Nhiều tiệm vàng biến thành hàng cầm đồ
Theo giải thích của một số chủ tiệm vàng, hướng chuyển đổi này nhằm có thêm doanh thu lại dễ "lách" khi quy định cấm mua bán vàng miếng có hiệu lực.
>> Lãng phí do độc quyền vàng miếng
>> Người dân khốn khổ vì vàng SJC méo
>> SJC mua lại vàng móp méo
Tiệm vàng kiêm dịch vụ cầm đồ xuất hiện ngày càng nhiều |
Sau khi nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Chính phủ có hiệu lực (10/7), thị trường vàng đã có những chuyển động để thích nghi với quy định mới.
Một trong những thay đổi đó là nhiều tiệm vàng đã biến thành tiệm cầm đồ. Theo giải thích của một số chủ tiệm vàng, hướng chuyển đổi này nhằm có thêm doanh thu vừa có thể dễ dàng lách khi quy định cấm mua bán vàng miếng có hiệu lực.
Phương cách cuối cùng
Chủ một tiệm vàng tại quận 8, TP.HCM nói chuyển hướng sang cầm đồ là phương cách cuối cùng nhằm cải thiện doanh thu vì ngành kinh doanh chính là vàng giờ không còn “ngon” như trước và cho biết: “Tôi thăm dò trong giới thì 50% các tiệm vàng trước đây đã kiêm luôn chức năng cầm đồ. Đó cũng là hướng kinh doanh mà tôi dự tính sẽ chuyển đổi nếu tình hình mua bán vàng tới đây khó khăn hơn”.
Trong khi đó, chủ một tiệm vàng tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình cho biết gần đây nguồn thu chính của tiệm cũng là từ cầm đồ chứ không còn là mua bán vàng như trước. Vàng SJC rất ế, lại vướng vụ lùm xùm vàng móp méo nên đã mất một bộ phận khách hàng đáng kể, nhất là khách hàng bình dân vì họ chuyển qua mua vàng nhẫn để sau này mua bán dễ dàng. “Trước đây tôi phải mang vàng miếng SJC loại một lượng đến đổi lấy vàng lẻ thì nay phải gom vàng lẻ đến SJC để bán lại dù chịu lỗ” - chủ tiệm này nói.
Cũng theo chủ tiệm vàng này, chưa hình dung tình hình tới đây sẽ như thế nào do tiệm vàng còn được mua bán vàng miếng thêm sáu tháng nữa, nhưng hướng là nếu mua bán vàng nữ trang mà ế quá thì “dẹp” luôn để chuyển sang cầm đồ. “Chưa biết trước được nhưng nếu kinh doanh tiệm vàng kiêm tiệm cầm đồ thì vẫn có thể lách mua bán vàng miếng với khách quen khi quy định cấm tiệm vàng mua bán vàng miếng có hiệu lực. Nếu bị “vịn” thì có thể lấy lý do là cầm đồ” - ông này nói. Chủ một tiệm vàng lớn tại quận 1 cho biết số vàng đang chưng trong tủ lên đến 300-400 lượng, số vốn này nếu quay sang cầm đồ thì thu lãi lớn vì lãi cầm đồ một ngày lên đến 3 “phân”, cao hơn rất nhiều so với tiền lãi mua bán vàng.
Phó tổng giám đốc một công ty đầu tư kinh doanh vàng tại quận 1 cho biết trước đây khi cơ quan quản lý chưa có chủ trương sẽ cấm tiệm vàng mua bán vàng miếng, một số tiệm vàng có làm dịch vụ cầm đồ nhưng thường không treo biển. “Bản chất cầm đồ tại tiệm vàng ban đầu là hợp tình hợp lý vì nhiều người thích cầm nữ trang vừa gọn, vừa có giá trị cao. Nhưng tới đây hình thức tiệm vàng kiêm tiệm cầm đồ sẽ khiến cơ quan chức năng khó lòng xác định đâu là vàng cầm, đâu là vàng kinh doanh. Do vậy có thể nói đây cũng là một hình thức lách quy định của Ngân hàng (NH) Nhà nước” - ông này nói.
