Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều nhà xuất bản không có lãi

Hội nghị Tổng kết công tác quản lý nhà nước về xuất bản phát hành năm 2013 và triển khai nhiệm vụ 2014 cho thấy, nhiều nhà xuất bản không có lãi, nợ thuế, tiền thuê đất.

Ngày 24/3, hội nghị đã diễn ra tại văn phòng TW Đảng (145 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM). Tại đây, phía quản lý và các nhà xuất bản có những tổng kết về một năm hoạt động.

Sản xuất kinh doanh sụt giảm

Tại hội nghị, ông Chu Văn Hòa (Cục trưởng Cục Xuất bản) báo cáo những hiệu quả, hạn chế trong công tác quản lý, xuất bản, phát hành và triển khai nhiệm vụ trong năm 2014.

 

Ông Chu Văn Hòa khái quát hoạt động xuất bản tại hội nghị. Ảnh: Duy Tín.

Trong năm qua, toàn ngành xuất bản 26.933 cuốn (giảm 3,8% so với năm 2012). Tổng vốn huy động toàn ngành và tổng doanh thu giảm 7% so với năm 2012. Hầu hết các nhà xuất bản đều gặp khó khăn trong kinh doanh, hoạt động không có lãi, thậm chí lỗ dẫn đến nợ thuế, nợ tiền thuê nhà đất. Chỉ một nơi số lãi, phát triển tốt mạng lưới kinh doanh như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ…

Ông Chu Văn Hòa nhấn mạnh,các nhà xuất bản cần quan tâm hơn đến các ấn phẩm phục vụ công tác đối ngoại, bảo vệ chủ quyền và phát triển theo phương thức điện tử trong năm 2014.

Theo nhận xét của Cục, nội dung xuất bản đáp ứng được yêu cầu xã hội, đặc biệt là ý thức về chủ quyền biển đảo. Việc phát hành, quảng bá xuất bản phẩm phát triển tích cực. Sách của Việt Nam được giới thiệu đến quốc tế qua các hội sách ở Đức, Trung Quốc, Mỹ, Cu Ba…

Bên cạnh đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã phát hiện nhiều vi phạm. Năm 2013, Cục đã xử lý 124 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung, hình thức. Ngoài nội dung thể hiện sai sót về kiến thức, phản cảm, phản ánh xã hội phiến diện, không đầy đủ chủ quyền biên giới, biển đảo. Các loại ấn phẩm này đều được phát hiện, xử lý nghiêm.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng cơ chế phù hợp nhằm tạo điều kiện về chính sách thuế thuê nhà đất, cước vận chuyển để tăng cường đưa sách tới vùng xa, hải đảo cho nhà xuất bản.

 

Ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản, nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông phát biểu tại Hội nghị.  Ảnh: Duy Tín.
Tại hội nghị, ông Đỗ Quý Doãn, chủ tịch Hội Xuất bản, nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cũng đề nghị các nhà xuất bản quan tâm hơn tới công tác đào tạo đội ngũ quản lý, biên tập viên để tăng chất lượng ấn phẩm và giữ vững uy tín của đơn vị.

Ngày sách Việt Nam nên trải dài hơn

Tham luận tại hội nghị, các nhà xuất bản đồng tình với bản báo cáo công tác quản lý nhà nước về xuất bản phát hành năm 2013 và triển khai nhiệm vụ 2014. Vấn đề tổ chức Ngày sách Việt Nam cũng được quan tâm trong hội nghị.

Trước đó, ngày 24/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra quyết định chọn 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, nhằm khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng. Thủ tướng giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch phối hợp cùng các ngành liên quan để tổ chức ngày hội đặc biệt này.

Lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông khen thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc. Ảnh Duy Tín.

Về vấn đề tổ chức, ông Nguyễn Minh Nhựt (giám đốc NXB Trẻ) nêu ý kiến không nên tổ chức Ngày sách quy mô trong một ngày mà cần tổ chức dàn trải từ 24 – 30/4 bằng nhiều hoạt động như khuyến mãi, mở cửa tất cả thư viện...

Ông Nhựt giải thích: “Như vậy sẽ giúp cho người biết đến ngày hội nhiều hơn. Ngoài ra có thể tham mưu hình ảnh các nhà lãnh đạo đất nước cùng người dân đọc sách để tạo hiệu ứng truyền thông. Chúng ta cần phải tận dụng tốt nhất ngày này để phát triển thành một ngày lễ lớn hàng năm. Bên cạnh đó, cần quan tâm, tìm hiểu xem người dân thực  sự gì muốn gì và sẽ được gì trong Ngày sách Việt Nam, rộng hơn là trong khoảng thời gian 5–10 năm nữa, dân ta nên đọc sách gì?”.

Bên cạnh đó, một số nhà xuất bản khác bày tỏ quan điểm cần chú trọng phát triển xuất bản sách điện tử, công tác phát hành xuất bản phẩm ở vùng sâu, vùng xa; ưu đãi về giá thuê đất… 

Ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam: 

- Trong bản báo cáo tại hội nghị, ông thấy điều gì đáng ghi nhận cũng như trăn trở về hoạt động xuất bản trong năm qua?

- Điều đáng mừng là trong tình hình nền kinh tế khó khăn, hoạt động kinh doanh của một số nhà xuất bản trong năm qua có lãi mà vẫn đảm bảo mục tiêu chính trị, xã hội nâng cao dân trí. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa có được hệ thống cơ chế, chính sách hợp  lý để phục vụ công tác xuất bản mặc dù luật xuất bản đã có hiệu lực từ tháng 7/2013.

- Năm qua, nhiều nhà xuất bản gặp khó khăn trong kinh doanh nên mong muốn được giảm thuế thuê nhà đất, giảm cước vận chuyển… Ông thấy điều này có hợp lý?

- Đây là một thực tế nên việc hỗ trợ cho nhà xuất bản là hoàn toàn hợp lý. Vì vậy mong muốn của nhà xuất bản cần được trân trọng lắng nghe và có biện pháp tháo gỡ khó khăn.

- Theo ông, nhiệm vụ nào là trọng tâm trong của ngành xuất bản trong năm 2014?

- Theo tôi, thứ nhất là phải sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất bản. Thứ hai là tập trung các lễ hội sách trên cả nước nhất là công tác triển khai Ngày sách Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản cần chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực.

- Về Ngày sách Việt Nam, giám đốc NXB Trẻ cho rằng không nên tổ chức quy mô trong một ngày mà dàn trải trong 1 tuần (21-30/4/2014). Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

- Chúng ta khó có thể tổ chức quy mô trong 1 ngày cũng như trong 1 tuần. Theo tôi, việc tổ chức các hoạt động Ngày sách khoảng 3-4 ngày là hợp lý và phải qua ngày 23/4 – Ngày sách và bản quyền thế giới.

Như Quỳnh

Bạn có thể quan tâm