Hơn 10h sáng 11/7, các kệ hàng tại cửa hàng thực phẩm Satrafood trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1) không còn chút rau củ, thịt, cá nào. Các loại thực phẩm đông lạnh cũng sắp hết. Nhiều khách hàng vào mua đều thất vọng ra về.
"Hàng hóa 1, 2 tiếng nữa mới về, anh chị cố gắng chờ thêm", một nhân viên của cửa hàng liên tục trả lời khách. Bảo vệ tại đây cũng cho biết hàng được nhập về với tần suất 3 lần/ngày nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.
Chiều qua và sáng nay đến đây đều phải đi về vì không còn gì để mua, chị Hoa (quận 1) chia sẻ: “Gần nhà không có siêu thị lớn nào nên tôi phải ra các siêu thị nhỏ để mua đồ. Tuy nhiên, các cửa hàng nhỏ sức chứa ít, về một lúc rau, thịt, cá lại hết sạch”.
Thực tế, hiện nay nhu cầu mua sắm hàng thực phẩm, rau củ quả tươi của người dân quá lớn. Một số siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm đã hoạt động hết công suất, liên tục đưa hàng lên kệ nhưng vẫn không đủ bán.
Mặt khác, việc 3 chợ đầu mối và 148 chợ truyền thống phải tạm đóng cửa đã gây áp lực đáng kể cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm vốn chỉ đáp ứng 30% lượng hàng nhu cầu người dân TP.HCM.
Kệ thực phẩm tại cửa hàng Satrafoods quận 1 sáng 11/7. Ảnh: Quỳnh T. |
Siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm quá tải
Khảo sát sáng 11/7, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm đều hạn chế người vào. Siêu thị Bách Hoá Xanh cùng lúc chỉ phục vụ 5 người, Co.op Food, Vinmart+, Satrafoods mỗi đợt chỉ phục vụ 3 - 5 người vào mua sắm.
Tại cửa hàng Co.op Food trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh) trong sáng nay cũng chỉ còn một ít loại rau thơm và thịt. Nhiều người đặt giao hàng online cũng phải hủy đơn vì cửa hàng hết thực phẩm yêu cầu.
"Rau, thịt ở chợ đều có giá trên trời nên tôi vào siêu thị gần nhà mua, nhưng hàng hóa ở đây cũng không có nhiều, trứng thì hết sạch, gà cũng chỉ còn 2 khay nhỏ", một khách mua hàng cho hay.
Hơn 11h trưa, trước cửa siêu thị Vinmart + trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) là 20 người đang xếp hàng dài. Một số khách hàng chờ quá lâu nên ra về, số khác ngại xếp hàng nên cũng từ bỏ vào mua sắm.
Tại các siêu thị, người dân xếp hàng tràn ra đường đợi vì số lượng người trong cửa hàng bị giới hạn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chị Hà Thư (quận 1) cho biết xếp hàng gần 1 tiếng mới tới lượt vào mua. “Cửa hàng quy định chỉ 3 người được vào 1 lần. Tuy nhiên, quầy rau, củ, thịt tươi cũng chỉ còn ít loại vì người vào mua liên tục”, chị nói.
Không chỉ vậy, ghi nhận kênh mua sắm online của các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, đa số không đủ số món đã đặt vì hết hàng, số khác phải hủy đơn.
Trong khi đó, tại một số siêu thị lớn ghi nhận lượng hàng hóa dồi dào. Cụ thể, tại Co.op mart Văn Thánh, khách hàng ngồi chờ đông nhưng rau xanh, thịt cá đều đầy ắp trên các quầy kệ.
Một số cho biết cửa hàng đang chạy hết công suất để bổ sung hàng hóa, tuy nhiên sức mua cả trực tiếp lẫn online đều tăng cao khiến thực phẩm tươi thiếu hụt cục bộ ở một số thời điểm.
"Hiện chúng tôi gấp rút bổ sung hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân", đại diện cửa hàng Satrafoods nói.
Cần có thêm nhiều điểm bán lưu động
Trước đó, báo cáo nhanh của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy tại nhiều hệ thống siêu thị như: Bách Hóa Xanh, Co.op Food, Lotte, MM Mega Market... hàng thực phẩm tươi sống cung ứng còn hạn chế, mặt hàng rau, củ, quả, trứng, thịt, cá nhiều lúc bị “đứt” hàng.
Tại siêu thị Bách Hóa Xanh, mỗi ngày có nhiều đợt hàng thực phẩm như rau, củ, quả, trứng được bổ sung nhưng theo ghi nhận của lực lượng Quản lý thị trường, chỉ sau chưa đầy 1 giờ, các loại hàng này đã hết.
Hiện nay, đã có khoảng 2/3 số chợ truyền thống, bao gồm 3 chợ đầu mối của TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động, trong đó nhiều quận có số lượng chợ truyền thống đóng cửa chiếm lượng lớn, thậm chí tuyệt đối.
Hàng hóa được cập nhật về các siêu thị, cửa hàng thực phẩm liên tục. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Do đó, người dân buộc phải lựa chọn đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mua sắm. Tuy nhiên, sức mua lớn, kênh bán lẻ qua siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện có tăng lượng lớn hàng hóa tối đa vẫn chưa thể đáp ứng đủ cho thị trường.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp trước đó cũng đánh giá, tại TP.HCM, chợ đầu mối và các chợ truyền thống vẫn đang giữ vai trò chủ đạo, với 70% lượng hàng hóa cung ứng cho toàn thành phố.
"Khi các chợ này đóng cửa sẽ gây áp lực đáng kể cho các trung tâm thương mại, siêu thị vốn chỉ đáp ứng được 30% lượng cung ứng hàng hóa", ông nói.
Do vậy, ông cho rằng TP.HCM cũng như các tỉnh có dịch tại khu vực phía nam cần phải chủ động và tăng cường các điểm bán hàng lưu động cũng như phát huy hiệu quả từ kênh mua bán hàng trực tuyến.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, tại các quận, huyện, nhiều điểm bán lưu động lương thực, thực phẩm thiết yếu đã được triển khai như: Huyện Hóc Môn, Satra tổ chức 3 điểm bán lưu động, tại quận Bình Tân, Bách Hóa Xanh có 2 điểm bán lưu động...