Làm báo - Mực mài nước mắt
Sách Làm báo mực mài nước mắt. |
Là một nhà báo kỳ cựu, Lê Khắc Hoan đưa những kiến thức, quan sát, kinh nghiệm của mình vào cuốn Làm báo – Mực mài nước mắt.
Trong sách, tác giả kể nhiều chi tiết thú vị về công việc của nhà báo liên quan đến bạn đọc, những khó khăn, gian khổ lẫn vinh quang của nghề được tái hiện sống động. Tác phẩm có tầm nhìn khái quát khi kể về sự hình thành, phát triển của một tờ báo trong cơ chế thị trường mới mẻ, những cuộc đấu tranh quyết liệt để tồn tại, rồi lên tới đỉnh cao phát triển và bất ngờ diệt vong. Sách được nhà văn, nhà báo Nguyễn Vũ Tiềm đánh giá là một tác phẩm “Ẩn hiện trong đó những suy ngẫm, chiêm nghiệm về nghề báo trong những bối cảnh lịch sử… Người am hiểu về báo chí có thể nhìn ra những điều sâu sắc và lý thú liên quan đến triết lý báo chí”.
Đường vào phóng sự điều tra
Sách Đường vào phóng sự điều tra. |
Phóng sự điều tra luôn là một thể loại đòi hỏi người thực hiện những kỹ năng sắc bén nhất của một nhà báo. Cuốn sách Đường vào phóng sự điều tra của nhà báo Ngọc Trân mới ra mắt là một tham khảo hữu ích cho những ai muốn theo đuổi công việc này.
Nội dung cuốn sách là những kiến thức, kinh nghiệm của tác giả, của nhiều phóng viên, nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài về thể loại phóng sự điều tra. Ở phần đầu sách, tác giả đưa ra những kỹ năng điều tra có thể áp dụng khi đi săn tin. Đó là những nghiên cứu, phân tích cần thiết nhằm có được thông tin và kiểm chứng chúng. Phần thứ hai của sách hướng dẫn cách viết phóng sự điều tra sao cho hiệu quả. Phần phụ lục của sách nói về đạo đức của nhà báo – thứ tưởng chừng mơ hồ nhưng lại rất quan trọng với mỗi cá nhân khi làm nghề báo.
Ở lưng chừng tương lai
Sách Ở lưng chừng tương lai. |
Tác phẩm của Tom Plate - cây viết kỳ cựu, người chuyên viết về châu Á – mới phát hành tại Việt Nam qua bản dịch của Lê Thùy Giang.
Năm 1995, Tom Plate đã khởi xướng một chuyên mục viết về châu Á tại một tờ báo trên đất Mỹ. Gần hai thập kỷ sau đó, ông đã đưa ra một tuyển tập bằng cách nhìn lại 100 bài báo của mình. Các bài báo xâu chuỗi lại chính là quãng đường phát triển của châu Á – một châu lục có sự chuyển mình mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua. Cuốn sách cho thấy nhiều vấn đề của châu lục, từ việc chuyển giao Hong Kong cho Trung quốc cho đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, sự phát triển quan trọng ở những nơi khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và Australia…
Tác phẩm không chỉ cung cấp nhiều kiến thức mà còn đưa ra nhiều bài học cho những người làm nghề.
Nhanh, đúng, trúng, hay
Sách Nhanh, đúng, trúng, hay. |
Tập tiểu luận gồm 22 bài, nói về kinh nghiệm và kỹ thuật viết báo của nhà báo Hải Đường, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, chủ biên báo Nhân dân cuối tuần. Các tiểu luận ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề chính, là tài liệu tham khảo hữu ích cho những người muốn hành nghề báo chí.
Là một người làm báo lâu năm của nền báo chí Cách mạng Việt Nam, tác giả Hải Đường đưa vào sách nhiều kinh nghiệm đáng quý. Từ những bài học tác nghiệp tới những kinh nghiệm xử lý tin bài, bản lĩnh của tổng biên tập, những người đứng đầu cơ quan báo chí.
Báo chí lương tâm
Sách Báo chí lương tâm. |
Sách của nhà báo Đỗ Đình Tấn mới được nhà xuất bản Trẻ phát hành. Trong sách, tác giả giới thiệu và cung cấp một cái nhìn chung về thông tin và đạo đức trong thông tin. Từ đó, đưa ra những phân tích, lý giải, những cách giải quyết xoay quanh cuộc tranh luận về đạo đức truyền thông.
Theo tác giả, ngày nay sự bùng nổ của blog và các mạng xã hội như: facebook, twitter… đã xô ngã tất cả các quân cờ trên bàn cờ truyền thông. Khi bàn cờ truyền thông đã thay đổi thì đâu là luật chơi mới cho cuộc chơi này? Tác giả Đỗ Đình Tấn cho rằng tìm kiếm sự thật và tôn trọng con người là hai điểm thiết yếu mà báo chí đứng đắn nên theo đuổi.
Cuốn sách Báo chí lương tâm do đó không chỉ dành cho các nhà báo, mà có thể hữu ích với những ai quan tâm đến vấn đề đạo đức của các phương tiện truyền thông và ảnh hưởng của chúng đối với xã hội.