Sau khi ra mắt Tưởng tượng và dấu vết, Sương mù tháng Giêng, Uông Triều tiếp tục thể hiện sự tìm tòi trong hình thức viết với tiểu thuyết Người mê. Nhà văn trò chuyện về tác phẩm vừa ra mắt.
- Trong khi nhiều tác phẩm tình yêu thanh xuân đang ăn khách, vì sao anh viết câu chuyện tình yêu của một ông già trong "Người mê"?
- Tôi cảm giác các nhà văn đã quên mất người già. Xã hội bây giờ người già rất nhiều, nhưng bộ phận ấy đã bị lãng quên. Tôi nghĩ chính sau này mình cũng sẽ già đi. Và tôi muốn khám phá mảng đề tài ấy. Tôi muốn chọn con đường ấy để khai phá vùng đất mới đang còn trống vắng.
Tiểu thuyết Người mê. |
- Khai phá vùng đất mới, anh gặp khó khăn gì?
- Khó khăn đầu tiên chính là bản thân, bởi tôi luôn buộc mình phải viết khác mình. Trước đây tôi đã viết tiểu thuyết lịch sử, hậu hiện đại. Đến cuốn này tôi muốn khác mình đi, giảm kỹ thuật viết để đỡ rối rắm, tôi muốn bạn đọc dễ tiếp cận hơn.
Thứ hai, tôi chưa già nên chưa thật hiểu tâm lý lứa tuổi. Bù lại, xung quanh tôi có nhiều người già, họ không khó quan sát lắm. Họ có bi kịch, nỗi buồn và cả niềm vui của họ.
Điều quan trọng vẫn là cách viết thôi. Công việc của nhà văn vốn là tưởng tượng.
- Trong “Người mê”, nhân vật không có tên, mọi định danh trong đời sống đều bị cất bỏ. Anh chủ đích dấu những thứ cục thể như vậy?
- Đúng vậy. Tôi không muốn viết về số phận của người già ở địa phương nào, mà đó là số phận chung của người già ở mọi nơi trên thế giới. Vì thế các thành thị, cơ quan, địa danh… đều phiếm chỉ, tên người là viết tắt. Tôi muốn hướng tới mẫu số chung, chứ không cụ thể.
Bi kịch của người già là vậy, con cái không cần họ mà chỉ cần tiền, vô vàn rắc rối xảy đến, trong đó tình cảm, tình yêu cũng là một vấn đề. Bi kịch ấy, ai cũng phải trải qua.
- Nhiều người cho rằng về già là an nhàn hưởng thụ. Anh có chủ quan không khi cho rằng cuối đời ai cũng gặp bi kịch?
- Vấn đề lớn nhất của người già là sự ám ảnh bệnh tật, cái chết. Tuổi trẻ con người ta có thể chinh phục, hoài bão... nhưng khi về già, mọi thứ đều phụ thuộc vào sức khỏe.
Như trong sách của tôi, các nhân vật rơi vào trạng thái ấy. Nhân vật chính thì vợ chết, con không cần, nhường tài sản cho con rồi sống trong cô đơn. Ông bố của nhân vật chính thì bị điếc, không tự mình di chuyển được. Ông anh của nhân vật chính suốt ngày đi chơi cờ với những người bạn già để giết thời gian.
Không phải tất cả người già đều gặp bi kịch, nói đúng hơn là ai cũng gặp vấn đề, bởi hiển nhiên người già sẽ tiến tới cái chết.
Tôi muốn lý giải quy luật tự nhiên đó, thông qua tác phẩm của mình.
- Trong tiểu thuyết, hình ảnh cái mụn thịt trên mặt lão già xuất hiện nhiều lần, thậm chí có thể đối thoại với chính lão già. Anh có ý đồ gì khi xây dựng hình ảnh đó?
- Cái mụn thịt là một khiếm khuyết của con người. Mỗi người dù trẻ hay già đều có khiếm khuyết, và phải sống chung với nó. Khiếm khuyết giúp con người ta sống khiêm nhường hơn. Tôi để cái mụn thịt trưng ra trước mỗi bi kịch, tội lỗi là vì thế.
