Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều nạn nhân lừa đảo trực tuyến như bị thôi miên, thao túng tâm lý

Đây là nhận xét của đại diện một công ty chứng khoán về diễn biến và thực trạng lừa đảo trực tuyến đang diễn ra hiện nay.

Lừa đảo trực tuyến là một vấn đề nổi cộm trên toàn cầu, gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD. Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), con số thiệt hại lên tới 8.000 đến 10.000 tỷ đồng.

Ông Tống Viết Trung, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng, Bộ Quốc phòng nhận định: “Lừa đảo trực tuyến không chỉ liên quan đến người dân, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà cả các đơn vị quản lý Nhà nước, xây dựng chính sách chiến lược trong phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của quốc gia”.

lua dao online anh 1

Đại diện Bộ TT&TT, Bộ Công an cùng các doanh nghiệp tham gia tọa đàm “Chiến lược và giải pháp ứng phó với lừa đảo trực tuyến năm 2024”, ngày 30/5. Ảnh: BTC.

Tại tọa đàm “Chiến lược và giải pháp ứng phó với lừa đảo trực tuyến năm 2024” trong khuôn khổ Hội thảo và Triển lãm An toàn không gian mạng Việt Nam - Vietnam Security Summit 2024, ông Đặng Trung Thành, Giám đốc cao cấp an ninh thông tin Chứng khoán Techcombank Securities chia sẻ nhiều khách hàng của công ty vẫn mắc bẫy các kịch bản lừa đảo trực tuyến dù đã được truyền thông. “Khi bị lừa đảo, họ như bị thao túng tâm lý, thôi miên, làm theo đề nghị của đối tượng”, ông Thành nói.

Có hai nguyên nhân chủ đạo khiến tình trạng dữ liệu cá nhân quan trọng của người dân bị đánh cắp và khai thác trong các vụ lừa đảo ngày càng nhiều, xuất phát từ cả vị trí của người dùng cuối lẫn cơ quan, tổ chức nắm giữ thông tin của người khác.

Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư – Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, người dân vẫn chủ động cung cấp thông tin của mình và người thân cho người khác một cách dễ dàng. Trong khi đó, với các cơ quan, đơn vị đang nắm giữ thông tin công dân hay các doanh nghiệp khác, mức độ quan tâm đối với bảo vệ dữ liệu họ đang quản lý chưa đúng mực. Với những người được tiếp cận, quản trị dữ liệu, chưa có lớp đào tạo, hướng dẫn.

Để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng lừa đảo trực tuyến, đầu tiên vẫn là vấn đề nhận thức, kỹ năng của người dân. Để nâng cao nhận thức của mọi người, Cục An toàn thông tin đã kết hợp nhiều biện pháp như ban hành cẩm nang nhận diện 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, triển khai tháng hành động về nhận diện và ngăn chặn lừa đảo trực tuyến (tháng 7/2023).

Theo ông Lê Công Phú, Phó Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, đã có hơn 1.500 bài viết được truyền tải trên các phương tiện thông tin, website, mạng xã hội, hơn 500 video về các hình thức tấn công lừa đảo trực tuyến được phát và lan tỏa, thu hút hơn 2,1 tỷ lượt theo dõi từ hơn 20 triệu người dùng trên toàn quốc.

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Techcombank Securities cho biết, từ cuối năm 2023, đã tăng cường rà soát, tìm hiểu hành vi của những khách hàng bị khai thác, tìm hiểu hành vi của những kẻ tấn công như thay đổi thông tin, thực hiện giao dịch bán hết tài sản để nhận ứng tiền và chuyển tiền. Công ty áp dụng công nghệ machine learning, AI phát hiện hành vi đột biến, bất thường nhằm chủ động ngăn chặn tài khoản và liên hệ với khách hàng.

Ngoài đầu tư vào con người, hệ thống hạ tầng, AI để quét lại, đo lường lại, nâng cao năng lực cho cán bộ để nhận biết chiêu trò lừa đảo, sàn thương mại điện tử Shopee sắp tới sẽ tăng cường xác minh danh tính người bán hàng, cũng như khuyến khích người dùng thanh toán không dùng tiền mặt. Theo ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc đối ngoại Shopee, nguyên nhân là vì người dùng tiền mặt trong thương mại điện tử bị lừa đảo nhiều hơn và không có biện pháp bảo vệ nhiều lớp như phi tiền mặt.

Đại diện các doanh nghiệp đều đồng quan điểm cần kết hợp nhiều biện pháp kỹ thuật và phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Bộ Công an hay Bộ TT&TT nên hướng dẫn cụ thể để tuyên truyền cho cả người dân và cơ quan, tổ chức quản lý thông tin cá nhân.

Không gian mạng phát triển và đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, mở ra cơ hội mới để phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập. Ngày càng nhiều tổ chức, doanh nghiệp đưa hoạt động lên không gian mạng và từ đó, người dân tham gia tích cực hơn. Môi trường hoạt động mới nảy sinh nhiều yếu tố bất cập mới như mất an toàn, mất cắp dữ liệu cá nhân ngày càng gia tăng nhờ sự hỗ trợ của AI. Để giảm thiểu thiệt hại từ lừa đảo trực tuyến, cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến đến người dân.

https://vietnamnet.vn/nhieu-nan-nhan-lua-dao-truc-tuyen-nhu-bi-thoi-mien-thao-tung-tam-ly-2286106.html

VietNamNet

Bạn có thể quan tâm