Nhiều lãnh đạo thế giới ca ngợi Giáo hoàng Benedict XVI
Từ Washington, Tổng thống Obama gửi lời “cảm kích và cầu nguyện” của công dân Mỹ đến Giáo hoàng Benedict XVI.
Giáo hoàng Benedict XVI chào giáo dân từ ban công đại giáo đường Thánh Peter. |
Trước tuyên bố từ nhiệm của Giáo hoàng Benedict XVI, nhiều nguyên thủ tỏ lòng tôn kính với sự lãnh đạo và phụng sự cộng đồng Thiên chúa giáo của Giáo hoàng.
Năm 2009, vợ chồng Tổng thống Obama đã có một cuộc gặp riêng với giáo hoàng.
“Giáo hội Công giáo có vai trò quan trọng đối với nước Mỹ và thế giới. Tôi gửi lời chúc tốt lành nhất tới những người sẽ sớm bầu ra người kế nhiệm Giáo hoàng Benedict XVI”, Tổng thống Obama nói.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tôn trọng quyết định thoái vị của Giáo hoàng và ca ngợi “Ngài là một trong những lãnh tụ tôn giáo quan trọng nhất của thời đại chúng ta”. Giáo hoàng Benedict XVI là người Đức đầu tiên nhậm chức Giáo hoàng từ sau thế kỉ 11.
Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng Giáo hoàng “sẽ được nhớ tới với tư cách một vị lãnh đạo của hàng triệu giáo dân đã hoạt động không mệt mỏi để củng cố quan hệ giữa Anh và Tòa thánh”.
Là nơi gần Vatican nhất, Tổng thống Italy Giorgio Napolitano trân trọng quyết định từ nhiệm của Giáo hoàng.
Thủ tướng Australia Julia Gullard đề cập đến những hoàn cảnh khó khăn buộc Giáo hoàng phải quyết định thoái vị. “Khi được bầu làm Giáo hoàng, ngài Joseph Ratzinger đã nói ông muốn trở thành 'một người lao động giản dị làm việc trong khu vườn của Chúa'. Với quyết định từ nhiệm này, nhân cách khiêm tốn của ngài càng được khuyếch đại hơn”.
Đức giám mục Marcelo Sanchez Sorondo, hiệu trưởng Học viện khoa học Giáo hoàng của Vatican, cho biết quyết định từ nhiệm của Giáo hoàng gây nên một nỗi buồn lớn ở Tòa thánh “vì ngài là một Giáo hoàng vĩ đại”.
Tại Israel, đại giáo chủ Do thái giáo Yona Metzger tuyên bố quan hệ giữa Do thái giáo và Thiên chúa giáo đã được cải thiện trong nhiệm kỳ của Giáo hoàng Benedict XVI, từ đó giảm thiểu phong trào bài xích đạo Do Thái trên thế giới.
Còn chủ tịch Hội Do thái giáo thế giới Ronald Lauder khẳng định: “Giáo hoàng đã nâng tầm quan hệ Thiên chúa giáo và Do thái giáo lên một mức chưa từng có. Ông là Giáo hoàng đầu tiên đã đến thăm rất nhiều nhà thờ Do thái”.
Ở Philippines, một nước đông giáo dân Thiên chúa tại Đông Nam Á, Tổng thống Begnino Aquino nhắc lại những tình cảm của Giáo hoàng dành cho người dân Philippines sau mỗi lần thiên tai xảy ra ở nước này.
Theo Tuổi Trẻ