Một số khu vực ở trung tâm Sydney, thành phố lớn nhất Australia, đã bị tái phong tỏa từ ngày 25/6. Trước đó, Sydney đã trở lại nhịp sống bình thường trong nhiều tháng với số ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận ở mức thấp.
Australia từng được đánh giá là một trong những quốc gia chống dịch Covid-19 hiệu quả nhất thế giới sau khi thực hiện chính sách phong tỏa biên giới.
Tuy nhiên, với mối nguy mới mang tên biến chủng Delta, khoảng một triệu người ở bốn khu vực phía đông và trung tâm Sydney đã được lệnh phải ở nhà ít nhất một tuần.
65 ca mắc mới đã được ghi nhận ở Sydney. Những trường hợp này được xác định có liên quan đến ổ dịch xuất phát từ một tài xế xe limousine. Ông này nhiễm virus corona vào giữa tháng 6, trong khi tham gia trung chuyển hành khách từ sân bay Sydney đến một khách sạn để cách ly.
Thủ hiến bang New South Wales, Gladys Berejiklian, gọi đây là "thời kỳ đáng sợ nhất" kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Giới chức Australia tái phong tỏa một bộ phận Sydney từ 25/6. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, tại Israel, quốc gia nổi tiếng với chương trình tiêm chủng tốt, đã phải tái áp đặt quy định đeo khẩu trang trong nhà chỉ vỏn vẹn hai tuần sau khi dỡ bỏ biện pháp phòng dịch này.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Israel ghi nhận hơn 100 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày trong 4 ngày liên tiếp.
Nachman Ash, người đứng đầu tổ công tác chống dịch Israel, cho rằng sự bùng phát này bắt nguồn từ biến chủng Delta của virus corona.
Ở Fiji, một quốc gia khác có một số thành tựu chống dịch ban đầu, các quan chức y tế đã lần đầu tiên thừa nhận sự lây lan rộng rãi của virus corona trong cộng đồng.
Ngày 24/6, Fiji ghi nhận hơn 300 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 chỉ trong 24 giờ. Trước đó, Fiji từng không có bất kỳ ca mắc Covid-19 nào trong suốt một năm. Vào tháng 4, khi biến chủng Delta xuất hiện, diễn biến dịch tại quốc gia ở Châu Đại Dương trở nên phức tạp hơn.
Biến chủng Delta cũng được cho là nguồn cơn gây ra làn sóng dịch Covid-19 thứ ba tại châu Phi. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (Africa CDC), John Nkengasong, mô tả làn sóng thứ ba đổ bộ vào lục địa này là "cực kỳ tàn bạo" và "rất thảm khốc".
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Delta đã được báo cáo ở 14 quốc gia châu Phi. Phần lớn các trường hợp mắc mới nằm ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda, theo WHO.