Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Nhiều tài xế ở Đà Nẵng phải bán ôtô để trả nợ

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều tài xế ở Đà Nẵng rơi vào cảnh thất nghiệp nên phải bán xe để trả nợ ngân hàng khi đến hạn.

Hai tuần qua, chính quyền Đà Nẵng đã nới lỏng giãn cách cho dịch vụ vận tải hành khách hoạt động trở lại. Chưa có khách du lịch nên nhiều tài xế taxi, xe công nghệ, vận tải hành khách vẫn thất nghiệp.

Theo tìm hiểu, nhiều phương tiện lâu ngày không sử dụng nên hư hỏng, cùng với việc sắp đến dịp đáo hạn ngân hàng nên nhiều người phải bán xe trả nợ.

"Xe để lâu ngày không chạy nên tôi phái chấp nhận lỗ, bán đi để trả nợ", anh Tài (28 tuổi), một chủ xe taxi công nghệ ở Đà Nẵng chia sẻ.

Tài xế thất nghiệp

Ba năm trước, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh Tài dư hơn 200 triệu đồng. Vốn làm nghề tài xế, anh này bàn với vợ vay thêm hơn 400 triệu đồng mua ôtô 4 chỗ để chạy taxi công nghệ.

Anh Tài kể thời gian đầu thu nhập được khoảng 18-20 triệu đồng. "Trừ chiết khấu, tiền lãi và một phần gốc ngân hàng, mỗi tháng tôi còn dư 5-7 triệu để chi tiêu", nam tài xế nói.

Từ giữa năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng nên chính quyền liên tục ban bố tình trạng giãn cách để phòng chống dịch. Hàng nghìn tài xế như anh Tài rơi vào cảnh thất nghiệp. "Từ đó đến nay, tôi chuyển sang làm nghề thợ đụng, ai thuê chi làm đó", anh Tài cho hay.

Van tai hanh khach o Da Nang dong bang anh 1

Hàng loạt taxi vẫn nằm ở bãi vì chưa có khách. Ảnh: Nguyên Vũ.

Cùng hoàn cảnh, anh Tuấn (ngụ quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho biết cách đây 2 năm, nghề tài xế taxi công nghệ có thu nhập khá nên nhiều người mua ôtô chạy Grab.

"Ai không đủ tiền thì vay ngân hàng để mua, có người vay tiền đến 80% giá trị xe. So với các nghề khác thì chạy taxi, Grab ở Đà Nẵng có thu nhập tương đối khá", anh Tuấn nói và cho hay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, anh chủ yếu ở nhà phụ vợ bán hàng ở chợ.

Nam thanh niên cho biết thêm 12 thành viên trong hội Grab của mình (lập nhóm để chia sẻ thông tin và hỗ trợ nhau khi cần) đều đang thất nghiệp.

Van tai hanh khach o Da Nang dong bang anh 2

Nhiều ôtô bị hư hỏng do lâu ngày không chạy. Ảnh: Nguyên Vũ.

"Chính quyền Đà Nẵng đã cho dịch vụ vận tải hành khách hoạt động nhưng chưa có khách du lịch nên xe vẫn đang đắp chiếu nằm chờ. Ôtô không chạy nên bị chuột cắn, hư hỏng. Mỗi tháng cũng mất vài triệu sửa chữa", anh Tuấn chia sẻ.

Bán xe để trả nợ

Anh Tuấn kể tiếp có đến 8 thành viên trong nhóm bạn đồng nghiệp của mình phải bán xe để trả nợ ngân hàng. "Hầu hết anh em phải vay 80% tiền vốn ngân hàng để mua xe. Từ khi dịch bệnh hoành hành đến nay, xe không chạy nên mọi người không thể trả lãi, đành bán xe đáo hạn ngân hàng", anh Tuấn cho hay.

Theo nam tài xế này, tình trạng bán tháo xe để trả nợ ngân hàng đang diễn ra khá phổ biến trong giới vận tải hành khách. Bởi những năm trước, ngành chạy xe hợp đồng du lịch, taxi, xe công nghệ thịnh hành và có thu nhập nên được nhiều người lựa chọn.

Van tai hanh khach o Da Nang dong bang anh 3

Hàng loạt xe khách nằm đậu ở bãi vì không có khách. Ảnh: Nguyên Vũ.

"Người ít tiền thì mua xe chạy Grab, còn trường hợp có tài chính khá hơn thì mua cả chục ôtô, góp cổ phần với các hãng taxi để kinh doanh. Không có khách du lịch, hãng taxi tạm ngưng hoạt động nên mọi người đều rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần", ông Thắng (ngụ Đà Nẵng) nói thêm.

Không riêng taxi, Grab, nhiều chủ kinh doanh xe khách đường dài cũng đang lâm cảnh khó khăn khi không có khách. Ông Phạm Thế Dũng, chủ nhà xe khách chạy Đà Nẵng - Hà Nội cũng rao bán 2 ôtô loại 45 chỗ 2 tuần nay nhưng chưa ai mua.

Ông kể 2 năm qua hầu như xe khách ế ẩm do ảnh hưởng của dịch. "Tôi sai lầm khi vay cả tỷ đồng mua xe góp cổ phần để kinh doanh vận tải hành khách. Dịch bệnh chưa biết khi nào hết nên tôi rút cổ phần, bán xe trả nợ cho khỏi đau đầu", ông Dũng nói.

Hàng nghìn xe khách ở Đà Nẵng vẫn phủ bạt nằm chờ

Chủ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho hay chưa cho xe lăn bánh vì khách hàng chính là người lao động, sinh viên chưa có nhu cầu đi lại trong giai đoạn này.

Dịch Covid-19

Nguyên Vũ

Bạn có thể quan tâm