Không có gì bí mật khi tiếng vang của Hội sách BookExpo Mỹ suốt nhiều năm trước đã phai nhạt. Các nhà bán sách và nhà xuất bản không còn tìm thấy giá trị gì nhiều ở sự kiện này. Khi BookExpo và BookCon “nghỉ hưu”, công ty mẹ Reed Exhibitions đã nói rõ rằng họ phải cắt lỗ khi tổ chức những sự kiện này.
Reed Exhibitions trước đó cũng đã ngừng tổ chức Hội sách quốc tế Tokyo và sau đó đóng cửa Hội sách Paris. Reed vẫn tiếp tục tổ chức Hội sách London - nhưng liệu sự kiện này có nên tiếp tục là hội nghị xuất bản sách chính cho thế giới nói tiếng Anh không?
Ngành xuất bản Mỹ có mong muốn nối lại đối thoại
Câu trả lời đơn giản là không. Mỹ là thị trường xuất bản tiếng Anh lớn nhất thế giới, nhưng lại là một trong số ít các quốc gia lớn không có hội nghị toàn ngành. Trong khi đó, các hội sách được tổ chức ở một số nơi khác lại thu hút được nhiều chức sắc và nhân vật nổi tiếng giúp tôn vinh văn học. Ví dụ như Hội chợ sách Frankfurt thường xuyên đón tiếp các thủ tướng, tổng thống và những người đoạt giải Nobel. Hay Hội sách Madrid có Nữ hoàng Tây Ban Nha là khách thường niên.
Ảnh minh họa: Nguồn: Publishers Weekly. |
Trước sự thiếu hụt sự kiện này, tạp chí Publishers Weekly cùng nhiều tổ chức khác đã cố gắng lấp đầy khoảng trống của BookExpo. Sau hai năm tổ chức trực tuyến, Triển lãm Sách Mỹ năm nay, diễn ra từ ngày 22-25 tháng 5, là một sự kiện kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp, đồng thời cũng đón được một số người nổi tiếng như Chuck D, Sarah Jessica Parker và Keegan-Michael Key.
Các hội đồng trong ngành xuất bản tiến hành xem xét các chủ đề như sự đa dạng và hòa nhập cũng như vai trò của các đại lý văn học, đồng thời các tác giả và biên tập viên thảo luận về các đầu sách hấp dẫn của mùa tới. Các sự kiện trực tiếp được tổ chức vào ngày 23 và 24 tháng 5 tại Trung tâm Kimmel của Đại học New York.
Tuy nhiên, ngành xuất bản Mỹ vẫn có mong muốn quay lại với nhau để thảo luận về các vấn đề trong ngành. Và trong năm qua, các sự kiện nhỏ lẻ tại Mỹ đã dần quay trở lại. Hàng nghìn người đang muốn kết nối, muốn mua và bán bản quyền, cũng như giới thiệu tác phẩm của họ với các nhà bán lẻ và giới truyền thông, đồng thời muốn trao đổi, thảo luận về các chủ đề và xu hướng xuất bản mới.
Các đơn vị cũng kỳ vọng vào các thương vụ sách quốc tế lớn, giống tại Hội chợ Sách Bắc Kinh, Hội chợ sách thiếu nhi Bologna, Hội chợ sách Frankfurt, Hội chợ sách quốc tế Guadalajara hay Hội chợ sách quốc tế Sharjah.
Hội sách Frankfurt luôn là một cái tên lớn khi diễn ra hàng năm. Ảnh: The Bookseller. |
Cần triển khai các sự kiện sách quốc tế lớn tại New York
Vậy lý do gì Hội sách New York lại không có tên trong danh sách danh giá trên?
New York không chỉ là quê hương của các nhà xuất bản tiếng Anh lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới, mà còn là một thị trường lớn thúc đẩy phần lớn hoạt động xuất bản thương mại. Các chuyên gia xuất bản, có thể là những người đại diện, tác giả, người bán sách hoặc nhà xuất bản, đều muốn có một dịp để đối thoại. Phạm vi những người ủng hộ ý tưởng này rất rộng.
David Unger, một nhà văn và cũng là giám đốc Chương trình Chứng chỉ Xuất bản tại Đại học Thành phố New York, cho biết “thật không may” là không có hội sách ở New York. “Cá nhân tôi nghĩ rằng nếu chi phí tổ chức ở mức thấp thì có thể tổ chức một sự kiện có sự góp mặt của các nhà xuất bản Mỹ và tập thể các nhà xuất bản quốc tế. Điều đó sẽ thu hút du khách quốc tế. Mặt khác, vì Mỹ là nhà xuất khẩu bản quyền lớn nhất thế giới, người Mỹ sẽ vẫn phải lên đường đến Frankfurt, Bologna, London và những nơi khác để bán bản quyền cho khách hàng của họ”.
Robert Morgan, nhà xuất bản BookLand Press ở Canada, từng là khách quen của BookExpo. Ông chia sẻ: “Tôi nhớ sự kiện đó rất nhiều. Thật lạ là khi nước Mỹ, thị trường sách lớn nhất thế giới, lại không có hội chợ sách. Tôi rất muốn sự kiện đó quay trở lại.”
Sherif Bakr, Giám đốc của Nhà xuất bản Al Arabi ở Cairo, có chung quan điểm: “Thật kỳ lạ khi quốc gia lớn nhất thế giới về xuất bản lại không có một hội chợ sách quốc tế đàng hoàng”.
Ricardo Costa, CEO Metabooks Brazil, suy đoán rằng thị trường Mỹ có thể quá biệt lập. Ông bày tỏ: “Thành thật mà nói, một vài tháng trước, tôi đã nghĩ, Tại sao không có hội chợ sách chuyên nghiệp ở Mỹ? Phải chăng họ cảm thấy không cần chia sẻ với ai? Hay họ quá tự cho mình là trung tâm? Hay họ tin rằng họ biết mọi thứ và không cần phát triển chuyên môn, kết nối và trao đổi kinh nghiệm?”
Christa Angelios, chuyên gia về bản quyền tại nhà xuất bản Penguin Random House, đã tham dự BookExpo vào năm 2018 và 2019 cho biết đây là một trong số ít lần, với tư cách là người làm công việc xuất bản cấp thấp, bà cảm thấy được kết nối với cộng đồng xuất bản rộng lớn hơn.
Bà cũng rất hoan nghênh ý tưởng về một hội chợ sách ở Mỹ. “Một trong những điều tuyệt vời nhất khi tổ chức hội chợ ở thành phố New York là mang lại cơ hội cho những người như chúng tôi, ở những nấc thang cuối cùng của thế giới xuất bản. Nếu chúng tôi không thể đi du lịch, chúng tôi có thể đưa thế giới đến với mình”, Christa bày tỏ.
Kumar Vikram, biên tập viên xuất bản của National Book Trust of India, đã tóm gọn lại: “Hơn bất kỳ ai khác, tôi tin rằng chính các nhà xuất bản, đại diện, tác giả và độc giả ở Mỹ là những người thua thiệt khi không có một hội sách nào để thể hiện sự đa dạng mà họ mang tới cho thế giới xuất bản”.