Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị Mỹ trừng phạt, đại gia công nghệ TQ loay hoay tìm đường đi mới

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu khi dịch Covid-19 bùng phát, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đang chịu sức ép của môi trường kinh tế và địa chính trị bất ổn.

Khi các biện pháp phong tỏa được áp đặt từ cuối tháng 1, tăng trưởng GDP quý I của Trung Quốc lao dốc 6,8%. Tới tháng 3, khi đại dịch phần nào được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại, con số trên hồi phục ở mức 3,2% trong quý II.

Trong thời gian đó, nhu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến của người dân Trung Quốc tăng mạnh và trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của họ, từ nhu cầu làm việc tới giải trí.

Abishur Prakash, chuyên gia địa chính trị tại Trung tâm Đổi mới Tương lai (CIF), một công ty tư vấn có trụ sở tại Toronto, cho rằng: “Kể từ lúc đại dịch xuất hiện, người Trung Quốc đang sử dụng công nghệ nhiều hơn bao giờ hết. Công nghệ trở thành tâm điểm của mọi thứ, từ chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải đến dịch vụ tài chính. Chúng đang làm rung chuyển Trung Quốc”.

Điển hình là gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Theo CNBC, cổ phiếu của công ty tăng 30% trong năm nay, trong khi doanh thu tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu sử dụng tăng mạnh trong thời kỳ giãn cách xã hội. Cùng lúc đó, doanh thu của Tencent cũng tăng mạnh nhờ sự bùng nổ của dịch vụ nhắn tin WeChat.

cong ty cong nghe Trung Quoc tim huong di moi anh 1

Doanh thu của Alibaba tăng mạnh trong đại dịch. Ảnh: NYT.

Hiện tại, cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine chống Covid-19 vẫn đang được các quốc gia gấp rút thực hiện. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hiện có khoảng 200 nghiên cứu vaccine đang được phát triển trên toàn thế giới, 40 nghiên cứu đang trong giai đoạn đánh giá lâm sàng.

Trong thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều bệnh viện và phòng khám Trung Quốc đã áp dụng công nghệ trong việc khám chữa bệnh, cung cấp dịch vụ tư vấn trực tuyến, khám bệnh từ xa. Cùng lúc đó, công nghệ cũng cung cấp các thuật toán nhằm hỗ trợ giới nghiên cứu trong quá trình phát triển vaccine.

Theo CNBC, Baidu, nền tảng tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc đang có kế hoạch huy động 2 tỷ USD trong vòng 3 năm nhằm xây dựng một công ty công nghệ sinh học. Trong khi đó, JD Health International, một doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe trực tuyến thuộc sở hữu của công ty thương mại điện tử JD.com, đã nộp đơn đăng ký IPO tại Hong Kong, theo Wall Street Journal.

Trong lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra gay gắt, các công ty công nghệ Trung Quốc đã trở thành “con mồi” của chính quyền Washington. Điển hình như việc Mỹ ra lệnh trừng phạt đối với Huawei hay cấm nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC mua công nghệ Mỹ. Đây được xem là “bản án tử” đối với ngành bán dẫn của quốc gia châu Á.

Trong khi đó, TikTok - nền tảng video thuộc sở hữu của ByteDance, một công ty công nghệ lớn có trụ sở tại Bắc Kinh, cũng bị Mỹ gọi là “mối đe dọa an ninh quốc gia” và bị cấm sử dụng tại đất nước này.

cong ty cong nghe Trung Quoc tim huong di moi anh 2

Tổng thống Trump gọi TikTok là "mối đe dọa an ninh quốc gia". Ảnh: SCMP.

Đáng chú ý, số phận của TikTok tại Mỹ đang nằm trọn trong thương vụ mua lại của Oracle và Walmart - với 20% cổ phần. Theo đó, hai doanh nghiệp Mỹ sẽ thành lập công ty mới mang tên TikTok Global để mua lại và quản lý hoạt động của TikTok tại xứ cờ hoa.

Phần lớn hội đồng quản trị, giám đốc điều hành và chuyên gia an ninh trong ban lãnh đạo sẽ là người Mỹ. Giới truyền thông cho biết Tổng thống Donald Trump cũng đã thông qua thương vụ này.

Động thái trên được xem là một phần trong nỗ lực “phân ly kinh tế” mà chính quyền Washington đang hướng tới, đặc biệt trong việc độc lập công nghệ với Bắc Kinh. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh các công ty công nghệ Trung Quốc đang nuôi tham vọng bành trướng trên toàn thế giới.

Tại sân nhà, nhiều đại gia công nghệ Mỹ cũng bắt đầu lọt vào tầm ngắm của giới chính trị gia và cơ quan lập pháp. Vào tháng 7, các CEO của 4 đại gia công nghệ bao gồm Amazon, Apple , Facebook và Alphabet đã có một phiên điều trần trực tuyến trước tiểu ban Tư pháp Hạ viện về hành vi độc quyền.

Cùng lúc đó, Huawei hay các tên tuổi lớn của Trung Quốc có thể sẽ là người tiên phong cho một hướng đi mới, đối phó với môi trường kinh doanh đầy phức tạp và sức ép của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Hương Giang

Theo CNBC

Bạn có thể quan tâm