Cùng với cái mụn thịt, tôi cũng xây dựng hình ảnh cái bình sứ. Cái bình sứ mà lão già trộm tiền của mẹ để mua khi xưa, chính là lỗi lầm trong quá khứ. Qua năm tháng, nó vẫn còn đó như nhắc nhở nhân vật rằng nếu có tội lỗi, thì không thoát được. Khi cái bình sứ vỡ, tức tội lỗi đã tan đi.
Sâu hơn tội lỗi, tôi muốn nói đến sự giải thoát. Không chỉ cái bình sứ vỡ tan, mà cuối cùng, nhân vật cũng tìm đến cái chết hoàn toàn nhẹ nhàng thanh thoát. Đó là cái chết nhẹ bẫng của đời người: Ông nhắm mắt và nhảy xuống giếng.
Hai tiểu thuyết "Tưởng tượng và dấu vết" và "Sương mù tháng Giêng" của Uông Triều. |
- Tại sao anh “làm khó” độc giả bằng cách viết không rạch ròi lời thoại của các nhân vật như vậy?
- Tôi có tìm tòi nhất định trong cách viết. Trong Người mê, tôi không tách bạch đối thoại, đôi khi không tách lời nhân vật này với nhân vật kia; hoặc các nhân vật trùng lặp nhau trong lời nói.
Với cách viết dính liền các đối thoại, tôi muốn kích thích suy nghĩ của độc giả để bạn đọc suy nghĩ một chút, xem câu đó ai nói ra, tâm trạng như nào. Tôi muốn kích thích tư duy người đọc.
Viết như thế cũng là cách tôi tự làm khó mình. Tôi không muốn tạo sự dễ dãi cho chính mình.
- Hình thức viết có vai trò gì với anh?
- Hình thức viết tiểu thuyết với tôi rất quan trọng. Nội dung câu chuyện của tôi có khi không hay bằng câu chuyện của bà bán nước, anh xe ôm; bởi họ kể những câu chuyện rất sốc, ly kỳ.
Với tôi, điều quan trọng với một nhà văn chính là hình thức, kỹ thuật kể, thái độ, tư tưởng, ngôn ngữ...
- Nhưng không ít người cầm bút cho rằng một tác phẩm hay là kể câu chuyện “chạm tới tim độc giả”. Anh nghĩ sao về quan điểm đó?
- Đó cũng là một cách. Đôi khi nhà văn cũng không cần “uốn éo”. Nhưng nếu đi theo cách đó, ta phải vấp rào cản là vô vàn cái cảm động như vậy. Khi mà câu chuyện nào cũng xúc động, ly kỳ giống nhau, thì sao có thể tiến lên về mặt thể loại?
- “Người mê” đã phát hành tới tay độc giả, đến giờ anh có hài lòng với tác phẩm này?
- Tôi không đọc lại tác phẩm của mình, giờ tôi đã chuyển sang viết cuốn khác. Tôi có vui mừng vì sách đã ra mắt, nhưng không quá mức. Cảm giác nhẹ nhõm vì không biết bao giờ mình lại làm được một việc như thế nữa.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng: Bằng cách tổ chức linh hoạt điểm nhìn bên trong nhân vật, tạo dựng liên tục những tiết đoạn độc thoại và đối thoại nội tâm, sử dụng hiệu quả ngôn ngữ dòng ý thức, Uông Triều đã truy tìm, khám phá những bí ẩn và sự biến thiên phức tạp trong chiều sâu tâm hồn con người, lý giải những góc khuất sinh tồn lạ lẫm, mới mẻ trong thế giới nhân sinh bề bộn, đa tạp, nhiều chiều.
Tiến sĩ Phan Tuấn Anh: Milan Kundera trong Nghệ thuật tiểu thuyết từng viết: “Nhân vật không phải là sự mô phỏng một con người sống thật. Đó là một con người tưởng tượng… Nhưng chớ lẫn lộn hai thứ: một bên có loại tiểu thuyết khảo sát kích cỡ lịch sử hiện sinh của con người, một bên khác là loại tiểu thuyết minh họa một hoàn cảnh lịch sử”.
Trong làng văn chương Việt Nam đương đại, số người chăm chú khảo sát thân phận của tưởng tượng hay tình thế hiện sinh của tinh thần là không nhiều, số thành công lại còn ít hơn, nhưng trong số ít ỏi ấy, chúng ta có Uông Triều.