Các video chơi khăm (prank) xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội trong vài năm gần đây. Bên cạnh những trò vui vẻ, hài hước, nhiều người nghĩ ra những cách trêu đùa xấu xí, gây sợ hãi và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Cuối 2015, Freedom Daily và nhiều tờ báo đưa tin một prankster (người chuyên chơi khăm) mang tên Arman Jalal đã bị bắn vào bụng khi thực hiện clip.
Arman cùng hai người anh em, thuộc nhóm "Jalal Brothers" (Australia), mặc đồ kiểu Arab, quăng túi đồ vào người lạ và chạy đi.
Đa phần người đi đường hoảng sợ vì nghĩ trong túi có bom, nhiều người chạy khỏi xe hơi, nhảy xuống sông.
Sau khi bị bắn, Arman được đưa đến bệnh viện trong trạng thái "nguy kịch", rất may sau đó các bác sĩ đã chữa trị cho anh thành công.
Arman tại bệnh viện. Ảnh: Mail Online. |
Người nổ súng là Scotty Southam, 31 tuổi. Anh này được đưa về đồn cảnh sát Victoria, Australia để thẩm vấn, nhưng sau đó cảnh sát tuyên bố Southam vô tội.
Tuy vậy, ba anh em này vẫn không dừng những hành động trên. Họ tiếp tục giả vờ ném bom, bắn súng vào người đi đường và các trò tương tự, làm video và đăng tải trên kênh YouTube của mình.
Tháng 2/2016, căn nhà của cả ba anh em bị lực lượng chống khủng bố Melbourne, Australia ra quyết định lục soát, Daily Mail Australia đưa tin. Vài giờ sau, cả ba đã đến nộp mình ở đồn cảnh sát.
Công tố viên Ross Guenther xác nhận với Daily Mail Australia rằng họ đã điều tra cả 3 trong nhiều tháng, và tuyên bố những hành động của 3 người này là "không thể chấp nhận và phạm luật".
"Họ tạo ra nhiều sợ hãi trong cộng đồng, nhất là ở thời điểm nhạy cảm như hiện nay. Hành động của họ không hề ổn", ông Ross nói thêm.
Toàn bộ công cụ chơi khăm của nhóm như súng giả, trang phục... bị tịch thu. Cảnh sát đã cân nhắc các tội danh tương đương tàng trữ súng đạn, tấn công người đi đường. ABC cũng cho biết tất cả số tiền kiếm được từ các video cũng có thể bị tịch thu, đồng thời có biện pháp gỡ bỏ các video.
Jalal Brother sau đó phải công khai xin lỗi và xóa nhiều video. Tuy vậy, chúng vẫn tồn tại trên nhiều trang web, nhiều trong số đó đạt hàng triệu lượt theo dõi.
Trước đó, khoảng cuối 2015 - đầu 2016, vấn đề khủng bố đang nhạy cảm trên thế giới. Tháng 11/2015, các vụ tấn công khủng bố nhằm vào Paris và nhiều thành phố khác ở châu Âu đã gây hoang mang.
Do đó, cộng đồng mạng trên thế giới phẫn nộ về các video này.
"Với những chuyện đang xảy ra với ISIS, những cuộc tấn công trên khắp nước Mỹ, cũng như tại châu Âu, đây không phải chuyện để đùa", một người bình luận.
"Không thể chờ đến lúc bọn ngu ngốc này bị đánh trả", một người tên Adam Milne viết trên Twitter, "dù là bom giả, chúng vẫn khiến người khác kinh sợ".
Nhiều vụ chơi khăm khác đã để lại hậu quả nghiêm trọng hơn.
Tháng 8/2016, Mohammad, một prankster nổi tiếng ở Stockton, Mỹ đã hóa trang thành chú hề kinh dị để hù dọa một người đi đường. Tuy vậy, người này đã móc súng để phản ứng, rất may, người kia chỉ đánh báng súng vào đầu chú hề xấu số. Mohammad là chủ sở hữu tài khoản Instagram Hoodclips, chuyên đăng các clip chơi khăm với hơn 6,8 triệu lượt theo dõi.
Nhiều người đã bị đánh, thậm chí bắn khi thực hiện những trò hù dọa. Ảnh: Hood Clips. |
Cùng thời điểm, Daily Mirror đưa tin, một du học sinh Mỹ tại Campuchia chơi trò tương tự tại nước này, đáng tiếc, anh bị người dân truy đuổi và bắt xin lỗi. Trong lúc trốn chạy, anh này dẫm phải một quả mìn và tử vong.
Ngay tại Mỹ, nhiều người theo trào lưu này đã bị tấn công, đánh đập thậm chí dọa giết. Cảnh sát Mỹ nhiều nơi đã đưa ra cảnh báo hạn chế những trò tương tự.
Mặc cho những vụ việc nghiêm trọng như vậy, nhưng lượng xem, chia sẻ cũng như đăng ký đến từ các clip dạng này thường rất cao, có thể lên đến hàng triệu. Do đó, nhiều kênh video trêu đùa liên tục xuất hiện, những trò oái ăm để câu view, like ngày càng đa dạng.
Vừa qua, Công an Hà Nội cho biết họ đang xác minh danh tính nhóm thanh niên tham gia thực hiện clip tương tự tại Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia, các hành động như trên gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn, hoang mang trong người dân. Theo đó, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.