Với tinh thần “Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài”, từ khi dịch Covid-19 có chiều hướng khó lường, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) nhiều tỉnh/thành phố yêu cầu các doanh ngiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn nhanh chóng triển khai mô hình “Tổ an toàn Covid-19".
“Tổ an toàn Covid-19” là nhóm phòng, chống dịch cơ động trong mỗi doanh nghiệp, hoạt động theo tiêu chí phản ứng nhanh và theo sát tình hình người lao động. Vì vậy, nhiều đơn vị chọn lập các nhóm “Tổ an toàn Covid-19” trên nền tảng Zalo bởi tính nhanh chóng, tiện lợi và phổ biến của ứng dụng.
Chuyên gia của Bộ Y tế kiểm tra việc triển khai quy định phòng chống dịch tại các khu công nghiệp. |
Tại Hà Nội, LĐLĐ thành phố yêu cầu các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, cấp trên cơ sở chủ động phối hợp cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, hướng dẫn thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của “Tổ an toàn Covid-19".
Cụ thể, các công đoàn cơ sở được yêu cầu nhanh chóng thành lập nhóm Zalo “Tổ an toàn Covid -19" tại doanh nghiệp để kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch. Nhóm Zalo này do chủ tịch công đoàn cơ sở làm trưởng nhóm, các tổ trưởng là thành viên và có sự tham gia của cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở.
Những doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở phải có cán bộ trực tiếp chỉ đạo hướng dẫn hoạt động của “Tổ an toàn Covid-19”, đồng thời lập nhóm Zalo kết nối thường xuyên với LĐLĐ các quận, huyện, thị xã thuộc địa bàn doanh nghiệp hoạt động để trao đổi thông tin khi cần.
Theo số liệu từ LĐLĐ thành phố Hà Nội, sau 11 ngày chỉ đạo (tính đến ngày 26/5), 2.379 doanh nghiệp thành lập “Tổ an toàn Covid-19”. Đến nay, 8.083 “Tổ an toàn Covid-19” được thành lập và đi vào hoạt động với 38.413 người tham gia.
Các khu công nghiệp thực hiện giám sát tình hình sức khỏe và thực các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 2 lớp gồm cổng vào doanh nghiệp và trong nhà xưởng. |
Tại Hà Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp, thành lập ít nhất một “Tổ an toàn Covid-19", hoạt động kiêm nhiệm đối với mỗi tổ sản xuất hoặc bộ phận tương đương.
Không chỉ riêng Hà Nội, Hà Nam, mô hình “Tổ an toàn Covid-19” trở thành lá chắn cho cán bộ công nhân viên trong giai đoạn Covid-19 phức tạp tại các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Kon Tum…
Hàng ngày, thông qua các “Tổ an toàn Covid-19”, doanh nghiệp sẽ tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc. Mọi người phải tuân thủ nghiêm ngặt việc kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế trung thực. Điều này hỗ trợ các cơ quan chức năng truy vết các trường hợp F1, F2 và trường hợp khẩn cấp khi doanh nghiệp có người mắc bệnh hoặc cách ly.
Xét nghiệm cho công nhân tại một công ty ở Bắc Ninh. |
Với khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung hoạt động khắp cả nước, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp rất lớn. Vì vậy, “Tổ an toàn Covid-19” được kỳ vọng là kênh hỗ trợ đắc lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc thường xuyên khai báo y tế là điều cần thiết. Hiện việc khai báo y tế có thể tiến hành trực tiếp trên Zalo nhanh chóng và an toàn bằng 2 cách:
Cách 1: Người dùng quan tâm OA “Phòng chống virus Corona”, chọn “Khai báo y tế” tích hợp sẵn và hoàn thành tờ khai.
Cách 2: Đối với địa điểm yêu cầu quét mã QR để khai báo, người dân vào ứng dụng Zalo và chọn biểu tượng mã QR ở góc trên bên phải, sau đó hoàn thành tờ khai theo yêu cầu.
Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức và thực hiện theo khuyến cáo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế để góp phần bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bình luận