Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều doanh nghiệp coi sàn chứng khoán tự do như cái chợ

Việc ra, vào các Sở giao dịch chứng khoán như cái chợ không có kỷ luật nghiêm ngặt sẽ khiến nhiều nhà đầu tư mất dần niềm tin vào thị trường.

Đua hủy niêm yết tự nguyện

Có nghìn lẻ một lý do khi doanh nghiệp muốn hủy niêm yết tự nguyện. Từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 4 trường hợp doanh nghiệp hủy niêm yết tự nguyện, trong khi hoạt động kinh doanh vẫn rất tốt.

Chẳng hạn, trường hợp của Công ty cổ phần Vận tải và giao nhận Bia Sài Gòn (mã SBC) đã hủy niêm yết tự nguyện 8 triệu cổ phiếu từ ngày 12/2/2015. Sau khi hủy niêm yết việc công bố thông tin không phải bắt buộc khiến dư luận đang có nghi ngờ khi công ty này phát hành thêm cổ phiếu chỉ cho cổ đông lớn, cổ đông nhỏ lẻ không được quyền mua, để tăng vốn điều lệ từ mức 119,69 tỷ đồng lên mức 185 tỷ đồng (tăng 54,6%).

Trong khi giá cổ phiếu trên thị trường gần 20.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu phát hành thêm bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Nghiễm nhiên người được quyền mua cổ phiếu phát hành ít nhất đã thấy lợi nhuận trước mắt.

Nhóm cổ đông nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ 5% vốn điều lệ của SBC đã gửi đơn kiến nghị lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước, kiện Hội đồng quản trị SBC, vì cho rằng việc này sẽ làm tổn thất nghiêm trọng đến quyền lợi của của các cổ đông hiện hữu không được mua cổ phiếu phát hành.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trước khi hủy niêm yết, thị giá của SBC đã tăng 200% trong năm 2014.

Trường hủy niêm yết tự nguyện gần đây là “vua tôm” Minh Phú (Phú (CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - mã MPC), với 70 triệu cổ phiếu từ ngày 31/3/2015. Nguyên nhân liên quan đến “room” cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đó, hoạt động kinh doanh của “vua tôm” rất tốt, trả cổ tức rất cao cho cổ đông lên tới 100% cho năm 2014. Lợi nhuận sau thuế của “vua tôm” đã có sự đột biến trong năm 2014, khi đạt mức 421 tỷ đồng, tăng vọt so với mức 270 tỷ đồng của năm 2013 và mức 17 tỷ đồng của năm 2012.

Thị giá cổ phiếu MPC cũng leo dốc với tốc độ chóng mặt. Mức giá trần mua cổ phiếu quỹ mở đường hủy niêm yết từ 20.000 đồng đề ra đầu năm 2014 đã được nới lên gấp 5 lần, đạt con số 100.000 đồng/cổ phiếu.

Khi hủy niêm yết, giá MPC chốt ở mức 122.000 đồng/cổ phiếu, tăng giá gấp đôi so với thời điểm niêm yết lần đầu trên HOSE và tăng gấp 4,5 lần so với thời điểm một năm trước đó.

Theo lý giải của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị MPC, năm 2013, mức giá MPC dự kiến bán cho đối tác CP Foods là 50.000 đồng/cổ phiếu (thị giá lúc đó là 30.000 đồng/cổ phiếu), sẽ khiến các đối tác ngay lập tức phải ghi nhận một khoản lỗ đầu tư. Nếu MPC tiếp tục niêm yết trên HSX, công ty sẽ không thể huy động được vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, khi MPC sẽ tăng vốn điều lệ thêm 20% lên mức 840 tỷ đồng.

Năm 2015, MPC dự kiến lợi nhuận sẽ tăng 55%, đạt 1.416 tỷ đồng, tương đương 66 triệu USD. Doanh thu sẽ cán mốc 1 tỷ USD (khoảng 22.000 tỷ đồng), chủ yếu đến từ xuất khẩu.

Trường hợp hủy niêm yết tự nguyện bị cổ đông lớn nước ngoài phản ứng dữ dội nhất là CTCP Thế kỷ 21 (mã C21), với hơn 19,3 triệu cổ phiếu từ ngày 18/9/2015.

Đại diện cổ đông lớn là Vietnam Property Holding gay gắt cho rằng, quyết định đầu tư 5 triệu USD vào C21 vì nhìn thấy tiềm năng phát triển của công ty cùng với nhiều quỹ đất rất tốt. Vì thế, tổ chức này đã đăng ký bán toàn bộ 2,2 triệu cổ phiếu C21 (tương đương 12%). 

Tuy nhiên, phía C21 cho rằng, trong hơn 4 năm niêm yết, C21 không thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu trên sàn và hủy niêm yết tự nguyện.

Riêng trường hợp CTCP Ngô Han (mã NHW) cũng hủy hiêm yết tự nguyện gần 23 triệu cổ phiếu, vì lý do không đủ điều kiện là công ty đại chúng khi chỉ có 98 cổ đông.

Thiết lập kỷ luật niêm yết

Theo TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), phải siết chặt lại quy định hủy niêm yết tự nguyện. Thứ nhất, việc hủy niêm yết tự nguyện phải được quá bán phiếu bầu trong đại hội đồng cổ đông thông qua, tỷ lệ cổ đông nhỏ phải đồng thuận và tuân thủ đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.

Thứ hai, doanh nghiệp phải đưa ra các phương án khắc phục đối với các trường hợp cổ đông phản đối: Những cổ đông lớn tham gia quản trị điều hành doanh nghiệp phải mua lại cổ phiếu của cổ đông nhỏ nếu họ muốn bán.

Thứ ba, khi hủy niêm yết nhưng doanh nghiệp vẫn là công ty đại chúng nên vẫn phải công bố thông tin đầy đủ và nhanh chóng như lúc niêm yết và đưa cổ phiếu lên sàn UpCOM giao dịch.

Việc minh bạch như vậy doanh nghiệp sẽ thấy rằng, cổ phiếu của mình đang giao dịch và niêm yết trên “bảng 1” nay lại rơi vào “bảng 2”, giống như kiểu “xuống hạng”, chắc chắn doanh nghiệp không dám hủy niêm yết tự nguyện.

Để chấn chỉnh lại hoạt động niêm yết và hủy hiêm yết của các doanh nghiệp cổ phần, Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định, đối với hoạt động hủy niêm yết tự nguyện, tổ chức chỉ được hủy niêm yết khi có sự chấp thuận của 51% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn (trước đó là 50%). Tổ chức niêm yết chỉ được hủy niêm yết sau tối thiểu hai năm niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, và vẫn phải đăng ký giao dịch trên hệ thống UpCOM (trừ công ty không còn là công ty đại chúng).

Mang nợ xấu lên sàn chứng khoán

Cơ chế chuyển nợ xấu thành vốn góp đã có, ý tưởng chuyển nợ xấu thành một hàng hóa để mang lên giao dịch trên sàn chứng khoán được NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu.

http://bizlive.vn/tai-chinh/khi-nhieu-doanh-nghiep-coi-san-chung-khoan-tu-do-nhu-cai-cho-1339878.html

Theo Linh Lan/Bizlive

Bạn có thể quan tâm