Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội quy hoạch bất cập, ngập lụt còn tái diễn

"Càng chống càng ngập" là câu nói của nhiều chuyên gia về hiện trạng hệ thống thoát nước ở Hà Nội. Nguyên nhân chủ yếu được cho là năng lực quản lý và công tác quy hoạch.

Cơn mưa lớn kéo dài suốt đêm 24 tới sáng 25/5, khiến nhiều nơi ở Hà Nội ngập sâu. Giao thông rối loạn, nhiều phương tiện chết máy giữa đường, người dân khốn đốn vì lịch sinh hoạt, làm việc bị đảo lộn. 

Vượt quá năng lực của hệ thống thoát nước Hà Nội

Sau trận mưa, ông Võ Nguyên Phong - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận lượng mưa vượt quá năng lực thoát nước Hà Nội. "Kể cả dự án thoát nước giai đoạn 2 hoàn thành, cũng chỉ thoát được 310 mm trong vòng 2 ngày ở lưu vực sông Tô Lịch", ông Phong phân tích.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trận mưa khiến toàn thành phố xuất hiện 35 điểm úng ngập. “Điểm cao nhất lên đến 280 mm (trong 5 giờ). Trận mưa này chỉ kém cơn mưa năm 2008 và còn cao hơn trận mưa lớn vào tháng 9 năm ngoái”, ông Phong chia sẻ.

Mua lon o Ha Noi anh 1
Trận mưa đêm 24 rạng sáng 25/5 được coi là kỷ lục tại Hà Nội vài năm trở lại đây. Ảnh: Hoàng Hà.

Nói về nguyên nhân và giải pháp trước tình trạng ngập nặng lần này, ông Lê Vũ Quảng Sương - Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội  thừa nhận: "Trận mưa đêm 24 và rạng sáng 25/5 quá lớn và bất thường, vượt quá năng lực của hệ thống thoát nước Hà Nội".

Theo ông Sương, hệ thống thoát nước Hà Nội hiện chia làm 2 lưu vực lớn. Một là lưu vực sông Tô Lịch (77,5 km2), đang được cải tạo theo dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I + giai đoạn II với năng lực tính toán là 310 mm/2 ngày.

Trong khi đó, lưu vực sông Tả Nhuệ hiện mới chỉ có quy hoạch chung và đang triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết. “Trận mưa lớn bất thường hôm qua đã vượt quá năng lực thoát nước. Cùng với một số nguyên nhân khác như các dự án đang được thi công trên hệ thống, hay một số khu vực bị lấn chiếm, xâm hại đến hệ thống thoát nước, gây ra tình trạng úng ngập”, ông Sương nói.

Về việc các tuyến phố cũ hệ thống thoát nước có thể khó đáp ứng thoát nước khi có trận mưa lớn, nhưng ở các khu đô thị mới lẽ ra phải có hệ thống hiện đại hơn thì lại bị ngập nặng hơn, ông Lê Quảng Sương cho biết thủ đô đang phát triển mạnh tại khu vực Tả Nhuệ (Mỹ Đình, Mễ Trì). Tuy nhiên, quy hoạch thoát nước tổng thể mới được Thủ tướng phê duyệt và đang triển khai các quy hoạch chi tiết chứ chưa có quy hoạch đồng bộ, bài bản.

Các khu đô thị hay một số tuyến đường như vành đai 3, mặc dù cũng được đầu tư theo quy hoạch nhưng tổng thể quy hoạch chưa được kết nối với nhau, do vậy vẫn xảy ra hiện tượng bị ngập cục bộ.

Chèo thuyền trên phố sau trận mưa kỷ lục ở Hà Nội

Sau trận mưa lớn đột biến, nhiều hình ảnh khó tin xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội.

Mua lon o Ha Noi anh 2

Sau khi mưa ngập nhiều tuyến đường, một số người dân đã làm dịch vụ kéo xe với giá 100.000 đồng/lượt. Anh Thượng (40 tuổi, quê Bắc Ninh) bị chuột rút giữa dòng nước khi đang kéo xe cho khách và phải nhờ sự trợ giúp của người thân. Ảnh: Hoàn Nguyễn

Hà Nội đứng trước nhiều thách thức mới

Trong khi đó, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) khẳng định, những hỗn loạn về giao thông sau trận lụt rạng sáng 25/5 chỉ ra rằng quy hoạch (QH) và triển khai quy hoạch tại Hà Nội là yếu kém.

Theo ông Ánh, QH ở đây được hiểu là gộp QH thoát nước và quy hoạch đô thị. Nếu xét về hiệu quả thoát nước, cứ mưa là ngập thì QH thoát nước có vấn đề. Hà Nội đã nhận ra từ trận ngập 2008.

