Cuối tháng 9, truyền thông đưa tin các công ty Mỹ sẽ phải xin giấy phép của Bộ Thương mại nếu muốn tiếp tục làm ăn với khách hàng Trung Quốc. Đây được xem là một cú đánh giáng thẳng vào SMIC - nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc khi không thể tiếp cận công nghệ Mỹ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Công ty có trụ sở tại Thượng Hải cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với các nhà chức trách Mỹ, cho biết triển vọng kinh doanh bị sụt giảm sau động thái cực đoan của chính quyền Washington.
Công ty phân tích thị trường TrendForce cho biết Đài Loan vẫn là “công xưởng sản xuất chip” hàng đầu thế giới tính trên giấy tờ, với 65% thị phần. Tiếp theo là Hàn Quốc với 16% và Trung Quốc là 6%, trong đó SMIC chiếm 4% thị phần.
Bên trong nhà máy của SMIC, công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Yahoo News. |
Lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ gây ra tác động tiêu cực cho ngành bán dẫn non nớt của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy nguồn cung chip nội địa.
Sản lượng chip được sản xuất tại Trung Quốc tăng đáng kể trong nhiều năm qua trong bối cảnh Bắc Kinh đặt mục tiêu tự chủ công nghệ. Theo thống kê, tính đến cuối tháng 7, có khoảng 45.300 công ty ở Trung Quốc chuyên sản xuất hoặc thiết kế chip, trong khi có một số dự án bán dẫn cao cấp bị tạm dừng hoặc chấm dứt.
Theo CNBC, các nhà phân tích nhận định lệnh cấm vận của Mỹ là cú đòn giáng thẳng vào tham vọng phát triển ngành bán dẫn Trung Quốc. SMIC được xem là một phần quan trọng trong chiến lược bán dẫn của Trung Quốc, và lệnh cấm của Mỹ sẽ khiến sự phát triển của công ty này bị đình trệ trong vài năm.
Lúc này, lĩnh vực sản xuất chip của Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép: hạn chế xuất khẩu của Mỹ và đứt gãy vốn do không đủ tiềm lực tài chính.
Trước đó, chính quyền địa phương đã đổ không ít tiền vào nhiều dự án bán dẫn trong nước, với mục tiêu cạnh tranh với Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Samsung (Hàn Quốc). Tạp chí kinh doanh Outlook Weekly mới đây cho biết 6 trong số các dự án này đã bị hoãn hoặc chấm dứt vô điều kiện trong năm qua, cụ thể như sau:
Năm 2015, Bắc Kinh cho xây dựng Công ty Công nghệ Bán dẫn Tacoma tại Nam Kinh. Tuy nhiên, đến tháng 7 năm nay, công ty đã tuyên bố phá sản. Tới năm 2016, HuaXinTong Semitech Co. Ltd. được thành lập tại Quý Châu, song chỉ trụ được đến tháng 5/2019.
Năm 2017, GlobalFoundries Chengdu Wafer Fab ra đời tại Thành Đô, Tứ Xuyên. Tới tháng 5 năm nay, công ty tuyên bố chính thức đóng cửa. Nhà máy của Chengdu được bán lại cho một công ty mới do cựu Phó Chủ tịch SK Hynix Choi Jinseog điều hành.
Một dự án đáng chú ý tại thủ phủ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) là Wuhan Hongxin Semiconductor, thành lập vào năm 2017. Theo truyền thông Trung Quốc, đây được xem là dự án sản xuất chip tham vọng nhất của Bắc Kinh, chiêu mộ hàng loạt kỹ sư cấp cao của TSMC.
Dự án Wuhan Hongxin Semiconductor xây dựng tại Vũ Hán vào năm 2017. Ảnh: HSMC. |
Tuy nhiên, số phận của công ty này cũng không được yên ổn khi bị cáo buộc thương vụ gian lận lớn nhất trong ngành. Một số nguồn tin tiết lộ công ty đang trên bờ vực phá sản, khi nhiều kỹ sư và thợ xây dựng đã bị nợ lương gần một năm.
Năm 2018, Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào 2 dự án bán dẫn, bao gồm Công ty TNHH công nghệ bán dẫn Incoflex tại Thiểm Tây và Công ty công nghệ thiết bị hình ảnh tại Giang Tô. Tuy nhiên, các công ty này đều đang lâm vào tình trạng nợ lương và lãnh đạo yếu kém. Công ty tại Giang Tô đã ngừng hoạt động từ cuối năm 2019.