Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Khi loài cá biến mất': Thảm họa tận diệt của loài người

Đây không phải một cuốn sách chỉ nói về loài cá mà còn là một câu chuyện đồ sộ về thuyết tiến hóa và cách vận hành của vạn vật trên trái đất này.

Khi loài cá biến mất là một tác phẩm được chấp bút bởi Mark Kurlansky và họa sĩ minh họa Frank Stockton. Trước khi bắt đầu với nghiệp viết lách Mark từng là một ngư dân, thích câu cá và lênh đên trên biển.Chứng kiến đại dương đang bị phá hủy bởi con người, tác giả hy vọng cuốn sách sẽ như một hồi chuông cảnh tỉnh nhận thức của mọi người trước khi quá muộn.

Cuốn sách thể loại khoa học tự nhiên với những chương phần được chia tách rõ ràng để người đọc dễ dàng nắm bắt. Bám sát vào học thuyết tiến hóa chọn lọc của nhà nghiên cứu lỗi lạc Charles Robert Darwin, tác phẩm đã dẫn dắt người đọc từ những vấn đề sơ khai ban đầu nhất rồi dần kéo ngược trở lại thực tại.

Khi loai ca bien mat anh 1
Cuốn sách Khi loài cá biến mất.

Những chương đầu chủ yếu đề cập tới sự phát triền và hình thành của loài cá từ đó ngành ngư nghiệp ra đời kéo theo hệ lụy khôn lường khi lạm dụng đánh bắt hải sản quá mức.

Mark Kurlansky dành phần lớn thời lượng cuốn sách của mình để phân thích vấn đề đánh bắt cá bừa bãi. Cá cung cấp một lượng protein rất tốt cho cơ thể và loài người từ thời kỳ cổ xưa đã nhận thức được nguồn thực phẩm quý giá này trong tạo hóa.

Nhưng cuộc cách mạng công nghiệp, đầu máy hơi nước ra đời kéo theo những loại tàu đánh bắt mang tính chất hủy diệt. Những nghiệp đoàn nghề cá có thể tuyệt diệt một vựa hải sản chỉ sau một đêm bằng cách sử dụng lưới quét.

 

Cá biến mất sẽ dẫn đến sự mất cân bằng về chuỗi thức ăn, kéo theo những loài động, thực vật khác biến mất. Toàn bộ hệ sinh thái của đại dương đang đứng trước nguy cơ bị biến mất hoàn toàn trong tương lai không xa và loài người sớm muộn sẽ trở thành nhân chứng bất lực của cuộc đại hủy diệt.

 

Cá, nguồn thực phẩm cần thiết với con người đã kéo theo sự tiến bộ của văn minh nhân loại, thậm chí sức mạnh này còn lớn lao tới nỗi việc tồn tại của chúng còn ảnh hưởng mạnh mẽ lên các thể chế chính trị. Cuốn sách lấy ví dụ minh họa về cuộc đụng độ trên biển của tàu đánh cá Anh và lực lượng tuần tra bờ biển Iceland, dấy lên cuộc chiến tranh Cá Tuyết và phải giải quyết vấn đề tranh chấp trên tòa án quốc tế.

 

 

Khi loai ca bien mat anh 2
Tác giả Mark Kurlansky là người dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động bảo vệ môi trường và đặc biệt là biển. Ảnh: Tasting Australia. 

 

Mỗi ngư trường cá là một “mỏ vàng” sống của nền kinh tế. Mặc dù những vấn đề được đề cập trong cuốn sách có vẻ to tát nhưng cách dẫn dắt của tác giả Mark Kurlansky lại vô cùng ngắn gọn, khúc chiết và súc tích. Bởi đối tượng hướng đến của Khi loài cá biến mất không chỉ là người trưởng thành, mà còn phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu khoa học của độc giả trẻ.

Đánh bắt cá bừa bãi tạo nên một hiệu ứng cánh bướm khiến toàn bộ đại dương bị ảnh hưởng. Nếu không có sự chung tay của mọi người vấn đề sẽ lại quay trở về tình trạng “cha chung không ai khóc” và hàng tấn cá sẽ lại bị đổ phí phạm ra biển bởi những hạn ngạch và luật lệ vô lý.

Vô hình trung loài người đang tự treo đầu mình lên máy chém chờ ngày hành quyết khi tán phá tự nhiên biển không thương tiếc. Điều này phản ánh rõ ràng nhất, đồng thời cũng là nét chấm phá khác biệt của cuốn sách thông qua mẩu truyện tranh nhỏ của cha con Kram và Ailat. Câu chuyện kết thúc với một câu hỏi như xoáy vào tâm can người đọc của cô con gái Ailat khi hướng đôi mắt ra bờ đại dương đang chết và tò mò: “Mẹ ơi, cá là gì ạ?”

Ở nửa cuối của cuốn sách tác giả đã đề cập tới việc xả thải ô nhiễm môi trường cũng tác động không hề nhỏ đến môi trường sống của các sinh vật đại dương. Hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến cá không còn nhận được vị mặn của đại dương để sinh sản.

Một phần đáng tiếc ở Khi loài cá biến mất đó là cách triển khai giải pháp của tác giả. Những cách đấu tranh còn mang nặng tính lý thuyết rất khó để áp dụng hoặc có thể chiều sâu mâu thuẫn quá lớn không thể giải quyết một cách triệt để. Có vẻ như ngay cả Mark Kurlansky cũng cảm thấy đuối sức khi muốn cứu thoát đại dương.

Mark Kurlansky đã phơi bày một trong những thảm họa ít được biết đến trong thời đại của chúng ta. Một cuốn sách đặc biệt phù hợp trong tình hình bối cảnh thiên nhiên đang bị ô nhiễm hiện tại.

Gia Hạ

Bạn có thể quan tâm