Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều nhà hàng ven biển Đà Nẵng đóng cửa giữa mùa du lịch

Sau khi ngành du lịch Đà Nẵng phục hồi, các chủ đất bắt đầu nâng giá cho thuê mặt bằng khiến nhiều người phải tạm dừng việc kinh doanh.

Trong tháng 6 - mùa cao điểm du lịch, Đà Nẵng đón hơn 10.000 lượt khách mỗi ngày. Dịp cuối tuần, địa phương này đón hàng trăm nghìn lượt khách. Việc du lịch phục hồi nhanh chóng là tín hiệu đáng mừng của TP Đà Nẵng.

Thế nhưng, trái ngược với sự phục hồi trên, nhiều quán xá, nhà hàng ven biển Đà Nẵng vẫn "cửa đóng, then cài". Theo nhiều người kinh doanh, nguyên nhân của tình trạng trên là do khó khăn về vốn, giá thuê mặt bằng tăng cao và khách quốc tế chưa nhiều.

Dịch bệnh kéo dài khiến nhiều người phá sản

Hơn 3 năm trước, ông Nhân (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) thế chấp căn nhà 2 tầng ở đường Nguyễn Sáng để vay hơn 3 tỷ đồng, mở nhà hàng ăn uống. Người đàn ông này thuê một lô đất trống rộng khoảng 200 m2 ở gần nhà rồi thuê thợ xây dựng nhà hàng.

"Tổng chi phí đầu tư ban đầu khoảng 2,5 tỷ. Tiền thuê mặt bằng mỗi tháng 20 triệu đồng", ông Nhân nói và cho hay thời gian đầu mỗi tháng ông thu về gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, việc kinh doanh đang tốt thì dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài khiến nhà hàng phải đóng cửa hơn 2 năm.

"Thời gian dịch, chủ giảm giá thuê mặt bằng xuống còn 10 triệu. Nhưng lãi ngân hàng thì không giảm nên số vốn còn lại cũng hết dần", ông Nhân kể. Theo lời người đàn ông này, vừa qua ông đã phải bán nhà để trả nợ ngân hàng.

Hang loat nha hang o Da Nang van dong cua anh 1

Nhiều nhà hàng ven biển Đà Nẵng vẫn đóng cửa. Ảnh: Nguyên Vũ.

"Còn tiền đâu nữa mà kinh doanh. Tôi phá sản rồi", ông Nhân buồn rầu nói và cho hay đã chuyển sang làm nghề sửa chữa thiết bị điện lạnh để duy trì cuộc sống gia đình.

Cùng hoàn cảnh, anh Cảnh (ngụ quận Ngũ Hành Sơn) cũng cho biết đã trả lại mặt bằng, dừng kinh doanh quán nhậu từ đầu năm đến nay. Trước đây, anh cũng thế chấp nhà để vay hơn 4 tỷ, góp vốn với 2 người bạn để kinh doanh nhà hàng ở đường Võ Nguyên Giáp.

"Việc kinh doanh chưa lấy lại được vốn thì dịch bệnh bùng phát nên nhà hàng đóng cửa gần 2 năm. Mỗi tháng, tôi phải trả lãi ngân hàng gần trăm triệu nên trụ không được. Anh em chúng tôi đành sang nhượng quán, nghỉ bán", anh Cảnh kể.

Theo ghi nhận, mặc dù đang trong mùa cao điểm du lịch, nhiều quán xá, nhà hàng trên các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Hồ Xuân Hương... vẫn đóng cửa, bỏ hoang.

Tại đường Hồ Xuân Hương, một nhà hàng mang phong cách Hàn Quốc vẫn "cửa đóng, then cài" nhiều tháng qua. Nhà hàng không có bảo vệ trông coi nên đã bị hư hỏng, lá cây rụng khắp nơi trông rất nhếch nhác. "Thi thoảng có người đến mở cửa nhìn ngó chút rồi đi chứ có thấy buôn bán gì đâu. Quán này rất đẹp lại ở vị trí có mặt bằng rộng, đường to như thế mà bỏ không vậy rất phí", một người dân trú trên đường Hồ Xuân Hương nói.

Tương tự, trên đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa cũng có hàng chục nhà hàng đang đóng cửa. Nhiều quán treo biển cho thuê lại hoặc sang nhượng. Theo tìm hiểu của Zing, hầu hết nhà hàng, quán nhậu này đóng cửa vì người kinh doanh không còn vốn.

"Bây giờ mở bán cũng phải đầu tư vài trăm triệu để sửa chữa, mua sắm đồ đạc. Chưa kể số tiền để mua nguyên vật liệu, trả tiền thuê mặt bằng và lương nhân viên nữa. Không còn vốn nên chấp nhận nghỉ bán", chủ một nhà hàng trên đường Hoàng Sa nói.

Giá thuê mặt bằng tăng

Trao đổi với Zing, nhiều người cho hay ngoài việc thiếu vốn thì khoảng 2 tháng nay, giá thuê mặt bằng liên tục tăng khiến mọi người phải cân nhắc trong việc đầu tư kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực ăn uống.

Ông Hiền, chủ một nhà hàng ở đường Hoàng Sa cho biết so với 2 năm trước, giá thuê mặt bằng để kinh doanh đã tăng 100%.

"Mặt bằng ở những tuyến đường càng lớn và có nhiều khách du lịch thì giá càng cao. Một lô đất rộng khoảng 200 m2 nằm ở cuối đường Võ Nguyên Giáp, giờ có giá thuê phải 50-70 triệu đồng/tháng. Nếu mặt bằng ở gần Công viên Biển Đông thì giá thuê cũng trăm triệu. Những lô khoảng 500 m2 thì giá thuê lên đến vài ba trăm triệu/tháng - tùy vị trí", ông Hiền thông tin.

Hang loat nha hang o Da Nang van dong cua anh 2

Một nhà hàng chuyên phục vụ khách Hàn Quốc, Trung Quốc ở ngã ba đường Đỗ Bá - Võ Nguyên Giáp chưa hoạt động. Ảnh: Nguyên Vũ.

Ông Nguyễn Văn Bình, chủ một nhà hàng ở đường Hoàng Sa nói rằng giá thuê mặt bằng cao nhưng khách quốc tế đến Đà Nẵng chưa nhiều nên lợi nhuận chưa như kỳ vọng.

"Đối tượng đến Đà Nẵng tiêu tiền là du khách quốc tế chưa nhiều. Còn khách trong nước cũng tương đối đông nhưng ảnh hưởng dịch bệnh nên họ tiết kiệm trong chi tiêu. Do đó, bây giờ đi thuê mặt bằng để kinh doanh thì không ăn thua", ông Bình nói.

Nói về tình trạng nhiều nhà hàng ven biển vẫn đóng cửa, cả ông Hiền, ông Bình và nhiều người đã và đang kinh doanh nhà hàng, quán nhậu đều chung nhận định đối tượng chính của các nhà hàng này là khách Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc...

"Khách Hàn Quốc thời gian gần đây đã sang Đà Nẵng du lịch. Còn khách Trung Quốc thì chưa có nên những nhà hàng đó đóng cửa là đương nhiên", ông Hiền nói.

Loạt nhà hàng ven biển Đà Nẵng đóng cửa, hư hỏng giữa cao điểm du lịch

Dù đang trong mùa cao điểm du lịch, nhiều nhà hàng dọc các tuyến đường ven biển tại TP Đà Nẵng vẫn đóng cửa, bỏ hoang.

Nguyên Vũ

Bạn có thể quan tâm