Rước sinh thực khí
Làng Đồng Kỵ phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là một làng trú phú, dân cư đông đúc, thời tiền chiến có vào khoảng hơn nghìn rưỡi người, và có đến năm trăm mẫu công điền.
Làng thờ hai vị Thành hoàng, một nam và một nữ, đều là những vị dâm thần. Hàng năm dân làng bắt đầu mở hội từ 30 tháng chạp cho tới 16 tháng giêng. Trong khi mở hội, có nhiều tục cổ và trò vui, nhưng ở đây chúng tôi chỉ nhắc tới tục cổ liên quan tới luyến ái tính là tục rước sinh thực khí. Kể ra tục này thật thô bỉ, nhưng vì là cổ tục truyền lại nên dân làng phải tuân theo, năm nào dân làng cố tình bỏ qua tục này, theo lời các cụ, trong làng sẽ xảy ra nhiều chuyện bất yên.
Cổ tục này cử hành ngày mồng 6 tháng giêng. Đám rước thần từ miếu về đình hay từ đình về miếu do một bộ lão có chức sắc dẫn đầu. Bô lão này hai tay cầm hai lễ vật là hai sinh thực khí bằng gỗ, một âm và một dương. Dẫn đầu đám rước, vừa đi cụ vừa hát, một câu hát thật ngộ nghĩnh và cũng rất nhiều ý nghĩ. Cụ hát rằng:
Cái sự làm sao, cái sự làm vầy,
Cái sự thế này, cái sự làm sao?
Vừa hát cụ vừa cử hành một điệu vũ, có thể gọi là điệu vũ âm dương, cái điệu vũ mà con người ta nam nữ vẫn hằng làm chung với nhau. Cụ lấy hai sinh thực khí lồng vào với nhau, cái dương xỏ vào cái âm. Cụ hát ba lần và điệu vũ cũng được cụ nhắc lại ba lần trong mỗi đám rước. Hai sinh thực khí âm dương này, khi rã đám được đem đốt.
Không phải riêng xã Đồng Kỵ có tục rước sinh thực khí, mà ta còn thấy tục này xuất hiện ở những xã khác, như ở các xã Khúc Lạc và Dị Nậu thuộc tỉnh Phú Thọ (Vĩnh Phú). Hai xã này cũng thờ dâm thần và hàng năm hai xã vào đám vào những ngày mồng 7 và 26 tháng giêng. Vào đám là có tế lễ và có cúng bái.
Lễ vật cúng thần ngoài trầu cau rượu thịt... còn có một món đồ lễ đặc biệt ngoài sức tưởng tượng của mọi người, món đồ lễ này gồm ba mươi sáu sinh thực khí, mười tám âm và mười tám dương tục gọi là những cái nõn nường hoặc đọc trại theo tiếng địa phương là những cái nọ nàng.
Ba mươi sáu cái nõn nường được đặt trên bàn thờ trong những buổi tế lễ. Tế lễ xong có đám rước thần đi quanh làng, trong đám rước này, ba mươi sáu cái nõn nường cũng được “rinh” đi do mười tám thanh niên và mười tám thanh nữ dậy thì, tuổi từ mười tám kén chọn trong những hàng trai gái xinh đẹp và đứng đắn, mỗi cô cậu mang một chiếc, nam mang dương, nữ mang âm. Vừa đi trong đám rước, các cô cậu vừa hát.
Các cậu trai hát:
Dịch dình dinh
Anh có cái yếm lưỡi cày
Anh chả cho mày thì để cho ai.
Các cô gái hát:
Dịch dình dinh
Em có cái vò rượu tăm
Em để anh uống, anh nằm với em!
Đám rước đi quanh làng rồi trở về đình. Ở đây dân làng tổ chức tranh giành những cái nõn nường. Những âm dương vật này được treo lên một cành tre, rồi vị cao niên nhất trong làng rung cho những cái nõn nường rơi xuống, để dân làng xô đẩy nhau cướp lấy.
Cướp được những của quý này là một sự may mắn, nhất là đối với những cặp vợ chồng mới cưới, vì là điềm sẽ có tin mừng. Ai cướp được chiếc âm sẽ sinh con gái, ai cướp được chiếc dương sẽ sinh con trai.