Sau 8 năm tình trạng không được cải thiện nhiều thì QH đô thị và thực hiện QH đô thị không đồng bộ. Vị kiến trúc sư nói, nếu theo dõi QH thoát nước Hà Nội sẽ thấy bản QH này do JICA lập, nguyên lý tự chảy từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Giai đoạn đầu chỉ tính thoát nước từ 4 quận nội thành đến sông Tô Lịch. Sau này nội thành mở sang bên kia sông Tô thì vùng trũng thoát nước lấp hết …Thế là trận mưa to 2008 ngập nặng vùng trũng phía Tây và phía Nam Hà Nội.

Giai đoạn sau Hà Nội đưa thêm sông Nhuệ vào nhưng những vùng trũng cứ lấp dần làm đường, xây nhà. Lần san lấp sau cao hơn lần trước nên nước đổ vào 2 sông chậm hơn và ngập nặng những nơi lấp trước. Từ đó đến nay Hà Nội vẫn chỉ có một QH thoát nước nhưng mật độ xây dựng và tầng cao tăng nhiều, những công trình thoát nước không có gì đột phá. Nạn trũng ngập cũ chưa giải quyết xong thì lại nảy sinh nhiều nguy cơ mới.

"Đấy là kết quả của những người phụ trách QH Hà Nội giai đoạn 2000-2005, họ đã chia lô cấp dự án tràn lan vào vùng trũng ngập, lấp ruộng, lấp kênh mương, lấp không gian bán ngập. Bây giờ các vị ấy về hưu rồi, những người đi sau gánh chịu. Nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn, tốn kém hơn", kiến trúc sư Huy Ánh khẳng định.

Ông Ánh khẳng định, Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức mới: không chỉ mưa ngập mà đi cùng với nó sẽ là khô hạn, thiếu đường xá, cây xanh, không gian mặt nước … thiếu những yếu tố cơ bản để cân bằng sinh thái, ứng phó với phát triển trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu khắc nghiệt xuất hiện sớm hơn dự báo. Như vậy có nghĩa Hà Nội cần một tầm nhìn mới chính xác hơn, thực tế hơn trước những thách thức mới chứ không thể chắp vá, dựa vào bản QH tổng thể cũ.

Mua lon o Ha Noi anh 3
Dịch vụ dắt xe qua chỗ ngập tại Hà Nội sáng 25/5. Ảnh: Việt Hùng.

Làm theo kiểu "rách đâu vá đấy"

Trao đổi với Zing.vn , PGS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng Hà Nội cứ mưa lớn là ngập. Ông nói, một phần do quy hoạch hệ thống thoát nước bị chậm lại so với đô thị hóa, mặt khác, vỉa hè, lòng đường đều bị bêtông hóa, các hồ điều hòa bị thu hẹp cũng là nguyên nhân gây ngập lụt.

Ông Hùng phân tích, quy hoạch tổng thể Hà Nội chưa tốt, đang thiếu tầm nhìn, làm theo kiểu "rách đâu vá đấy". Ngày trước, Hà Nội có nhiều hồ điều hòa và diện tích đất tự ngấm. Bây giờ, lòng đường, vỉa hè bị bê tông hóa, diện tích đất ao hồ bị thu hẹp dẫn tới Hà Nội cứ mưa lớn là ngập.

Quá trình đô thị hóa đã tạo ra bề mặt không thấm nước như mái nhà, bêtông, đường nhựa… làm tăng lưu lượng nước đổ vào ống thoát nước, kênh mương. Do đó, muốn thoát được nước phải có độ chênh mặt nước để có thể chuyển từ nơi này sang nơi khác theo nguyên tắc bình thông nhau.

“Hà Nội không tạo được độ chênh giữa mặt nước đường phố và mặt nước các sông thì nước thoát đi đâu? Hà Nội sẽ trở thành "Hà Lội" - chỉ có thể ngập thôi", ông Hùng nhấn mạnh.

PGS Hùng cho rằng, có lẽ đây là hệ quả của cả một quá trình mà quy hoạch tổng thể Hà Nội không được quán xuyến qua nhiều đời lãnh đạo.

"Trận lụt này chưa ghi nhận thiệt hại về người, nhưng làm người dân gợi nhớ tới trận lụt lịch sử năm 2008. Họ sẽ thấy cuộc sống không an toàn. Những thiệt hại về việc phải nghỉ việc, đi muộn, hỏng xe máy, ôtô cũng chưa được tính toán thấu đáo", PGS Hùng nói. 

Dự án thoát nước giai đoạn II của Hà Nội là dự án trọng điểm, sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, được khởi động từ năm 2006 và dự kiến hoàn thành năm 2014.

Sau đó, dự án lùi sang năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Mới đây nhất, UBND Hà Nội có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng báo cáo nguyên nhân vì sao dự án ngốn hàng nghìn tỷ đồng, được nhiều ưu đãi về cơ chế mà vẫn chậm tiến độ.

Đặc biệt, theo dự toán ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị của dự án lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.


Công Khanh

Bạn có thể quan tâm