Nội dung cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Uông Triều có thể tóm lược một cách rất đơn giản. Đó là một mối tình ngang trái giữa một người đàn ông sáu mươi tuổi và một cô gái hai mươi. Nhưng đây mới chỉ là “bề nổi” của “tảng băng chìm” trong biển sâu mênh mông của câu chữ. Còn rất nhiều thông điệp khác mà tác giả muốn gửi gắm bên trong câu chuyện tình bất thường của mình. Đó là những câu chuyện không thuộc về tình yêu.
Rõ ràng, Uông Triều đã đặt hai nhân vật của mình, và đặc biệt là nhân vật người đàn ông vào tình huống hiếm gặp và nhiều nghi vấn. Những mối tình quá chênh lệch về tuổi tác dường như chỉ nên tồn tại trong sách vở. Nếu những mối tình “lệch pha” ấy diễn ra ở trong cuộc sống thực, chắc chắn người trong cuộc sẽ gặp rất nhiều rắc rối.
Bằng khuynh hướng sáng tác mang đậm tính hiện thực, tác giả không đưa các nhân vật của mình vào một sự lý tưởng hóa xem chừng đã sáo rỗng của dòng tiểu thuyết lãng mạn. Anh đã đặt các nhân vật của mình vào thực tế đời sống, buộc họ phải đối mặt với luân lý và những định kiến của xã hội.
Bằng lý trí và nhận thức của một người trưởng thành, nhân vật người đàn ông biết mình không sai, pháp luật không ngăn cấm ông yêu một cô gái đáng tuổi con gái mình. Nhưng “tất nhiên ông biết trên đời này không chỉ có pháp luật”, chính suy nghĩ này đã thức tỉnh nhân vật này thêm một lần nữa.
Ông nhận ra những quy phạm đạo đức vô hình trong xã hội. Nó như một hệ thống “pháp luật thứ hai”, một hệ thống luật “bất thành văn” mà con người phải tuân theo. Và theo thứ luật lệ này ông đã sai phạm nặng nề. Với tư cách một người cha, ông hoàn toàn đuối lý trước cô con gái.
Sau đó, nhân vật tiếp tục phải tiếp đón nhiều người thân đến “chất vấn” ông về mối quan hệ mà họ cho là “đáng xấu hổ” đó. Nhân vật chính chợt nhận ra rằng: trước khi là một người đàn ông, một con người có quyền tự do yêu đương, ông còn là con, là chú, là cha…của những người khác. Ông có trách nhiệm phải hoàn thành những vai trò ấy.
Đó không chỉ là những mối quan hệ được ràng buộc bởi huyết thống mà nó còn bị đặt trong những quy chuẩn về xã hội nhất định. Nếu ông làm gì sai, những người thân của ông cũng bị xã hội phán xét. Đến đây, tác giả đã đặt ra một vấn đề đó là mối liên hệ qua lại giữa con người cá nhân và con người xã hội trong đời sống. Con người cá nhân đôi khi bị chi phối bởi những chuẩn mực đạo đức của xã hội và bị lấn át bởi con người xã hội.
Tiểu thuyết Người mê của nhà văn Uông Triều. |
Nói đến đây, ta quay ngược trở lại vấn đề và cùng trả lời một câu hỏi: “Liệu tình cảm của người đàn ông và cô gái tên H có phải là tình yêu hay không, hay đó chỉ là khoái cảm của con người cá nhân trước cái mới”? Phải khẳng định là nhân vật người đàn ông đã sống một cuộc đời rất tẻ nhạt như một sự sắp xếp đã được định sẵn từ công việc đến hôn nhân. Việc mở quán café hay cuộc tình với H, chính là hành trình nhân vật chính đi tìm lại “cái tôi cá nhân”, kháng cự lại cuộc sống nhàm chán khiến người ta sợ hãi.
Trong đời, tình yêu đích thực chỉ có một, nhưng những thứ na ná tình yêu tồn tại rất nhiều. Con người phải tỉnh táo để không bị ngộ nhận và mê muội trước những ảo ảnh của tình cảm. Đọc Người mê ta còn thấy được chân dung của một độc giả thuộc hàng “lão luyện” bên cạnh con người tác giả của Uông Triều. Ẩn chứa trong Người mê là hình bóng của một số tác phẩm kinh điển. Phải chăng ngoài câu chuyện của đời sống, còn có những thông điệp của văn chương mà nhà văn muốn gửi gắm tới độc giả.
Với Người mê tình yêu chỉ là một cái cớ, một cái cớ hợp lý và trọn vẹn để tác giả nói về những điều còn đáng sợ hơn cả tình yêu tan vỡ. Đó là sự biến mất của “cái tôi cá nhân”. Xã hội được tạo ra từ nhiều cá thể động lập, nhưng trong dòng chảy của xã hội, con người dường như đang bị “hòa tan” vào nhau. Nhiều người dần sống theo những khuôn mẫu có sẵn để bảo toàn lợi ích cho mình và những người xung quanh. Bởi thế, đôi lúc họ quên mất mình là ai và mình thực sự muốn gì?