Không chỉ mua bản quyền, chuyển ngữ các ấn phẩm viết về đại dịch trên thế giới nhằm mang đến cho độc giả kiến thức chăm sóc sức khỏe kịp thời trong mùa dịch, một số nhà xuất bản, công ty sách còn có những hành động thiết thực, góp phần không nhỏ vào cuộc chiến chống dịch của cả nước.
Nhân viên NXB Tổng hợp TP.HCM hỗ trợ phát quà Trung thu cho các hộ gia đình có con em nhỏ tại TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Tinh thần xung phong vì cộng đồng
Từ đầu tháng 9, khi diễn biến dịch bệnh tại TP.HCM còn phức tạp, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, dưới sự điều phối của các sở, ban, ngành, đã đưa nhân viên của mình trực tiếp tham gia hỗ trợ chống dịch tại một số địa bàn trên thành phố.
Dựa trên tiêu chí về sức khỏe, điều kiện gia đình và tinh thần xung phong của từng cá nhân, đơn vị này đã chọn ra 7 trường hợp đủ điều kiện tham gia tình nguyện.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - cho biết: “Trong số 7 người được chọn, có những trường hợp có cha, mẹ già ở nhà. Cũng có trường hợp nhà gồm ba chị em thì hai người là nhân viên y tế đã tham gia chống dịch ở tuyến đầu rồi, nhưng họ vẫn quyết định đi. Đây là những tấm gương đáng quý, sẵn sàng chung tay vì cộng đồng”.
Theo mệnh lệnh “Địa phương cần gì, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ việc đó”, 7 nhân viên của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM được phân đến 7 khu vực khác nhau của thành phố theo sự chỉ đạo của Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Đây là trách nhiệm của cơ quan và từng cá nhân trong đơn vị. Nó xuất phát từ lòng dũng cảm và sự nhiệt tình của các bạn.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM
Các địa điểm bao gồm xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi), xã An Nhơn Tây (huyện Bình Chánh), phường An Lợi Đông (TP Thủ Đức), phường Đông Hưng Thuận (quận 12), phường Bình Hưng Hòa (quân Bình Tân), phường 1 (quận 10) và Mặt trận Tổ quốc TP.HCM.
“Tôi lo lắng cho nhân viên của mình, nhất là khi có những bạn phải đi đến các điểm ‘nóng’. Hơn nữa, việc này ít nhiều sẽ ảnh hưởng công việc của nhà xuất bản. Nhưng tôi vẫn vui vì có nhiều bạn đã hăng hái tham gia. Đây là trách nhiệm của cơ quan và từng cá nhân trong đơn vị. Nó xuất phát từ lòng dũng cảm và sự nhiệt tình của các bạn ấy”, bà Thủy nói.
Chị Quỳnh My - nhân viên truyền thông NXB Tổng hợp TP.HCM - được Tổ điều phối cử đi hỗ trợ tại phường An Lợi Đông (TP Thủ Đức).
Chị chia sẻ nhiều ngày gần như không có thời gian nghỉ ngơi khi thực hiện "ba tại chỗ". Có đi tình nguyện mới thấy được những gì đang xảy ra ngoài kia và chứng kiến được nhiều mảnh đời thật sự khó khăn do Covid-19.
Anh Trần Đình Ba - biên tập viên Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - là người đầu tiên của đơn vị này được cử đi hỗ trợ chống dịch tại xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi) do thời điểm đó, Tổ điều phối thực hiện đợt điều động các lãnh đạo phòng, ban xuống địa phương tìm hiểu tình hình trước.
“Một tháng tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương là trải nghiệm quý báu. Bản thân tôi phải xa rời bản thảo, con chữ, cùng lãnh đạo địa phương thực hiện nhiều hoạt động như: Giúp đỡ quá trình test Covid-19 trong cộng đồng, hỗ trợ túi an sinh cho các hộ khó khăn, xuống địa bàn tìm hiểu cụ thể về hoàn cảnh của từng hộ dân để làm căn cứ bình xét cho đợt hỗ trợ lần thứ ba của thành phố”, anh Ba kể.
Thái Hà Books kêu gọi các tấm lòng hảo tâm quyên góp tiền để ủng hộ gạo cho bà con trong mùa dịch. Ảnh: FB Hung Manh Nguyen. |
Chung tay quyên góp, ủng hộ
Từ giữa tháng 8, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã phát động chiến dịch “Miền Nam trong tim tôi”, thu 140 triệu đồng. Số tiền này được gửi tới 140 phụ nữ đang gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh tại ba tỉnh, thành phía Nam: TP.HCM, Long An và Bình Dương.
Trước đó, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng đồng hành cùng chị em phụ nữ thông qua việc bán 1.000 cuốn sách Con đã về nhà - Ký họa cách ly dịch Covid để ủng hộ phụ nữ bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, các đợt giãn cách xã hội liên tiếp diễn ra khiến nhiều người dân bị mắc kẹt không thể di chuyển, dẫn đến việc thiếu nguồn lương thực.
Trước tình hình đó, dự án “ATM sự tử tế - Sharing Rice Together” do TS Nguyễn Mạnh Hùng - người đứng đầu Thái Hà Books - lên ý tưởng và kêu gọi đã mang gạo đến 18 điểm ở các tỉnh, thành khác nhau để cứu trợ kịp thời.
Gần hai tháng qua, dự án tiếp tục mang gạo đến nhiều khu vực có người dân gặp khó khăn. Không chỉ tặng gạo, dự án còn kêu gọi các tấm lòng hảo tâm quyên góp tiền để mua một số thực phẩm cần thiết khác.
Số tiền thu về không quá lớn nhưng đó là tấm lòng của từng cá nhân. Có những người không phải là hội viên cũng mong muốn đóng góp chút ít cho đồng bào.
Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Mới đây, “ATM sự tử tế - Sharing Rice Together” đã tặng quà cho bà con nghèo quanh khu vực làng Quốc tế Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội).
“Đây là cơ hội và thời điểm hợp lý để đi cứu trợ. Chẳng có gì hạnh phúc hơn. Tặng quà, cứu trợ luôn mang đến điều bình an và hạnh phúc kỳ lạ lắm”, ông Hùng bày tỏ.
TP.HCM là một trong những diểm “nóng” trong đợt tái bùng phát lần thứ tư này. Nhận thấy điều đó, các thành viên Hội Nhà văn Việt Nam đã kêu gọi ủng hộ y, bác sĩ đang điều trị dịch bệnh tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM).
Trước đó, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cũng phát động “Lời kêu gọi ủng hộ các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và nhân dân đang sống tại vùng giãn cách xã hội”.
“Số tiền thu về không quá lớn, nhưng đó là tấm lòng của từng cá nhân. Thậm chí, có những người không phải là hội viên, nhưng nghe đến lời kêu gọi này, họ cũng chủ động liên hệ với chúng tôi, mong muốn đóng góp chút ít cho đồng bào”, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết.
Không chỉ quyên góp tiền, thực phẩm, nhiều đơn vị xuất bản còn có hành động tặng sách đến các khu cách ly. Các chương trình “Sách trao tay, học ngày giãn cách”, “Sách nói miễn phí cho ngày cách ly”, “Sách trẻ trao tay, tựu trường thời giãn cách”, “Ngắm trăng, nghe sách” cũng liên tiếp được Hội Xuất bản Việt Nam và các nhà xuất bản, công ty sách tích cực triển khai, mang đến nhiều tựa sách hay, thiết thực cho người dân.