Dọc tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp nối TP Đà Nẵng với TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) là nơi có nhiều quán xá, nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch đến từ các nước châu Á. Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, những nhà hàng này chủ yếu phục vụ khách Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. |
Từ khi dịch Covid-19 thâm nhập vào Việt Nam, mọi hoạt động kinh doanh du lịch ở Đà Nẵng phải tạm dừng để phòng chống dịch. Từ tháng 3/2022, khi ngành du lịch trong nước và quốc tế được mở cửa trở lại nhưng rất nhiều nhà hàng ăn uống, dịch vụ tại Đà Nẵng vẫn trong tình trạng "cửa đóng then cài". |
Do Trung Quốc vẫn đang thực hiện chiến lược Zero-Covid, khiến người dân nước này không thể đi du lịch nước ngoài. Sự thiếu hụt khách từ thị trường lớn nhất này khiến các nhà hàng chuyên phục vụ người Trung Quốc chưa thể hoạt động. |
Theo ghi nhận của Zing, tại các tuyến đường ven biển Đà Nẵng có đến hàng trăm nhà hàng gắn biển có chữ Trung Quốc vẫn đóng cửa. Nhiều nhà hàng nằm ở tuyến đường đắc địa như Hoàng Sa, Trường Sa và Võ Nguyên Giáp. |
Một cơ sở massage ở đường Võ Nguyên Giáp đóng cửa nhiều năm nay. Khi chưa có dịch, cơ sở này chủ yếu phục vụ khách du lịch chủ yếu là người châu Á... Anh Nhân, tài xế một hãng taxi ở Đà Nẵng nói trước đây thường chở khách Hàn Quốc, Trung Quốc đến các nhà hàng gắn biển có chữ Trung Quốc. "Hai năm nay không có khách nên những cơ sở kinh doanh gắn biển có chữ nước ngoài ế ẩm là đương nhiên", anh Nhân cho hay. |
Trên đường Võ Nguyên Giáp, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm cũng chưa hoạt động. Trao đổi qua điện thoại, chủ một cửa hàng cho biết khách hàng chủ yếu là người Trung Quốc. "Nhưng người Trung Quốc chưa qua Việt Nam du lịch nên chúng tôi chưa kinh doanh trở lại", chủ một cửa hàng nói và cho hay chưa xác định được thời gian mở bán trở lại. |
Anh Tiến, từng quản lý một nhà hàng chuyên bán đồ hải sản ở đường Võ Nguyên Giáp cho hay ông chủ đã thuê mặt bằng với giá hơn 200 triệu đồng/tháng từ nhiều năm trước. Khi dịch bùng phát, nhà hàng đóng cửa khiến không có doanh thu, toàn bộ nhân viên nghỉ việc. "Chủ nhà hàng đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng dịch bệnh đã làm cho kiệt quệ. Tôi cũng không rõ họ có ý định kinh doanh lại không", anh Tiến nói. |
"Những cửa hàng gắn biển hiệu có chữ Trung Quốc đều nằm trên tuyến đường đẹp ở quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà. Việc thuê mặt bằng ở đây rất đắt mà họ bỏ hoang như vậy quá lãng phí", ông Đức (trú đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn), bày tỏ. |
Trước mặt tiền của các cửa hàng, quán xá chưa hoạt động rất nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị. |
Tuyến đường ven biển kéo dài từ chân núi Sơn Trà (đánh dấu đỏ) đến Hội An, là nơi có nhiều nhà hàng gắn biển có chữ Trung Quốc nhất. Ảnh: Google Maps. |
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng kiêm Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, cho biết năm 2019, hai thị trường khách du lịch quốc tế chiếm hơn 50% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó, 32% khách từ thị trường Trung Quốc và 23,8% khách từ thị trường Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược "Zero Covid” thì có thể phải cuối năm nay hoặc đầu năm 2023, người dân nước này mới đi du lịch nước ngoài. Do đó, việc thiếu hụt lượng khách từ thị trường Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh khách sạn, nhà hàng.