Darwaish Raufi, lãnh đạo quận Bagram, phía bắc thủ đô Kabul của Afghanistan, nơi có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ, cho biết cuộc khởi hành của binh lính Mỹ diễn ra vào ban đêm và không có bất kỳ sự phối hợp nào với quan chức địa phương, theo AP.
"Quá trình Mỹ rút quân khỏi căn cứ Bagram diễn ra đêm 2/7 mà không có sự phối hợp với chính quyền địa phương. Hàng chục người đã đột nhập và cướp phá nhiều tòa nhà trước khi lực lượng Afghanistan giành lại quyền kiểm soát", ông Raufi cho biết hôm 2/7.
Theo AP, những người này xông vào khu vực cổng không có lực lượng bảo vệ.
"Họ đã bị chặn lại và một số bị bắt giữ, số còn lại đã tháo chạy khỏi căn cứ", ông Raufi nói, đồng thời cho biết thêm những người này đã lục soát một số tòa nhà trước bị bị bắt.
Gần 20 năm sau khi đưa lực lượng tới Afghanistan để lật đổ chế độ của Taliban và truy lùng thủ lĩnh tổ chức khủng bố Al Qaeda, quân đội Mỹ đã rút quân khỏi sân bay lớn nhất Afghanistan, bắt đầu cuộc rút quân mà Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8, AP cho biết.
Lối vào sân bay Bagram, căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Afghanistan đã bị phong tỏa. Ảnh: AP. |
Tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo Lầu Năm Góc hoàn tất việc rút quân trước ngày 11/9, nhân kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9. Nhưng Lầu Năm Góc cho biết việc rút quân đã gần hoàn tất và có thể kết thúc vào cuối tuần này.
Tuy nhiên, một số vấn đề liên quan cần được giải quyết trong những tuần tới, bao gồm cơ cấu chỉ huy quân sự mới của Mỹ ở Kabul, thủ đô Afghanistan. Mỹ đang đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận duy trì an ninh cho sân bay lớn nhất Afghanistan.
“Một cuộc rút quân an toàn, có trật tự cho phép chúng tôi duy trì sự hiện diện ngoại giao liên tục, hỗ trợ người dân và chính phủ Afghanistan, đồng thời ngăn chặn quốc gia này trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những tội phạm khủng bố đang đe dọa đất nước chúng tôi”, John Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, chính quyền Washington đang thu hẹp các lựa chọn, để đảm bảo an toàn hàng nghìn người Afghanistan có đơn xin thị thực đặc biệt để đến Mỹ. Những đơn xin cấp thị thực này vẫn chưa được phê duyệt.
Các quan chức Mỹ cho biết họ sẵn sàng di tản những người này đến nước thứ 3, trong khi chờ phê duyệt thị thực, nhưng vẫn chưa xác định được điểm đến. Hôm 2/7, một số quan chức cho biết có khả năng chuyển những người này đến quốc gia Trung Á, nơi họ có thể được bảo vệ khỏi sự trả đũa của Taliban.
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về số người sẽ được chuyển đi, hoặc nơi họ có thể đến.