Ngày 26/5, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai - Nguyễn Phú Cường làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành Đồng Nai bàn phương án chống ngập trong mùa mưa cho TP Biên Hòa của tỉnh này.
Một người dắt xe máy vượt qua điểm ngập trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP Biên Hòa) vào ngày 16/5. Ảnh: Ngọc An. |
Theo đại diện Sở Xây dựng Đồng Nai, Biên Hòa hiện có khoảng 25 điểm ngập mỗi khi mưa to. Trong đó, điển hình ở các tuyến phố Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi, quốc lộ 1, quốc lộ 51...
Những năm gần đây, mưa lớn trong thời gian 20 phút có thể khiến nhiều điểm của thành phố bị ngập sâu từ 0,5 - 1 m. Tình trạng này khiến giao thông tê liệt, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Ông Tạ Huy Hoàng - Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho rằng, hệ thống thoát nước cũ kĩ, chắp vá là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập. Ông này đề xuất phương án khơi thông dòng chảy, cải tạo các tuyến thoát nước của thành phố. Đồng thời mở rộng miệng cống để có thể thoát nước nhanh, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm suối và cấm xả rác bừa bãi.
Tuyến đường Đồng Khởi ách tắc nghiêm trọng do mưa ngập vào chiều 16/5. Ảnh: Ngọc An. |
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho rằng xảy ra ngập lụt do thiếu mương thoát nước ra các suối chính. Vì vậy, tỉnh này cần ưu tiên vốn, triển khai nhanh các dự án đấu nối dạng này.
“Đô thị hóa nhanh khiến tình trạng ngập càng nghiêm trọng. Ý thức của người dân chưa tốt, thường xuyên vứt rác xuống hệ thống thoát nước tắc ghẽn dòng chảy”, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải nói.
Các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã xác định phương án thực hiện nhanh các công trình thoát nước. “Cần thì vay tiền để triển khai. Chúng ta không đợi đến năm 2018 để lấy vốn ODA trong khi người dân đang bị ngập nước hàng ngày”, Phó chủ tịch UBND Đồng Nai Trần Văn Vĩnh nói.
Tại cuộc họp, Bí thư Nguyễn Phú Cường đề nghị Sở Xây dựng và UBND TP Biên Hòa xử lý nhanh các điểm ngập trên địa bàn thành phố, giảm ngập trong mùa mưa năm nay. Đồng thời, đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức nạo vét cống rãnh, khơi thông dòng chảy để đảm bảo năng lực thoát ngập. Các phường, xã phải thu gom 100% rác thải của người dân để không xảy ra tình trạng xả thải bừa bãi.