Những tuần gần đây, ảnh chụp của hơn 80 phụ nữ Hồi giáo đã bị đăng lên nền tảng GitHub với tiêu đề "Thương vụ Sulli trong ngày". “Sulli” là tiếng lóng để chỉ phụ nữ Hồi giáo một cách xúc phạm.
Cô Hana Mohsin Khan, một nữ phi công, được bạn bè gửi cho đường link của trang đấu giá. “Bức ảnh thứ tư chính là tôi. Họ rao bán tôi như một người nô lệ”, cô Khan chia sẻ cảm nghĩ với AFP.
Phụ nữ Ấn Độ trong một sự kiện đông người. Ảnh: Getty. |
“Điều này khiến tôi hoảng sợ. Từ đó đến nay, tôi luôn cảm thấy tức giận”, cô Khan nói.
Nền tảng GitHub đã đình chỉ tài khoản tổ chức trang đấu giá, nói hoạt động này vi phạm các chính sách về quấy rối, phân biệt đối xử và kích động bạo lực.
Cảnh sát thủ đô New Delhi, Ấn Độ, đang điều tra vụ việc và đệ đơn cáo buộc với một số nghi phạm chưa rõ danh tính.
Cô Sania Ahmad, 34 tuổi, cũng bị rao bán hồi tuần trước. Theo cô Ahmad, thủ phạm giấu mặt bao gồm nhiều người cuồng đạo Hindu ở Ấn Độ.
Nhóm người này đang trở nên cực đoan, thực hiện các cuộc tấn công trên không gian mạng với nhiều nhà báo, nhà hoạt động.
Ấn Độ hiện có khoảng 170 triệu người theo đạo Hồi. Trong số đó, nhiều người cảm thấy họ giống như những công dân hạng hai, kể từ khi các nhà lãnh đạo theo đạo Hindu lên nắm quyền vào năm 2014.
Các tín đồ Hindu từng thực hiện nhiều cuộc khủng bố, bày tỏ thái độ thù hận với cộng đồng người Hồi giáo.
Nhà báo Fatima Khan, người cũng nằm danh sách “đấu giá” trên GitHub, viết trên Twitter: “Làm sao người ta có thể chấp nhận được điều này? Hình phạt sẽ như thế nào với những người tạo ra danh sách đó?”
“Đàn ông Hồi giáo bị hành hung, phụ nữ Hồi giáo bị quấy rối và rao bán trên mạng. Khi nào thì những chuyện này mới kết thúc?”, nhà báo Khan chia sẻ.
Chính phủ Ấn Độ chưa đưa ra bình luận về vụ việc, song phủ nhận đây là hành động chống lại người Hồi giáo.
Theo Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ, các nạn nhân trong vụ “đấu giá” bao gồm nhiều nhà nghiên cứu, nhà phân tích, nghệ sĩ và nhà báo.
Bà Khan nói: "Những người phụ nữ bị nhắm đến không phải là phụ nữ Hồi giáo điển hình - ngoan ngoãn, mặc áo kín và chịu sự lạm dụng. Khi chúng tôi không giống như vậy, họ muốn chúng tôi im lặng”.