Tháng 9/2021, Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Trung Quốc thông báo đình chỉ sản xuất vô thời hạn các show tuyển chọn thần tượng như Produce 101, Thanh xuân có bạn, Sáng tạo doanh. Lệnh cấm này chính thức khép lại cánh cửa gia nhập ngành giải trí của hàng nghìn thực tập sinh ở Trung Quốc.
Hàng nghìn thực tập sinh Trung Quốc phải sớm từ bỏ giấc mơ thành sao. Ảnh: Sina. |
"Ở kỷ nguyên thần tượng, có hàng trăm, hàng nghìn thực tập sinh tham gia show sống còn để hiện thực hóa giấc mơ trở thành người nổi tiếng. Nhưng thời cuộc thay đổi khiến họ đối mặt với hiện thực tàn khốc phải buông bỏ giấc mơ nghệ thuật, hoang mang về tương lai", QQ bình luận.
Đây được xem là kết cục buồn cho khao khát thành sao của nhiều thanh niên ở Trung Quốc. Theo Thời báo Hoàn Cầu, họ hiện bị xem là lớp nghệ sĩ "vỡ mộng" của ngành giải trí Hoa ngữ.
Bị đào thải khỏi ngành một cách "bất đắc dĩ"
Trần Phong, 19 tuổi, là một trong những thực tập sinh được kỳ vọng trở thành thần tượng mới ở showbiz Trung Quốc. Anh được đào tạo theo chuẩn thần tượng Kpop để tham gia các chương trình giải trí được ví như "cỗ máy" tạo sao tại xứ tỷ dân.
Tuy nhiên, ước mơ đứng trên sân khấu của Trần Phong bị dập tắt khi anh được thông báo không cần đến buổi ghi hình show Thanh xuân có bạn từ CEO Cung Vũ của mạng video iQiYi.
"Tôi và 4 đồng đội bắt đầu lo lắng khi vụ việc đổ sữa xuống cống của Thanh xuân có bạn 3 leo thang theo chiều hướng mất kiểm soát. Chúng tôi hỏi nhau rằng liệu mình có còn cơ hội xuất hiện trong các show tuyển chọn thần tượng? Và ác mộng đã thực sự xảy ra khi giới quản lý tuýt còi", Trần Phong nói.
Trần Phong và nhiều nghệ sĩ trẻ Trung Quốc bị công ty quản lý cắt hợp đồng sau khi show thần tượng ngừng sản xuất. Ảnh: Sohu. |
Sau lệnh cấm của giới chức, anh vẫn tiếp tục được mài giũa những kỹ năng ca hát, trình diễn. Nhưng theo cảm nhận của Trần Phong, mọi thứ đã thay đổi. Các thực tập sinh như anh bị công ty quản lý "thả trôi". Họ không còn chịu sự quản thúc hay được yêu cầu tham gia bất kỳ buổi kiểm tra trình độ nào.
"Các giáo viên vẫn ở đó, nhưng thay vì giám sát và yêu cầu chúng tôi trau dồi thêm thể hình, khả năng ca hát hay vũ đạo, họ cắm mặt vào điện thoại, chẳng đoái hoài đến thực tập sinh. Khoảng thời gian đó, chúng tôi biết mình bị bỏ rơi", Trần Phong nói.
Tháng 9/2021, Trần Phong và hàng chục thực tập sinh khác nhận thông báo sa thải từ công ty quản lý với lý do không đủ kinh phí để "nuôi" nghệ sĩ. Sau khi bị cắt hợp đồng đào tạo, nam nghệ sĩ trẻ rơi vào cảnh bế tắc: tương lai dang dở, thất nghiệp và nghèo túng.
Do không tìm được bến đỗ mới và mất đi lượng fan nhanh chóng, Trần Phong quyết định từ bỏ giấc mộng người nổi tiếng. Anh nhận lời biểu diễn ở các hoạt động bình dân, trở thành giáo viên dạy nhảy với thu nhập chỉ hơn 230 USD/tháng. Theo Trần Phong, hiện tại, anh chỉ còn vỏn vẹn 3 người hâm mộ trên mạng xã hội.
"Đối với nhiều người trẻ Trung Quốc, 'thần tượng' từng là một lựa chọn nghề nghiệp đáng mơ ước và có rất nhiều học viện hay công ty giải trí để họ nhắm đến. Tuy nhiên, showbiz hiện tại là vùng đất vô vọng với thực tập sinh. Chúng tôi bị vứt bỏ vì không có danh tiếng", Trần Phong chua chát nói.
