Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá rằng những cuốn sách của người vừa chống dịch vừa cầm bút mang một giá trị khác biệt và đạt độ tin cậy rất cao.
Họ là các y tá, bác sĩ (trong và ngoài nước hoặc Việt kiều), những “anh hùng khoác áo blouse” phải đương đầu với trận chiến cứu người ở mọi miền trên thế giới.
Sách Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ, PGS Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Nhã Nam. |
Ký ức về mùa Covid-19 đầu tiên
Bác sĩ, PGS Nguyễn Lân Hiếu hiện là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ông viết Câu chuyện từ trái tim để bày tỏ trăn trở của bản thân trước các vấn đề thời sự của xã hội. Một trong các vấn đề đó là đại dịch Covid-19.
Ở nhiều phần trong sách, bác sĩ Hiếu đề cập đại dịch Covid-19 như: Năm đầu thời Cô vy, Đến Nhật Bản giữa đại dịch, Loại "thuốc điều trị Covid-19" khiến thế giới nháo nhác.
Ký ức của bác sĩ Hiếu về năm đầu khi dịch bệnh ập đến nước ta là những phút giây căng thẳng đến mức “không thể ăn” khi một nhân viên trong Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bị nghi mắc Covid-19.
Nhưng trên cả sự lo lắng, đội ngũ y, bác sĩ đã ngay lập tức “khởi động và vận hành hệ thống chống dịch”.
Cuộc chiến chống đại dịch là ký ức khó quên đối với những “anh hùng áo trắng”. Cũng nhờ thế mà “ngành Y chúng tôi đã trưởng thành nhiều nhất qua một năm dịch giã”, tác giả Nguyễn Lân Hiếu nhận định.
Ở năm Covid-19 thứ hai này, Việt Nam ghi nhận nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, các ổ dịch liên tiếp bùng phát. Song, bác sĩ Hiếu luôn tin vào chiến thuật cách ly, truy vết bài bản của chúng ta và hiệu quả của vaccine. Bên cạnh đó, theo ông, một “liều vaccine” khác hữu hiệu là tinh thần chống dịch của toàn dân.
Tiểu thuyết Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái - Nhật ký y tá thời Covid-19 của y tá Việt kiều Iris Lê. Ảnh: Q.M. |
Cuộc chiến Covid-19 của người Việt tại Australia
Iris Lê (sinh năm 1994) tốt nghiệp ngành Y tá tại Đại học Nam Úc và làm việc tại Bệnh viện Royal Adelaide. Quá trình chữa trị cho bệnh nhân người Việt mắc Covid-19 tại Australia được cô kể lại trong tác phẩm Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái - Nhật ký y tá thời Covid-19.
Tác giả cho biết 90% nội dung trong cuốn sách là những câu chuyện có thật mà cô cùng đồng nghiệp đã trải qua trong suốt 6 năm mặc áo blouse.
Với tư cách người trực tiếp tham gia cứu bệnh nhân mắc Covid-19, Iris Lê cho biết trong cuộc chiến này, nhiều nhân viên y tế đã “sức cùng, lực kiệt” cả về thể chất lẫn tinh thần. Họ phải chịu những vết cắt trên da mặt (do thời gian đeo mặt nạ quá lâu) hay da tay bỏng rát (do rửa bằng cồn nhiều lần trong ngày).
Suốt ba tháng ròng rã tại bệnh viện, y tá Iris Lê biết thời gian đầy áp lực vẫn chưa dừng lại ở đó. Thế nhưng, tập thể y, bác sĩ không thôi suy nghĩ về trách nhiệm cứu sống bệnh nhân ngay cả khi trút bỏ lớp y phục trên người.
“Sau cơn bão Covid-19, y, bác sĩ như những cành cây khô vươn mình chống bão. Họ trở nên xơ xác, tơi tả, khi phải đối mặt hàng trăm nỗi lo buồn lớn nhỏ không tên. Thiếu đồ bảo hộ chỉ là một phần của bức tranh to lớn ấy”, Iris Lê viết.
Từng mẩu chuyện nhỏ trong tác phẩm khiến độc giả nhói lòng. Những cái chết đột ngột dẫn đến sự vụn vỡ đầy ám ảnh cho đội ngũ y tế tại bệnh viện.
Nhưng trên hết, ở đó, người đọc vẫn thấy được tình cảm người Việt nương tựa vào nhau cùng đi qua những ngày tháng đen tối nhất. Mia - nhân vật chính trong tác phẩm - sẽ lại được trở về nhà bên mẹ sau khi đại dịch chấm hết.
Những ngày nắng nóng phải làm việc liên tục trong bộ đồ bảo hộ khiến nhiều nhân viên y tế gục ngã. Ảnh: NVCC. |
Cuộc chiến của cả nhân loại
Covid-19 xuất hiện và nhanh chóng trở thành vấn nạn của toàn cầu. Câu chuyện được viết nên bởi chính các “anh hùng áo trắng” ở tuyến đầu chống dịch được làng văn khắp thế giới quan tâm, đặc biệt là ở những quốc gia dịch bùng phát mạnh nhất.
Thời gian qua, Ấn Độ là một trong những quốc gia có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất. Cuốn sách về loại virus này - Comprehensive Textbook of Covid-19 - được nhiều nhân viên y tế nơi đây (những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào cuộc chiến chống chọi virus Corona) cùng viết nên.
Ghi nhận hàng trăm nghìn ca tử vong do đại dịch này, Tây Ban Nha cũng có số ca mắc ở mức đáng báo động. Cuộc chiến căng thẳng được bác sĩ Gabriel Heras ghi chép lại dưới góc nhìn “người trong cuộc” qua cuốn sách En primera línea (tạm dịch: Báo động đầu tiên).
Bác sĩ Gabriel Heras trước đó chưa một lần viết sách, nhưng đứng trước thực trạng của đất nước, ông quyết định cầm bút. Với cuốn sách đầu tay của mình, tác giả kể về trải nghiệm những ngày tháng chiến đấu trực tiếp với virus tại UCI - Phòng chăm sóc đặc biệt của Tây Ban Nha.
Tác phẩm là tài liệu tiền đề xoay quanh một cuộc chiến chứa cả máu và nước mắt của các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch kể từ khi đất nước mình ghi nhận ca mắc đầu tiên.
Đọc tác phẩm, bên cạnh cảm nhận về nguy hiểm, ta vẫn thấy nhen nhóm niềm hy vọng vào một ngày cả nhân loại sẽ chiến thắng đại dịch. Và trong chiến thắng đó, một trong những vũ khí lợi hại nhất là sự tận tình của những “anh hùng khoác áo blouse”.