Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cùng viết tiểu thuyết về thời Trần có phải là đạo văn ?

Viết về nhân vật Trần Khánh Dư, lấy bối cảnh thời Trần, tác phẩm của Uông Triều và Bùi Việt Sỹ kể hai câu chuyện khác nhau. Nhưng Bùi Việt Sỹ cho rằng Uông Triều “đạo” văn mình.

Mới đây, nhà văn Bùi Việt Sỹ lên tiếng, cho rằng nhà văn Uông Triều đã lấy một số chi tiết trong tiểu thuyết Chim ưng và chàng đan sọt của ông để sáng tạo tác phẩm Sương mù tháng giêng.

Tieu thuyet lich su,  Tran Khanh Du anh 1
Nhà văn Bùi Việt Sỹ.

8 chi tiết trùng hợp giữa 2 tác phẩm

Chim ưng và chàng đan sọt là tác phẩm của Bùi Việt Sỹ, được giới thiệu một nửa trên tạp chí Nhà văn và Tác phẩm (số tháng 5 – 6 năm 2014), sau đó được giải thưởng cuộc thi Tiểu thuyết của Hội nhà văn, in thành sách bởi NXB Hội nhà văn đầu năm 2016. Sương mù tháng Giêng là tiểu thuyết của Uông Triều, được NXB Trẻ in và phát hành đầu năm 2015. Cả hai tác phẩm đều là tiểu thuyết lịch sử, lấy bối cảnh nhà Trần, cùng có nhân vật Trần Khánh Dư.

Tuy nhiên, mới đây ông Bùi Việt Sỹ cho rằng Uông Triều lấy 8 chi tiết và “phần xương sống” tiểu thuyết của mình. Trong đơn thư gửi cơ quan truyền thông, nhà văn Bùi Việt Sỹ liệt ra các chi tiết hai tác phẩm giống nhau. Chính sử viết Trần Khánh Dư mặc áo ngắn, đội nón lá, nhưng Bùi Việt Sỹ viết thành Khánh Dư mặc “áo tơi, đội nón lá”. Ông Sỹ cho rằng Uông Triều cũng lấy chi tiết áo tơi, nón lá của ông đưa vào Sương mù tháng Giêng.

Trong chính sử, Trần Hưng Đạo được phong Quốc công tiết chế vào năm 1283, nhưng ông Bùi Việt Sỹ hư cấu, cho Hưng Đạo được phong chức vào 2/1282. Còn Uông Triều, cho Trần Hưng Đạo thống lĩnh quân binh vào tháng Giêng năm 1282.

Trong Chim ưng và chàng đan sọt, Bùi Việt Sỹ cho Trần Khánh Dư “ngủ” với chị Cả Lưu, còn trong Sương mù tháng Giêng, Khánh Dư có quan hệ với nhân vật Từ Ô.

Tác phẩm Bùi Việt Sỹ viết Khánh Dư thích kiếm vào vai Quốc Nghiễn để mở đường chạy thoát. Còn Uông Triều viết ngược lại, Khánh Dư để Quốc Nghiễn đâm vào vai mình, để Quốc Nghiễn rửa hận.

Cho rằng tác phẩm của mình ra mắt trước (ra mắt một phần năm 2014), Bùi Việt Sỹ cáo buộc Uông Triều “ăn cắp trắng trợn” tác phẩm của ông.

Uông Triều: Tiểu thuyết lịch sử là đất quen, tại sao tôi phải đạo?

Tieu thuyet lich su,  Tran Khanh Du anh 2
Nhà văn Uông Triều.

Khi được hỏi về việc bị tố “đạo văn”, nhà văn Uông Triều tỏ ra rất giận dữ. Anh cho biết ban đầu dự định không lên tiếng, vì cảm thấy những chi tiết mà nhà văn Bùi Việt Sỹ đưa ra không đáng để tranh luận. Uông Triều cho rằng, viết tiểu thuyết lịch sử, lấy những chi tiết, nhân vật, văn hóa sử ra làm chất liệu, ắt sẽ có những chi tiết giống nhau, anh hay Bùi Việt Sỹ, hay tác giả nào viết tiểu thuyết lịch sử cũng như vậy. Nhưng một khi Bùi Việt Sỹ đã đưa vấn đề lên báo chí, thì Uông Triều cho rằng mình cũng cần có đôi lời đáp lại cho rõ.

Uông Triều lý giải từng chi tiết trong sách của mình. Anh nói chi tiết Trần Khánh Dư có quan hệ nam nữ với chị nông dân ở bến Bình Than, hư cấu vậy bởi thực tế Trần Khánh Dư là người trăng hoa, công chúa có chồng ông còn ngủ được, nên việc ngủ với thôn nữ là chuyện đương nhiên, ta chẳng có gì phải bàn cãi.

