Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều phi công Boeing 737 Max chỉ được đào tạo 2 giờ qua iPad

Sau khi 2 vụ tai nạn xảy ra chỉ trong 5 tháng trên cùng một mẫu máy bay Boeing 737 Max, nhiều câu hỏi được đặt ra về quy trình đào tạo, hướng dẫn phi công đối với mẫu máy bay mới.

Những cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành để tìm ra nguyên nhân vụ rơi máy bay Boeing 737 Max 8 của hãng Ethiopian Airlines. Những dữ liệu ban đầu cho thấy "những sự tương đồng rõ rệt" so với vụ tai nạn của Lion Air ở Indonesia.

Phi công chỉ được đào tạo trên iPad

Trong quá trình điều tra, bộ Giao thông Mỹ DOT cũng mở cuộc điều tra với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) về quy trình cấp chứng nhận an toàn cho mẫu Boeing 737 Max 8. Một trong những quy trình sẽ được điều tra là quy trình đào tạo cho phi công đối với loại máy bay mới này.

Theo NY Times, Boeing tin rằng những phi công đã từng bay thế hệ Boeing 737 trước sẽ không cần đào tạo thêm về lái giả lập, và FAA đã đồng ý với ý kiến này.

phi cong 737 max 8 duoc dao tao the nao anh 1
Những hệ thống giả lập máy bay chuyên nghiệp có chi phí lên tới hàng triệu USD. Ảnh: NASA.

Boeing 737 Max 8 được tạo ra để cạnh tranh với Airbus khi hãng chế tạo máy bay châu Âu ra mắt thế hệ A320 mới tiết kiệm nhiên liệu vào năm 2010. Nhằm bắt kịp Airbus, Boeing đã phát triển thế hệ mới dựa trên thế hệ cũ.

Do vậy, FAA cho rằng đây chỉ là một phiên bản cải tiến và không yêu cầu phi công phải lái thử trên các hệ thống giả lập, quyết định giúp các hãng tiết kiệm chi phí.

Thông thường, khi một mẫu máy bay mới ra mắt, phi công phải được lái thử trong các hệ thống giả lập có giá hàng triệu USD. Các hệ thống này tái tạo lại trải nghiệm lái giống như trên máy bay thực tế, đồng thời cũng giúp phi công làm quen với các tính năng mới. Trong trường hợp của Boeing 737 Max, nhiều phi công cho biết họ chỉ được lái thử trên iPad.

“Chúng tôi cũng muốn được lái thử trên máy bay giả lập. Tuy nhiên ở thời điểm đó hệ thống giả lập còn chưa có”, ông Jon Weaks, chủ tịch hội phi công của Southwest Airlines cho biết.

phi cong 737 max 8 duoc dao tao the nao anh 2
Nhiều phi công cho biết họ chỉ được nắm thông tin về Boeing 737 Max qua iPad. Ảnh: AAFT.

Do phát triển mẫu máy bay mới gấp gáp, các hệ thống giả lập đã không kịp hoàn thành từ sớm. Greg Bowen, người phụ trách đào tạo tại Southwest Airlines kể lại tới thời điểm mẫu máy bay này đã gần hoàn thiện, cấp trên của ông cho biết dữ liệu để chạy phần mềm giả lập vẫn chưa đủ.

“Họ tạo ra một mẫu máy bay mới, và dữ liệu để đào tạo vẫn chưa có đủ cho tới tận thời điểm mẫu máy bay này đã sẵn sàng bay”, ông Bowen kể lại.

Khi United Airlines nhận lô máy bay 737 Max đầu tiên vào năm 2017, một nhóm phi công của hãng hàng không này đã tự xây dựng tài liệu đào tạo mà chưa từng lái thử trên hệ thống giả lập.

James LaRosa, người đứng đầu nhóm đào tạo cho biết ông chỉ được lái thử trên một buồng lái ở trung tâm huấn luyện của Boeing tại Seattle. Buồng lái này không có đủ tính năng như một buồng lái giả lập thông thường.

Do vậy, ngoài khóa đào tạo kéo dài 2 giờ trên iPad do Boeing cung cấp, ông LaRosa và đồng nghiệp phải vận dụng kinh nghiệp để viết ra sách hướng dẫn dài 13 trang nói về sự khác biệt giữa mẫu 737 Max và các thế hệ trước.

