Một mặt, nhiều gia đình gốc Á ở Mỹ không tin tưởng các biện pháp phòng chống dịch và lo ngại về nạn phân biệt chủng tộc. Mặt khác, họ hài lòng với phương pháp học trực tuyến và không tìm ra lý do để mạo hiểm sức khỏe của gia đình, theo Washington Post.
Học từ xa có tốt cho trẻ gốc Á?
Ở New York, trẻ em người Mỹ gốc Á chỉ chiếm 12% số trẻ quay lại trường học, dù thực tế nhóm này chiếm khoảng 18% tổng số học sinh trên toàn thành phố.
Tại bang Tennessee, chưa đến một nửa số hộ gia đình người gốc Á đăng ký cho con học trực tiếp tại trường công lập Metro Nashville, so với gần hai phần ba trẻ em da trắng.
Bang Chicago cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Tại đây, hai phần ba sinh viên da trắng chọn đến trường trong khi nhóm sinh viên châu Á, da đen và gốc Latin chỉ chiếm một phần ba.
Bà Mya Baker từ tổ chức phi lợi nhuận TNTP cảnh báo nguy cơ giáo dục đối với nhóm người gốc Á trong bối cảnh đại dịch hoành hành. Bà Baker khẳng định cộng đồng người châu Á nhập cư và tị nạn đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một sinh viên người Mỹ gốc Á trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: AP. |
Giống như học sinh da màu và gốc Latin, học sinh gốc Á cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như nghèo đói, rào cản ngôn ngữ và điều kiện học tập thiếu thốn.
Ở thành phố New York, hơn 1/5 người gốc Á đang sống trong cảnh túng thiếu. Đây là số liệu cao thứ hai so với bất kỳ nhóm chủng tộc hay sắc tộc nào.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, gần 30% người châu Á ở Mỹ đang sống trong các hộ gia đình đa thế hệ. Họ cũng là nhóm sắc tộc có sự phân biệt giai cấp rõ ràng nhất.
Bà Baker nhận xét: “Ai cũng nghĩ trẻ em châu Á có thể học tốt khi ở nhà. Nhưng chúng ta đang nói đến các hộ gia đình đa thế hệ và không nói tiếng Anh. Phương pháp này sẽ làm khó những trẻ vốn không học tốt”.
Do đó, bà Baker mong muốn các trường học phải nỗ lực gấp đôi để tiếp cận các gia đình gốc Á, để trấn an rằng con cái họ sẽ được an toàn khi ở trường học.
Lo ngại khi đến trường
Khi còn tại nhiệm, cựu Tổng thống Donald Trump từng sử dụng một số cụm từ mang tính phân biệt chủng tộc để nói về đại dịch Covid-19. Các nhà phê bình đã cảnh báo việc dùng từ như vậy có thể kích động làn sóng thù hận, bạo lực nhắm vào người gốc Á.
Trong năm qua, tại ga tàu điện ở New York, một người đàn ông Philippines đã bị đâm bằng dao. Hai người phụ nữ châu Á khác bị đấm vào mặt và xô ngã xuống đất. Ở Los Angeles, một người đàn ông cũng bị đánh tại trạm xe bus trong khi một cụ ông người Thái Lan tử vong vì bị xô đẩy.
Không rõ các vụ việc nêu trên có động cơ gây án là phân biệt chủng tộc hay không. Song Mỹ ghi nhận xu hướng bạo lực gia tăng nhắm vào cộng đồng gốc Á. Trước tình hình này, nhiều gia đình châu Á càng thêm lo lắng khi cho con quay lại trường học.
Luật sư về dân quyền Liz OuYang từ Đại học Columbia cho biết một số gia đình người Mỹ gốc Á cảm thấy sợ hãi mỗi khi ra ngoài. Theo OuYang, nhiều bậc phụ huynh và học sinh gốc Á đã bị người lạ quấy rối, la ó rằng “Hãy nói tiếng Anh đi” hoặc “Về nước đi”.
Ở khu Chinatown của thành phố New York, một người mẹ đã cho con học tại nhà, sau khi đứa trẻ bị quấy rối trên tàu điện ngầm. Nhiều gia đình khác sợ ra khỏi nhà đến mức nhà trường phải trích quỹ để gửi nhu yếu phẩm cho học sinh.
Anna Perng, người đồng sáng lập một dự án xã hội tại khu phố Tàu, Philadelphia, cho biết trẻ em nơi đây thường xuyên bị quấy rối trên xe bus. Vào mùa hè năm ngoái, cảnh sát còn bắt giữ một người vô gia cư vì tấn công một phụ nữ mang thai ở khu Chinatown.
Bà Perng cho biết: “Các gia đình sợ hãi đến mức không dám đến trường học để lấy đồ dùng học tập cho con cái. Từ khi bắt đầu đại dịch, nhiều học khu đã phát miễn phí bảng tính, đồ dùng học tập và thức ăn”.
Bà Lisa Liu đang có hai người con theo học tại trường công lập hạt Montgomery, bang Maryland. Bà Liu đánh giá cao phương pháp học trực tuyến và không muốn đưa con đến trường, nhằm tránh các hành vi quấy rối.
“Nếu bọn trẻ quay lại trường, những đứa trẻ khác sẽ nói: 'Bạn là lý do khiến chúng tôi không được đi học suốt một năm'. Tôi không muốn các con phải trải qua những điều này”, bà Liu chia sẻ.
Ngoài nạn phân biệt chủng tộc, các gia đình gốc Á cũng lo ngại về tình hình dịch tễ khi trẻ đến trường.
Bà Lisa Liu đang có hai người con theo học tại trường công lập hạt Montgomery, bang Maryland. Ảnh: Washington Post. |
Bà Suzanne Lirazan, một y tá 30 tuổi đến từ Philippines, đang sống ở khu Queens của thành phố New York. Bà đã tận mắt chứng kiến sự tàn phá của đại dịch.
Hồi tháng 4/2020, bà Lirazan phải chăm sóc một bệnh nhân mắc Covid-19. Bà Lirazan đã ở bên giường bệnh khi người này trút hơi thở cuối cùng. Sau đó, chính bà cũng gặp triệu chứng của Covid-19. Suốt một tháng trị bệnh, bà phải cách ly và không thể gặp con trai 9 tuổi, Gabriel De La Cruz.
Giờ đây, bà Lirazan lo lắng con trai có thể nhiễm virus corona tại trường học. Điều này không chỉ nguy hiểm cho gia đình bà, mà còn gây ảnh hưởng đến những bệnh nhân được bà chăm sóc.
“Tôi lo sợ thằng bé bị nhiễm virus rồi lây lan cho người khác. Tôi không muốn mắc bệnh và cũng muốn các bệnh nhân của mình được an toàn”, bà cho biết. “Con trai tôi rất hòa đồng và thích đi học. Nhưng tôi không thể làm vậy”.