Vật lộn với cuộc sống
Theo Thời báo Hoàn Cầu, 2018 là giai đoạn nở rộ của "kỷ nguyên thần tượng" tại Trung Quốc. Sau 3 năm phát triển, giới trẻ xem đây là cơ hội đổi đời. Thống kê từ nền tảng iQiyi cho thấy có 1.900 thực tập sinh từng tranh tài trên Idol Producer, chương trình Sáng tạo doanh hay Thanh xuân có bạn thu hút hơn 100 thực tập sinh cạnh tranh mỗi mùa.
Tuy nhiên, nền "kinh tế thần tượng" ở Trung Quốc đang bước vào giai đoạn suy thoái nghiêm trọng sau khi mọi chương trình tuyển chọn tài năng bị hủy bỏ. Chưa đầy 6 tháng, hàng chục lò đào tạo nghệ sĩ tại xứ tỷ dân đã đóng cửa và sa thải danh sách dài những thần tượng trẻ.
Nhiều thực tập sinh Trung Quốc rời ngành giải trí trong tình trạng không được "nhớ mặt, gọi tên". Ảnh: QQ. |
Theo Thời báo Hoàn Cầu, hiện có hàng nghìn thực tập sinh rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất" khi giấc mộng thành sao phút chốc tan vỡ. Những cái tên bị loại không chỉ mất đi cơ hội ra mắt, tương lai bản thân cũng khó đảm bảo. Họ đối diện với nợ nần và nỗi lo việc làm sau khi rời giới giải trí.
"Có người đi phát tờ rơi, làm người mẫu xe hơi, phục vụ nhà hàng, quán bar. Có người cầm micro hát rong trên phố, nhận lời mời biểu diễn đám cưới, hội chợ. Từ thân phận thực tập sinh, nhiều nghệ sĩ trẻ đang chịu áp lực tự đứng trên đôi chân của mình để kiếm sống và bắt đầu lại cuộc đời", QQ cho biết.
Số khác lại gặp vấn đề tâm lý, rơi vào trạng thái bất ổn vì đánh mất thanh xuân, tiền bạc và chịu gánh nặng tìm kiếm một công việc phù hợp khi bản thân không có học vấn, chuyên môn gì khác ngoài hát hò và nhảy múa.
Trên QQ, Diệp Tuệ Chi cho biết cô bị trầm cảm, mất phương hướng trong cuộc sống khi đột ngột bị "ép" rời ngành công nghiệp thần tượng. Nữ nghệ sĩ trẻ cho biết đã chi hàng triệu USD để hiện thực hóa giấc mộng làm người nổi tiếng, nhưng cuối cùng không thu hoạch được gì, kể cả một lần đứng trên sân khấu.
Theo Diệp Tuệ Chi, cô lặn lội từ quê đến Bắc Kinh, đăng ký vào khóa huấn luyện idol từ năm 15 tuổi. Để theo đuổi con đường làm thực tập sinh, Tuệ Chi từ bỏ thi đại học. Thế nhưng, kế hoạch cuộc đời cô bị lệch khỏi quỹ đạo, phải "nghỉ hưu sớm" vì đầu ra không còn.
"Cuộc đời của tôi bị trật bánh. Thật khó để chấp nhận lựa chọn của tôi là sai lầm. Quãng thời gian tàn nhẫn này có thể kéo dài nhiều năm. Ở tuổi 18, bạn có 50% cơ hội ra mắt và nổi tiếng. Vài năm nữa, cơ hội của tôi lại càng mong manh", Diệp Tuệ Chi nói.
Sau khi rời công ty quản lý, Diệp Tuệ Chi bỏ phố về quê, chuẩn bị ôn thi đại học. "Trở về quê nhà là lựa chọn cuối cùng. Ước mơ của tôi đã dừng lại, và tôi chỉ có thể cầu cứu bố mẹ. Tôi đã cãi lời họ, giờ tôi phải sống trong cảm giác tự trách và ăn bám gia đình", nữ thực tập sinh cho biết.
Trong khi đó Lâm Địch chia sẻ cô bước ra ngoài cuộc sống với tâm trạng chênh vênh, sợ hãi. Lâm Địch không hề có kinh nghiệm làm bất cứ việc gì. Nữ nghệ sĩ trẻ cho biết chật vật mưu sinh sau khi bị đuổi khỏi ngành giải trí. Theo Lâm Địch, làm 4 công việc cùng lúc nhưng mức lương hiện tại của cô chỉ đủ trả tiền phòng 150 USD/tháng ở Bắc Kinh.
"Không biết bao nhiêu lần, đầu gối tôi rướm máu trên sàn tập. Tôi tham gia vô số buổi thử giọng, không thu nhập. Tôi chờ đợi suốt 3 năm, nhưng cơ hội đã biến mất vào năm ngoái. Áp lực trang trải cuộc sống đột nhiên ập đến sớm hơn. Tôi giờ như kẻ thất bại", Lâm Địch ngậm ngùi.