Tính năng phần mềm có thể là nguyên nhân rơi máy bay

Tài liệu này không đề cập đến tính năng phần mềm được gọi là MCAS, có chức năng tự cân bằng máy bay. Trên mẫu 737 Max, Boeing sử dụng một động cơ lớn hơn để tiết kiệm nhiên liệu. Điều đó làm ảnh hưởng tới khí động học trên máy bay.

Để cân bằng, Boeing đã thêm một tính năng phần mềm gọi là MCAS. Chiếc 737 Max có xu hướng nghiêng về phía đuôi trong một số trường hợp. Phần mềm MCAS được phát triển để điều chỉnh đầu máy bay chúc xuống.

phi cong 737 max 8 duoc dao tao the nao anh 3
Đến nay, mới chỉ có 1 hệ thống giả lập Boeing 737 Max trên cả nước Mỹ. Ảnh: Nordic Travel.

Sau vụ rơi máy bay Lion Air vào tháng 10/2018, nhiều báo cáo điều tra cho rằng hệ thống MCAS đã bị lỗi do cảm biến nhận sai dữ liệu. Nhiều phi công lái 737 Max cũng không biết đến tính năng này. Cuối tháng 12/2018, một hội phi công của hãng Southwest và American Airlines đã tới gặp Boeing để có câu trả lời

“Chúng tôi coi đó là một sự thiếu tôn trọng”, ông Dennis Tajer, người đại diện cho hội nhận xét về việc Boeing không hề nhắc tới tính năng này.

Đáp lại câu hỏi, đại diện Boeing cho rằng họ không nhắc tới tính năng phần mềm vì không muốn làm phi công bị rối với quá nhiều thông tin. Hội phi công của American Airlines liên tiếp yêu cầu Boeing phải cung cấp hệ thống lái giả lập, nhất là sau vụ việc Lion Air.

Boeing hứa hẹn sẽ sớm ra một bản sửa lỗi phần mềm trong vài tuần, nhưng vẫn khẳng định không cần phải đào tạo lại về tính năng này. Họ cho rằng chỉ cần phi công biết được cách hoạt động của phần mềm là đủ.

phi cong 737 max 8 duoc dao tao the nao anh 4
Tính năng phần mềm tự cân bằng được cho là nguyên nhân dẫn tới những vụ tai nạn máy bay tại Indonesia và Ethiopia. Ảnh: NY Times.

“Khi bạn biết rằng hệ thống mới trên máy bay có thể làm ảnh hưởng tới quá trình bay, cần phải có một hệ thống giả lập để đảm bảo an toàn. Đây có thể là yếu tố dẫn đến một chuyến bay an toàn, hoặc ít ra là giúp phi công xử lý tình huống thay vì phải lên mặt báo vì tai nạn”, ông Tajer nhận xét.

Boeing dự kiến tung ra bản cập nhật phần mềm cho 737 Max vào tháng 4. Hiện vẫn chưa rõ bao giờ mẫu máy bay này được cấp phép bay trở lại tại Mỹ và nhiều nước. FAA và cục an toàn hàng không châu Âu đều cho rằng phi công không nhất thiết phải được đào tạo trên hệ thống giả lập, mà có thể học về tính năng mới thông qua các chương trình đào tạo trên máy tính.

Mặc dù theo luật không phải đào tạo trên hệ thống giả lập, các hãng hàng không vẫn đặt hàng những hệ thống này cho phi công. Tuy nhiên, họ sẽ phải chờ ít nhất đến cuối năm nay. Hiện tại, trên toàn nước Mỹ mới chỉ có duy nhất 1 hệ thống giả lập 737 Max, theo New York Times.

Điều gì giúp máy bay tránh tông vào nhau? Với vận tốc hàng trăm km/h trên trời, làm thế nào để phi công trên 2 máy bay biết có một máy bay khác đang đến gần và phải tránh theo hướng nào?

Ảnh chụp bà mẹ Việt Nam đoạt giải 120.000 USD là 'cú lừa' dàn dựng

Ngày 12/3, một nhiếp ảnh gia người Malaysia đã nhận giải thưởng 120.000 USD nhờ bức ảnh chụp ba mẹ con người Việt. Nhưng hậu trường của bức ảnh đang gây tranh cãi cho cộng đồng.

Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm