỉ trích đã không có các chỉ dẫn liên quan đến việc báo cáo các vụ xâm hại.
Dù vậy, EIU cũng ghi nhận việc Bộ luật Hình sự Việt Nam có các điều khoản quy định cụ thể tội xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em, việc chính phủ duy trì ghi chép số liệu các vụ xâm hại và có hướng dẫn việc xét xử các tội này.
Việt Nam cũng có kế hoạch hành động quốc gia và các cơ chế chống buôn người trong lĩnh vực du lịch.
Số điểm của Việt Nam trong tương quan với trung bình các nước với trung bình của các nước có thu nhập trung bình - thấp. Đồ họa: EIU. |
Xâm hại trở thành vấn đề "xuyên biên giới"
Báo cáo của EIU nói rằng vấn đề xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em xảy ra bất chấp sự thành công về kinh tế của một nước. Tuy nhiên, các nước giàu có nhiều nỗ lực hơn trong việc chống lại việc này: 10 nước đứng đầu trong bảng xếp hạng là 10 nước thuộc nhóm giàu nhất thế giới.
Trong số 40 nước được khảo sát, chỉ 25 nước có luật yêu cầu những người làm việc với trẻ em báo cáo lại các trường hợp trẻ bị xâm hại. Những luật lệ đó có thể giúp định hình thái độ và sự chấp nhận đối với hành vi bạo lực tình dục liên quan đến trẻ em.
Chỉ 19 quốc gia cấm các hành động tình dục trước mặt trẻ em, trong khi số nước cấm các hành vi sờ mó tình dục đối với trẻ em cao hơn một chút, 21 nước.
EIU lưu ý rằng trẻ em gái là nạn nhân chủ yếu, tuy nhiên sự xâm hại đối với trẻ em nam lại đang bị bỏ qua. Chỉ 5 trong số 40 quốc gia có dữ liệu liên quan đến việc trẻ em nam bị lạm dụng tình dục.
Không chỉ Việt Nam, vấn đề về thu thập thông tin trên diện rộng đối với các vụ xâm hại cũng là vấn đề ở nhiều quốc gia khác. Chỉ 20 trong số 40 quốc gia có thu thập thông tin trên phạm vi toàn quốc về nạn xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ 5 quốc gia có dữ liệu về các vụ xâm hại qua mạng.
Tương tự, các cơ chế để phòng ngừa những đối tượng có khả năng trở thành người xâm hại phạm tội cũng là vấn đề của hầu hết quốc gia. 36/40 nước không có các dịch vụ công cộng để hỗ trợ những đối tượng này và 26/40 nước không có các chương trình ngăn chặn người từng phạm tội tái phạm.
Một cô bé bị giữ lại khi cảnh sát Brazil truy quét nạn mại dâm trẻ em tại các thành phố lớn trước World Cup 2014. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh các định chế và bộ khung pháp lý, EIU nhận định các định kiến và thái độ của xã hội về tình dục, tính dục và giới cũng ảnh hưởng đến việc sự xâm hại xảy ra cũng như được ngăn ngừa.
EIU cũng cảnh báo về việc trẻ em bị xâm hại ở quy mô xuyên biên giới và tình trạng này đòi hỏi được tiếp cận ở góc độ rộng hơn là các khuôn khổ tư pháp trong nước.