Tạo “chân rết”
Tổng giám đốc một công ty vàng tại quận 1 cho biết hầu hết các tiệm vàng nhỏ lẻ hiện nay không thỏa điều kiện để được phép kinh doanh vàng miếng theo quy định tại nghị định 24: doanh nghiệp có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỉ đồng, có ít nhất hai năm kinh nghiệm kinh doanh vàng, nộp thuế 500 triệu đồng trở lên trong hai năm gần nhất và có mạng lưới chi nhánh bán hàng tại ít nhất ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Do vậy một số công ty vàng lớn được phép kinh doanh vàng miếng, NH đang mời chào các doanh nghiệp vàng cấp 1, cấp 2 thành các cơ sở đại lý ủy nhiệm dù hình thức này bị NH Nhà nước cấm.
Hình thức phổ biến là biến cửa hàng vàng nhỏ lẻ hiện nay thành các cửa hàng của một doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng. Bằng hình thức này, nhân viên tiệm vàng cũng mặc đồng phục của công ty, bán nữ trang của công ty, trong đó có quyền được bán vàng miếng và xuất hóa đơn của doanh nghiệp. Tuy nhiên thực chất là nội bộ khoán doanh thu rồi thu phí. Công ty được phép kinh doanh vàng miếng cũng không phải bỏ vốn đầu tư gì tại tiệm vàng mà lại được quảng bá hình ảnh.
Đây là hình thức để tạo “chân rết” kinh doanh. Theo vị tổng giám đốc này, tất cả tổ chức kinh doanh, bao gồm cả công ty vàng, NH, chủ yếu mua bán vàng thông qua các đại lý lớn, chiếm 70-80% tổng khối lượng kinh doanh. Sau khi mua “sỉ” từ các công ty vàng, các tiệm vàng lớn sẽ phân chia xuống các đại lý nhỏ hơn để bán lẻ đến người dân. “Đó là mối quan hệ chằng chịt từ 20 năm nay, như răng với môi” - ông này nói. Các công ty lớn, NH dù được phép kinh doanh vàng miếng nhưng không thể nào có kênh bán lẻ từng lượng vàng đến với người dân như hệ thống 10.000 tiệm vàng trên toàn quốc hiện nay.
Do vậy tới đây, dù gần như được “độc quyền” nhưng các công ty vàng rất lo vì “bị chặt hết tay chân”, mất kênh phân phối dẫn đến chuyện doanh nghiệp buộc phải nghĩ ra hình thức lách để có kênh phân phối. Như vậy, nếu NH Nhà nước không giám sát chặt thì dù có nghị định 24 nhưng cơ quan quản lý cấm cứ cấm, còn doanh nghiệp lách cứ lách, và thị trường vàng vẫn sẽ không khác gì hiện nay. Có khi còn sôi động hơn cả kinh doanh ngoại tệ tự do vì nhu cầu nắm giữ vàng của người dân rất lớn, nhất là vùng nông thôn nơi các doanh nghiệp và NH chưa có mạng lưới.
Chưa kể các tiệm vàng lẻ vẫn được phép kinh doanh nữ trang, do vậy họ cũng có thể lý luận lấy vàng miếng để làm nguyên liệu sản xuất nữ trang. Đó cũng là kẽ hở để tiệm vàng lách quy định. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp lớn, vốn 100 tỉ đồng, đóng thuế 500 triệu đồng một năm nhưng thiếu điều kiện phải có ba cửa hàng tại ba tỉnh thành khác nhau đang “chạy” để hội đủ điều kiện được phép kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên hình thức biến tướng này chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ.
Doanh nghiệp vàng chưa đăng ký kinh doanh lại Thông tư của NH Nhà nước quy định trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày thông tư có hiệu lực, các doanh nghiệp kinh doanh vàng được tiếp tục kinh doanh mua bán vàng miếng nhưng phải hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, dù đã là ngày thứ ba nghị định 24 có hiệu lực nhưng vẫn không có bất cứ một doanh nghiệp nào đến đăng ký lại. Lãnh đạo Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết chưa thấy doanh nghiệp đến đăng ký lại, số doanh nghiệp đăng ký mới về ngành nghề này cũng chưa tới 10 doanh nghiệp. “Nghị định đòi hỏi vốn điều lệ 100 tỉ đồng, hai năm liên tiếp đóng thuế 500 triệu đồng mới được kinh doanh vàng miếng thì thử hỏi những doanh nghiệp lớn cũng khó chứ đừng nói các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi làm sao đủ đáp ứng các điều kiện đó” - chủ một tiệm vàng nói. |
Theo Tuổi Trẻ