Cũng có khi những cái nõn nường không được treo lên cây mà chỉ tung lên từng cái một để mọi người cướp cho cuộc vui được kéo dài. […]
Cặp tượng trai gái đang giao hợp trên nắp Thạp đồng Đào Thịnh. Nguồn: kienthuc. |
Trai gái ôm nhau bắt chạch trong chum
Làng Văn Trưng, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (Vĩnh Phú), hàng năm mở hội vào ngày mồng sáu tháng giêng. Ngoài những buổi rước xách tế lễ, hội còn có mở nhiều thú vui rất hấp dẫn khiến dân quanh vùng nô nức kéo tới xem. Ca dao vùng Vĩnh Yên có câu:
Bỏ con bỏ cháu,
Chẳng ai bỏ mồng sáu chợ Dưng
Dưng là tên tục của xã Văn Trưng, và xã này có ngôi chợ họp một tháng sáu phiên vào ngày 1 và 6 và được gọi là chợ Dưng. Trong ngày hội, những trò chơi được tổ chức ngay trước đình làng bên cạnh chợ. Các trò vui chính là bơi thuyền, thi chạy, đốt pháo, nhưng đặc biệt nhất là cuộc thi Bắt chạch trong chum. […]
Trong cuộc thi bắt chạch trong chum, một con chạch được thả vào trong chiếc chum đựng đến hai phần ba nước. Trong ngày hội, trước cửa đình có bày một hàng chum ít nhất cũng năm cái, và mỗi chum đều đựng đến hai phần ba nước và thả vào một con chạch.
Cuộc thi có giải thưởng là khăn lụa hồng, trà tàu, trầu cau và có khi có tiền. Không phải ai muốn vào dự thi bắt chạch cũng được, tuy cuộc thi mở cho khắp cả mọi người. Muốn dự thi phải có hai người, một nam một nữ để cùng hỗ trợ nhau trong cuộc bắt chạch và trong lúc bắt chạch không phải chỉ có việc khoắng tay vào trong chum mà bắt chạch, đôi nam nữ này phải tuân theo lệ làng thực hiện đúng hèm của thần linh.
Đôi trai gái phải vừa ôm nhau vừa bắt chạch, gái tay phải ôm ngang lưng trai, còn tay trái khoắng vào trong chum nước; trai thì tay phải khoắng trong chum nước còn tay trái ôm qua người cô gái, đưa bàn tay nắm lấy nhũ hoa của cô gái. Người vừa ôm nhau [...] vừa bắt chạch cho đến khi bắt được con chạch thì thôi.
Số cặp nam nữ dự thi bắt chạch nhiều ít tùy theo số chum đặt trước cửa đình. Ban giám khảo gồm các bô lão và quan viên trong xã ngồi trên thềm đình để ngắm những cặp trai gái bắt chạch, và bắt bẻ họ nếu họ vì mải bắt con chạch bỏ lơi tay ôm nhau. […]
Tắt đèn
Làng La Khê Nam, tục gọi làng La, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, có tục tắt đèn. Thành hoàng làng này, lúc sinh thời làm nghề đạo chích, lại dâm bôn, chết nhằm giờ thiêng được dân làng thờ phụng.
Làng vào đám trong hai ngày mồng 6 và mồng 7 tháng giêng. Ngoài những cuộc tế lễ rước xách và các trò vui, làng có đám tế đêm vào ngày rã đám. Trước đám tế, dân làng rước vía thần vào lúc chạng vạng tối.
Đám rước được toàn thể dân làng tham dự, nam phụ lão ấu, con gái, bà già, còn son trẻ hay đã có chồng có vợ. Tham dự đám rước xong, cả làng kéo nhau vào đình để kết thúc hội làng bằng đám tế đêm. Tế đêm phải thắp đèn, mọi người chen chúc nhau xem tế dưới ánh đèn. Khi đám tế vừa dứt, tức thì bao nhiều đèn nến trong đình đều tắt hết!
Ông thần ăn trộm mà! Phải cần bóng tối ngài mới hành sự được! Nhưng trong lúc dân làng tắt đèn để nhắc lại nghề nghiệp lúc sinh thời của đức thượng đẳng, dân làng cũng nhân đó mà ăn trộm lẫn nhau! Họ muốn làm gì nhau thì làm! Đèn tắt chỉ trong khoảng 1 giờ. […]
Họ sờ chỗ này, họ sờ chỗ khác, và từ chỗ sờ soạng họ còn đi xa hơn nữa. Có tiếng cười rúc rích, có tiếng chí chóe ồn ào, lại có hơi thở mạnh. Dân làng cứ ăn trộm lẫn nhau như vậy cho đến lúc đèn lại được thắp sáng lên. […]
Theo lời truyền lại, năm nào làng La không thực hiện việc này trong xã sẽ sinh ra lắm điều ngang trái, người và vật chết, mùa màng thất thu, buôn bán thua lỗ... Người làng La cũng biết tục làng mình đối với đạo đức chẳng hay ho gì nên vẫn tìm cách giữ kín và nếu gặp ai hỏi thường nói dối tục đó không còn nữa!
Tục tắt đèn không phải riêng ở làng La, mà còn ở nhiều làng khác nữa.