Loay hoay tìm người cầm trịch
Đã bốn tuần sau khi công bố thương vụ trị giá 7,2 tỉ USD với hãng điện thoại Phần Lan, Microsoft vẫn đang từng bước cụ thể hóa kế hoạch chuyển đổi từ một công ty phần mềm sang một hãng sản xuất thiết bị và dịch vụ. Sau buổi chia tay đầy nước mắt trước hàng ngàn nhân viên Microsoft, CEO Steve Ballmer sẽ chính rời công ty trong tháng 12. Để điều hành được một công ty công nghệ trị giá 16 tỉ USD là một điều không hề dễ dàng. Do đó, gương mặt sẽ ngồi vào chiếc ghế nóng mà Ballmer để lại vẫn chưa được xác định rõ.
Ai sẽ thay Ballmer lèo lái công ty 16 tỉ USD như Microsoft? |
Theo The Verge, 3 trong số 20 nhà đầu tư lớn của Microsoft đã đề cử Alan Mulally - CEO của Ford và Hội đồng quản trị của Microsoft cũng đang nghiêm túc cân nhắc việc chọn Alan thay thế cho Steve Ballmer. Bên cạnh việc giới thiệu CEO mới, các nhà đầu tư này cũng đã yêu cầu chủ tịch Bill Gates rời khỏi Hội đồng quản trị để tránh tác động lên những quyết định của CEO mới.
Tuy nhiên, khi được tờ USA Today hỏi về tương lai của mình, Alan Mulally khẳng định "Tôi yêu công việc ở Ford và không có gì mới ngoài việc tiếp tục phục vụ Ford". Đây có thể là một lời phủ định cho quyết tâm của Microsoft, hoặc có thể là một câu nói để tăng giá trị cho bản thân Alan Mulally.
Ngoài Alan Mulally, cựu CEO của Nokia Stephen Elop cũng là một ứng cử viên thay thế cho cương vị của Steve Ballmer. Dưới góc nhìn của giới quan sát, Elop có công đầu trong việc giúp Microsoft thâu tóm mảng di động của Nokia. Tuy nhiên, các thông tin bên lề cho thấy Elop sẽ phụ trách tiếp mảng di động vừa mua về, kiêm nhiệm luôn cả nhóm phát triển Xbox và máy tính bảng Surface.
Microsoft sẽ phá được "dớp" thất bại?
Ngoài "cơn đau đầu" khi tìm CEO mới, Microsoft cũng phải đối mặt với việc làm sao để tích hợp hiệu quả mảng di động sau khi mua về từ Nokia. Microsoft sẽ có thêm 32.000 nhân viên mới sau thương vụ này. Có thể Microsoft sẽ cắt giảm số nhân sự trên nhằm tiết kiệm chi phí, giống như cách mà Google từng làm sau khi mua lại Motorola.
Lịch sử cho thấy các nhà sản xuất điện thoại thường thất bại trên chính hệ điều hành của mình. |
Ngay cả khi tích hợp thành công mảng di động vào guồng máy của mình, Microsoft vẫn không thể đảm bảo nối tiếp được mạch chiến thắng của các smartphone Nokia hiện tại. Lịch sử cho thấy, ngoài Apple, các nhà sản xuất điện thoại thường không thành công với chính nền tảng của mình. Palm thất bại với Palm OS, Samsung vất vả với Bada lẫn Tizen, Nokia cũng èo uột với Symbian và BlackBerry vẫn loay hoay cải tiến hệ điều hành di động của mình bằng hạt nhân QNX. Với quá nhiều cái dớp thất bại như vậy, liệu Microsoft sẽ thành công khi sản xuất điện thoại sử dụng hệ điều hành Windows Phone "cây nhà lá vườn" ?
Không ai dám chắc điều này, bởi lẽ Windows Phone trên thực tế vẫn còn một khoảng cách khá xa so với Android và iOS. Windows Phone có giao diện hiện đại và được hậu thuẫn bởi công ty phần mềm lớn nhất thế giới, nhưng số ứng dụng cho nền tảng này vẫn ít ỏi. Bản thân Windows Phone cũng chưa thu hút được các nhà phát triển để làm phong phú cho kho ứng dụng của mình.
Microsoft sẽ chú trọng thiết bị hay dịch vụ?
Đây là câu hỏi lớn đặt ra cho Microsoft sau những bước chuyển mình quan trọng trong thời gian vừa qua. Apple là một nhà sản xuất thiết bị thành công bởi những sản phẩm ăn khách, trong khi Google đã tạo ra được một "hệ sinh thái" quy tụ được lượng người dùng trên toàn cầu và hàng trăm đối tác phần cứng.
Surface của Microsoft có sự khác biệt nhưng vẫn không bán chạy bằng iPad |
Cả hai công ty trên đều thành công nhờ bản sắc riêng, sở trường riêng, trong khi Microsoft đang trong giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn. Về phần mềm, Windows vẫn là hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới nhưng nhu cầu mua PC và laptop lại đang bão hòa, Windows RT gặp khó vì lượng tablet dùng nền tảng này không hút khách. Về phần cứng, những sản phẩm như tablet Surface hay smartphone Windows Phone vẫn chưa phải là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.
Giới quan sát nhận định rằng, để tiếp nối thành công trong quá khứ, Microsoft cần phải xác định rõ đường lối của mình. Câu hỏi cụ thể nhất mà hãng công nghệ Mỹ cần tự trả lời, đó là: "nên giống Apple hơn hay giống Google hơn?".