Nổi tiếng trong vai trò một kiến trúc sư, nhưng Tạ Mỹ Dương còn được yêu mến qua các bài viết đăng rải rác trên blog và nhiều tạp chí. Các bài viết của ông được tập hợp lại, in thành ba cuốn sách: Đá hát, Âm thanh cầu thang gỗ và Bên cạnh rong rêu.
Kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương. Ảnh: FBNV. |
Đá hát là một cuốn du ký, kể lại những địa danh nơi tác giả Tạ Mỹ Dương từng đi qua. Nhưng tác giả không đưa ra sự ngưỡng mộ, thán phục hay ngạc nhiên về vùng đất mới như nhiều cuốn du ký khác.
Bằng con mắt một kiến trúc sư, ông đưa ra những nhận xét, góc nhìn về kiến trúc, không gian, phân tích các công trình ở khía cạnh nhân văn của chúng. Đá hát được nhiều người gọi là một tập “du ký kiến trúc” chứa đựng sự lãng mạn, mộng mơ và những ký ức của kiến trúc.
Âm thanh cầu thang gỗ là cuốn sách thể hiện đúng nhất sở trường của tác giả, một kiến trúc sư. Sách đưa ra những cảm luận về nhà ở và đô thị. Tạ Mỹ Dương vốn sinh ra ở Hà Nội, nhưng lớn lên và sống tại TP.HCM.
Dù sống trong biệt thự phố Pháp hay nhà phố Sài Gòn, tác giả đều nhận diện được ưu thế giao hòa Đông – Tây trong những công trình kiến trúc di sản. Thông qua những cảm nhận, suy ngẫm, luận giải của mình, Tạ Mỹ Dương cho thấy cặp mắt tinh sành ở lĩnh vực kiến trúc. Ông thể hiện, biểu đạt những gì mình thấy bằng những ngôn từ, hình ảnh bình dị, gần gũi.
Ba cuốn sách mới ra mắt của Tạ Mỹ Dương. |
Cuốn sách thứ ba, gần với văn chương hơn cả là Bên cạnh rong rêu. Sách tập hợp các truyện ngắn, tản văn ghi chép về không gian phố, con người trước cuộc dâu bể.
Ở đó, tác giả luôn đắm mình vào Hà Nội của một thời quá vãng. Tạ Mỹ Dương viết về những chi tiết rất nhỏ bé, bình dị như cái đấm cửa, cái giếng trong sân vườn một biệt thự Pháp cũ, quả hồng bì, tiếng rao… Tất cả qua con mắt tinh tế của người viết đã kéo người đọc trở về với những gì tốt đẹp của vùng đất được tiếng là ngàn năm văn hiến.
Tạ Mỹ Dương cho biết không phải tự nhiên mà ông có thể “đẻ dày”, ra mắt ba cuốn sách cùng lúc. Các bài viết là tập hợp những bài trên blog Yahoo 360 khi xưa, đôi khi viết trên mẩu giấy trong lúc rong chơi, hoặc viết trên điện thoại.
Tác giả chia sẻ muốn mang cái nhìn của mình về kiến trúc đưa ra mọi người, để người đọc cảm thấy kiến trúc gần gũi, chứ không quá chuyên sâu, để mọi người cảm nhận kiến trúc là không gian sống chứ không chỉ là nơi trú ngụ.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng những ai làm về không gian (kiến trúc, hội họa…) dường như nhìn được nhiều điều hơn ở một vấn đề. Chính vì thế, Tạ Mỹ Dương từ nghề của mình, đã viết ra có văn, có tình, có hồn, viết chăm chỉ, để bây giờ có ba tập sách đầy đặn.