Còn chuyện tháng Giêng, sự kiện vua Trần phong tước cho Trần Quốc Tuấn, bởi theo sử, lúc đó tinh thần đánh giặc đang lên rất cao, nên Uông Triều để cho vua phong chức cho Trần Quốc Tuấn nhằm đẩy cao ý chí đánh giặc trong quân.

Về nhân vật Trần Khánh Dư, Uông Triều cho rằng đây chỉ là nhân vật chính chứ không phải trung tâm trong Sương mù tháng Giêng. “Tôi viết về thời Trần vì đây là giai đoạn hào hùng trong lịch sử. Tôi viết về Trần Khánh Dư vì nhân vật này có mấy đặc điểm có thể khai thác, đó là tính trăng hoa của Trần Khánh Dư, và sự dũng mãnh của ông ấy”.

Với các chi tiết như “hộc lương” chứ không phải “thạch lương”, hay dùng lửa đốt thuyền, hay chuyện cướp lương của địch, Uông Triều bảo trong binh pháp, quân sự trước đây đều có chuyện như vậy, đó đâu phải là độc quyền của Bùi Việt Sỹ.

Uông Triều chia sẻ từ khi cầm bút, anh thường viết truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu lịch sử. Văn học sử là mảnh đất anh thuận tay nhất. Hơn nữa, quê hương anh ở Quảng Ninh, vùng Đông Triều nơi có nhiều vết tích nhà Trần anh thường dẫn học sinh tới khi còn là giáo viên. “Vùng đất gắn với Trần Khánh Dư, đó cũng là vùng đất mà tôi có hiểu biết, nên tôi mới đặt bút viết” – Uông Triều nói.

Tác giả Sương mù tháng Giêng khẳng định: “Tôi khẳng định không đạo văn, không tham khảo Bùi Việt Sỹ. Tôi viết cuốn này hoàn toàn độc lập. Không dựa vào tiểu thuyết hay trích đăng Bùi Việt Sỹ”.

Tieu thuyet lich su,  Tran Khanh Du anh 3
Các tác giả thường dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư để viết tiểu thuyết lịch sử. Trong ảnh, nhân vật Trần Khánh Dư được họa sĩ Thành Phong vẽ mặc áo tơi, đội nón lá, chứ không chỉ Bùi Việt Sỹ hay Uông Triều cho Khánh Dư mặc trang phục này.

 

Biên tập viên nói gì?

Cho tới nay, có rất ít người đã đọc cả hai tác phẩm Chim ưng và chàng đan sọt (Bùi Việt Sỹ) và Sương mù tháng giêng (Uông Triều). Nhà văn Trương Quý là người đã đọc cả hai tác phẩm. Trong vai trò một biên tập viên của Nhà xuất bản Trẻ, Nguyễn Trương Quý đã tiếp nhận và đọc bản thảo hai tác phẩm, thẩm định để chọn in. Cuối cùng anh và các biên tập viên nhà xuất bản chọn in Sương mù tháng Giêng.

Trương Quý nói khi đọc hai tác phẩm, anh không thấy hai tiểu thuyết này giống nhau. Bởi cuốn của Bùi Việt Sỹ viết về Trần Khánh Dư và Phạm Ngũ Lão theo lối tuyến tính, còn cuốn của Uông Triều viết bao quát về vương triều Trần với cấu trúc lồng ghép nhiều giọng kể theo tám chủ đề. Sự nỗ lực tìm một cách kể không quen thuộc có thể là một yếu tố khiến người biên tập chọn.

Về một số chi tiết mà tác giả Bùi Việt Sỹ cho rằng hai tác phẩm giống nhau, Nguyễn Trương Quý cho rằng đó chỉ là điểm gặp, điểm giống ngẫu nhiên rất mờ nhạt trong tổng thể. “Khi viết tiểu thuyết lịch sử, trong trường hợp họ bám chặt nguồn sử liệu, thì dễ có những điểm gặp nhau. Ngoài ra, khi đi tìm những mô-típ liên quan các thành tố văn hóa của cộng đồng đã được định nghĩa, dễ bị xảy ra những chi tiết giống nhau. Ví dụ chuyện nhân vật mặc áo tơi, đội nón lá, nó là truyền thống người Việt xưa, nó bình thường như chuyện người Việt ăn cơm bằng bát đũa. Chi tiết đó phổ biến, khó lòng mà nói ai đạo ai được".

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm