Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi). Nhiều đại biểu băn khoăn việc lấy ngân sách Nhà nước, do dân đóng thuế đề đền bù oan sai do cơ quan tố tụng gây ra.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng việc giải quyết bồi thường cần bảo đảm tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, không nên hành chính hóa thủ tục giải quyết bồi thường.
Vì vậy, bên cạnh trình tự giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của luật, quyền yêu cầu bồi thường có thể được thực hiện kết hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính theo các luật khác có liên quan mà không nên hạn chế chỉ theo Luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Ảnh: Tiến Tuấn. |
“Điều quan trọng là các bên phải thống nhất về các thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường. Việc xác định thiệt hại và chứng minh các thiệt hại phải rõ ràng, minh bạch, bảo đảm lợi ích của Nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại”, ông Định nêu.
Do đó, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo giữ các quy định như hiện hành về quyền yêu cầu bồi thường và nguyên tắc giải quyết bồi thường.
“Làm thế nào cũng bị kêu”
Thảo luận tại tổ về dự án Luật này, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TAND Tối cao) Nguyễn Hoà Bình cho hay dư luận đang đặt ra câu chuyện tiền nhân dân đóng thuế không phải để chi trả bồi thường.
Thậm chí, cả trên diễn đàn Quốc hội cũng nêu ra, rằng tiền của dân đóng không phải để chi trả cho việc sai của các cơ quan tố tụng, đây là câu chuyện nhức nhối. Thế giới người ta đã giải được bài toán chi phí bồi thường này.
“Nhiều nước lập ra quỹ, nguồn tiền lấy từ tất cả các khoản tiền thu được do phạm tội từ buôn lậu, may túy, tham nhũng… để đền bù oan sai. Họ không lấy tiền thuế của dân làm việc này”, ông Bình lấy ví dụ.
Đề cập đến những khó khăn trong vấn đề bồi thường, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết không chỉ lĩnh vực hành chính dân sự chưa có kinh nghiệm, ngay cả lĩnh vực hình sự, dù đã làm nhiều năm nay, đã có kinh nghiệm rồi nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề khi thực hiện.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Thắng Quang. |
“Tôi theo dõi mấy vụ án oan sai, thực sự mình bồi thường theo kiểu nào cũng bị lên án. Nếu bồi thường theo đúng quy định của luật, của Bộ Tài chính hướng dẫn thì phải có chứng cứ, giấy tờ xác nhận chi tiêu việc nọ việc kia", ông Bình cho hay.
"Ví dụ vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, nếu đúng quy định Bộ Tài chính thì số tiền không đáng bao nhiêu. Dư luận lúc đó sẽ đặt ra câu hỏi tại sao bị tù oan mười mấy năm lại chỉ có bấy nhiêu? Nếu vận dụng số tiền quá nhiều, có người lên án tại sao tiền Nhà nhà nước mất nhiều thế? Làm thế nào cũng bị kêu”, Chánh án TAND Tối cao chia sẻ
Theo ông Bình cơ quan tố tụng khi vận dụng luật có hướng dẫn bao nhiêu cũng không đủ, vì có những khoản không thể nào chứng cứ hóa được, ví dụ thiệt hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần là vấn đề không có định lượng.
“Chúng tôi đang phải giải quyết câu chuyện của ông Chấn, ông Nén, ông Thêm, các căn cứ rất khó khăn, làm theo kiểu nào, kể cả thương lượng không được, đưa nhau ra tòa, tòa cũng rất khó trong việc xác định căn cứ”, ông Bình cho biết.
Về vấn đề thu hồi tiền bồi thường, ông Bình đề nghị khi xử lý ở giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra phải xin lỗi và điều tra viên phải bị xử lý, phạt tiền. Nếu ở giai đoạn truy tố, viện kiểm sát phải xin lỗi và bồi thường, nhưng xử lý kỷ luật phải cả điều tra viên và kiểm sát viên.
"Đến giai đoạn xét xử, tòa án phải xin lỗi, bồi thường. Nhưng khi xử lý kỷ luật thì cả ba cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án cũng không vô can" - Chánh án TAND Tối cao nêu ý kiến.