Ngày 15/10 vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm Nhà văn Đoàn Giỏi – Đại thụ phương Nam.
Sự kiện có sự tham dự của một số nhà nghiên cứu, dảng dạy văn học, các nhà văn, nhà thơ, như: PGS.TS Bùi Thanh Truyền, TS. Hà Thanh Vân, nhà văn Tô Hoàng, nhà văn Trần Đức Tiến, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, nhà văn Huỳnh Mẫn Chi, nhà văn Trần Quốc Toàn, nhà văn Phan Hồn Nhiên, nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, cùng các em sinh viên, học sinh và độc giả quan tâm đến thế giới văn chương của Đoàn Giỏi.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM, chia sẻ: Chính nhờ những tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi và nhà văn Vũ Hùng mà ông và bạn bè thế hệ ông mới hình dung được về miền Nam từ khi còn ở ngoài Bắc. Nếu không gian văn chương của Vũ Hùng là thiên nhiên Tây Nguyên thì Đoàn Giỏi là cảnh sắc và con người sông nước miền Tây.
Toạ đàm về nhà văn Đoàn Giỏi tại TP.HCM. Ảnh: Hoà Long. |
Nhà văn Tô Hoàng và nhà văn Trần Đức Tiến cũng đồng cảm với chia sẻ của nhà thơ Cao Xuân Sơn. Nhà văn Tô Hoàng nói: Nhờ các sáng tác của Đoàn Giỏi, với Đất rừng phương Nam, Tê giác trong ngàn xanh, Chuyện lạ về cá, Rừng đêm xào xạc… mà khi vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu, cảm giác mọi thứ đều thân thiết, như đã “thuộc lòng”, như đã “thấu hiểu” nơi đây.
Còn nhà văn Trần Đức Tiến, sau ngày đất nước thống nhất, mang theo tâm thế tò mò háo hức xem nhà văn Nam bộ viết có đúng không, ông đã phải ngã ngửa, giật mình, là sự thực có vùng đất diệu kỳ như trong văn của Đoàn Giỏi.
Có mặt tại buổi tọa đàm, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đã hồi tưởng lại cơ duyên đọc tác phẩm Đất rừng phương Nam sau năm 1975, rồi cuộc thiên di của gia đình vào Đồng Tháp sinh sống, để sau này bước vào nghề làm phim, thì Đất rừng phương Nam “ám” ông đến mức không thể không dựng thành phim.
Đạo diễn cũng tiết lộ, sắp tới sẽ bắt tay vào dự án phim điện ảnh chuyển thể từ truyện dài này, bởi 11 tập phim truyền hình Đất phương Nam từng làm say lòng người xem vẫn chưa “đã”, chưa khai thác hết được nguyên liệu từ tác phẩm văn học.
Tám tác phẩm mới được tái bản của nhà văn Đoàn Giỏi. |
TS. Hà Thanh Vân nhìn văn chương Đoàn Giỏi ở hướng tiếp nhận của độc giả hôm nay, bằng kết quả thăm dò 200 sinh viên khoa Ngữ văn các trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Đại học Thủ Dầu Một, Đai học Văn Hiến.
TS. Hà Thanh Vân cho biết: “Các sinh viên được khảo sát đều biết nhà văn Đoàn Giỏi, trong đó 152 bạn cho biết đã đọc trọn cuốn Đất rừng phương Nam. Đây là một tỷ lệ rất cao. Đối với độc giả trưởng thành, trong số 160 đối tượng được hỏi, thì 85 người cho biết có biết đến nhà văn Đoàn Giỏi, chiếm tỉ lệ 55% và từng đọc tác phẩm Đất rừng phương Nam.
Những tác phẩm khác của ông không được biết đến nhiều, có lẽ vì ít được đề cập đến trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như ít được xuất bản. Hy vọng loạt sách tái bản lần này sẽ là cơ hội để bạn đọc nhìn văn chương Đoàn Giỏi đầy đủ và trọn vẹn hơn.”
PGS. TS Bùi Thanh Truyền thì nhìn văn chương Đoàn Giỏi ở bút pháp xây dựng chân dung nhân vật qua 2 tác phẩm Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày và Trần Văn Ơn.
Ông cho rằng: “Sự khu biệt hóa thế giới nhân vật để nhắc nhở, lưu giữ ấn tượng thẩm mỹ cho người đọc còn đến từ hệ thống ngôn ngữ đầy biến ảo: ngôn ngữ tả đậm chất hội họa; ngôn ngữ kể trình hiện kiến thức thâm hậu về quân sự, trinh thám, khoa học tự nhiên, xã hội…; ngôn ngữ đối thoại đậm chất trào tiếu dân gian Nam Bộ; ngôn ngữ độc thoại với cái nhìn nội quan hóa, lộ thiện sống động con người bên trong con người,...
Đọc truyện, ta dễ nhận thấy “chất” Đoàn Giỏi qua bút pháp xây dựng nhân vật: luôn hy vọng, tin yêu con người; cách kể chuyện khá “tài tử”: khoáng đạt, không gò ép, buông bắt nhịp nhàng”.
Các nhà văn và người thân tới viếng mộ nhà văn Đoàn Giỏi. Ảnh: Hoà Long. |
Trước đó, nằm trong chuỗi hoạt động nhân tái bản bộ sách của nhà văn Đoàn Giỏi, gồm 8 cuốn, là: Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày, Trần Văn Ơn, Cá bống mú, Hoa hướng dương, Rừng đêm xào xạc, Cuộc truy tầm kho vũ khí, Chuyện lạ về cá, Tê giác trong ngàn xanh, NXB Kim Đồng đã tổ chức đi viếng mộ nhà văn Đoàn Giỏi tại Nghĩa trang TP.HCM, đã về quê thăm gia đình cố nhà văn và tặng 2.000 cuốn sách cùng 5 bộ sách Đoàn Giỏi mới tái bản cho thư viện trường THCS Đoàn Giỏi tại thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Nhà văn Đoàn Giỏi sinh năm 1925 tại Tiền Giang và mất năm 1989 tại TP.HCM. Tên ông đã được đặt cho một con đường ở quận Tân Phú, TP.HCM. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, đồng thời là uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam các khoá 1, 2 và 3. Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.