Đây chính là thông điệp mà nhà văn người Mỹ, Matthew Quick muốn gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết viết cho thanh thiếu niên Chết đi cho rồi, Leonard Peacock.
Bên cạnh câu chuyện về một chàng trai mười bảy tuổi đang muốn nổi loạn bởi sự cô đơn, u uất và trầm cảm là những bài học ý nghĩa về giáo dục khiến các bậc phụ huynh và giáo viên phải thức tỉnh!
Nhân vật chính của tác phẩm là Leonard, một thiếu niên tội nghiệp sinh ra trong một gia đình không có hạnh phúc. Cha của cậu là ngôi sao nhạc rock đã hết thời, suốt ngày chìm đắm trong rượu để nuôi lại những ảo mộng về quá khứ huy hoàng. Còn mẹ của Leonard là một nhà thiết kế thời trang suốt ngày chỉ quan tâm tới vải vóc và người tình trẻ tuổi. Với bà, xu hướng mới nhất ở New York luôn quan trọng hơn cậu con trai 17 tuổi.
Dần dần, Leonard quen với cuộc sống một mình, cậu bé cảm thấy cô đơn và học các khép mình lại ở một mức tối đa. Thay vì chia sẻ, tâm sự với những người xung quanh, chàng trai tội nghiệp lại độc thoại với chính mình. Ngay cả cậu bạn thân tủ thuở nhỏ là Asher cũng cho rằng Leonard là kẻ lập dị.
Để giải tỏa những mặc cảm, đứa trẻ tội nghiệp ấy lại tìm cách tự hủy hoại bản thân mình. Ban đầu Leonard chỉ dừng lại ở việc cắt một kiểu đầu hầm hố, xỏ thêm khuyên tai. Nhưng khi sức chịu đựng trước những tổn thương về tâm lý đã lên đến cực điểm Leonard đã quyết định tự tử, với cậu “chết đi cho rồi” có khi còn thoải mái hơn.
Trước khi chết, Leonard vẫn muốn để lại cho những người mà cậu yêu quý những món quà từ tận đáy lòng. Đó là một số tiền để cậu bạn thiên tài violon Baback có thể tiếp tục nuôi giấc mơ đấu tranh cho nền dân chủ ở quê hương Iran xa xôi. Sợi dây truyền có cây thánh giá là món quà Leonard dành tặng Lauren, cô gái mà cậu thầm thích nhưng vẫn chưa có cơ hội ngỏ lời. Nhưng đó chưa phải là món quà quan trọng nhất!
Kỷ vật mà Leonard trân trọng nhất chính là Huy chương Sao Đồng mà ông nội cậu dành được trong Đại chiến thế giới thứ hai. Đây sẽ là món quà tuyệt vời nhất dành cho thầy giáo lịch sử Herr Silverman. Chính những tiết học của thầy là sợi dây cuối cùng níu kéo chàng thiếu niên tội nghiệp ở lại với cuộc sống. Dường như thầy là người duy nhất không coi Leonard là “kẻ lập dị”.
Nhân vật Silverman là một hình tượng đẹp về người thầy. Linh cảm được điều gì đó chẳng lành từ những biểu hiện của cậu họ trò tội nghiệp, người thầy ấy đã ngăn được ý định tự tử của Leonard. Thầy Herr Silverman đã đi vào tận ngóc ngách sâu kín nhất trong tâm hồn Leonard để chữa lành những thương tổn và truyền cho cậu tình yêu cuộc sống.
Tiểu thuyết Chết đi cho rồi, Leonard Peacock. |
Là người đồng tính, thầy Herr Silverman cũng đã từng chìm đắm trong nỗi cô đơn và mặc cảm. Nhưng dần dần, thầy nhận ra rằng cuộc sống này rất đẹp và chúng ta không bao giờ được phép lãng phí cuộc sống của mình vì định kiến của kẻ khác.
Câu nói giản dị của thầy Herr Silverman ở cuối cuốn tiểu thuyết sẽ khiến độc giả phải suy ngẫm: “Rằng chúng ta nên chấp nhận sự khác biệt? Chúng ta nên khoan dung với nhau”. Mở lòng để đón nhận một ai đó cũng chính là cách để yêu thương.
Chết đi cho rồi, Leonard Peacock không chỉ được độc giả trẻ ở Mỹ đón nhận nồng nhiệt mà nó còn được giới phê bình và các nhà tâm lý giáo dục học đánh giá cao. Không chỉ là một cuốn tiểu thuyết đơn thuần, bên trong tác phẩm còn ẩn chứa nhiều thông điệp về giáo dục khiến các bậc phụ huynh phải suy ngẫm.
Với Matthew Quick, những đứa trẻ không chỉ cần được giáo dục mà trước hết chúng phải được thấu hiểu. Và quan trọng hơn, giáo dục là một quá trình cần sự lắng nghe và đồng hành chứ không phải là sự áp đặt đến từ một phía. Sự nổi lọan nào cũng có lý do của nó. Để kéo một đứa trẻ đang nổi loạn trở về quỹ đạo bình thường, điều đầu tiên mà một người thầy nên làm là học cách trở thành một người bạn.