Biến nợ xấu thành hàng hóa?
Sau buổi tọa đàm về chứng khoán hóa nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức, có ý kiến cho rằng, nhiều khả năng, NHNN đang cân nhắc đến giải pháp này trong xử lý nợ xấu ở nước ta.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng lý giải, chứng khoán hóa nợ xấu có nghĩa là, ngân hàng biến nợ xấu lại thành một loại chứng khoán rồi đem bán trên thị trường chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư khi giao dịch sẽ mua cổ phiếu được bảo đảm bởi nợ xấu.
Thực tế, giải pháp này đã từng được một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… áp dụng trong xử lý nợ xấu. Đơn cử, Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (Kamco) đã xử lý tới 1/3 tổng số nợ xấu mua về bằng phương pháp chứng khoán hóa nợ xấu.
Chứng khoán hóa nợ xấu là có khả năng thực thi, song thực tiễn áp dụng thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. |
Theo ông Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP HCM, Việt Nam nên thử nghiệm giải pháp này để hướng đến một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa. Cũng theo chuyên gia này, chứng khoán hóa nợ xấu không phải là một hoạt động quá phức tạp, chỉ cần có một thị trường chứng khoán đủ tiêu chuẩn, hệ thống pháp lý liên quan rõ ràng, các trung gian dịch vụ chứng khoán hóa đủ uy tín và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn rất thận trọng với giải pháp trên. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho hay, về lý thuyết, việc chứng khoán hóa nợ xấu, nói cách khác là chuyển khoản nợ thành một tài sản linh hoạt trên thị trường là có khả năng thực thi, song thực tiễn áp dụng thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Ông Sơn cũng cho biết thêm, hiện UBCKNN đang nghiên cứu vấn đề này.
Nhiều chuyên gia ngân hàng cũng tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của chứng khoán hóa nợ xấu tại Việt Nam. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, để chứng khoán hóa nợ xấu được thì phải có thị trường nợ tốt và thị trường tài chính tương đối lớn. Đồng thời, phải có một số trụ cột là các quỹ đầu tư lớn, các nhà mua bán có tổ chức tham gia, nếu chỉ có nhà đầu tư nhỏ lẻ thì sẽ rất khó.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm, ở nước ta, giải pháp này sẽ khó triển khai, bởi ngay cả ngân hàng và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) vẫn đang lúng túng trong xử lý tài sản đảm nợ xấu, thì hiếm nhà đầu tư nào dám bỏ tiền vào đầu tư cho những cổ phiếu được bảo đảm bằng nợ xấu.
Biến nợ thành vốn góp: Rủi ro lớn
Ngoài việc biến nợ xấu thành một loại cổ phiếu để giao dịch trên sàn chứng khoán, thì theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, một giải pháp chứng khoán hóa nợ xấu nữa là chuyển nợ thành vốn góp. Cơ chế chuyển nợ thành vốn góp đã được quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP vừa được ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9 tới. Khi thực hiện giải pháp này, ngân hàng sẽ “đổi vai” từ chủ nợ thành một cổ đông của doanh nghiệp. Hiện VAMC và một số tổ chức tín dụng cũng đã triển khai giải pháp này trong xử lý nợ xấu ở một số trường hợp.
Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP BIDV cho rằng, quy định trên sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thêm kênh xử lý nợ. “Thông qua cơ chế này, các tổ chức tín dụng có thể phát triển nghiệp vụ ngân hàng đầu tư bằng cách mua bán nợ, chuyển nợ vay thành vốn góp, sau đó hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, tài chính, hoạt động, làm cho tình hình doanh nghiệp tốt lên, rồi chuyển nhượng phần vốn góp trên thị trường để thu hồi nợ”, ông Trần Phương nói.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, không nên lạm dụng giải pháp này. TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam vẫn “nhập nhèm” giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư, việc cho phép ngân hàng chuyển nợ thành vốn góp về lâu dài sẽ nảy sinh rủi ro, khi ngân hàng lấy tiền gửi của dân để đầu tư. Vì vậy, cần giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư, chuyển nợ thành vốn góp của ngân hàng.
Ngay cả việc VAMC chuyển nợ thành vốn góp, theo TS. Võ Trí Thành, cũng chưa ổn, bởi có thể sẽ làm kéo dài quá trình xử lý nợ xấu. Chưa kể, VAMC là một tổ chức xử lý nợ xấu, chứ không phải là một định chế đầu tư, nên việc chuyển nợ thành vốn chưa chắc đã hiệu quả.