Theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch hơn 1.300 khu đất với quy mô hơn 8.600 ha làm nhà ở xã hội. So với báo cáo năm 2020, diện tích đất phát triển loại hình nhà ở này đến nay đã tăng thêm hơn 5.200 ha.
Một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như: Đồng Nai 1.063 ha, TP.HCM 608 ha, Long An 577 ha, Hải Phòng 471 ha, Hà Nội 412 ha...
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành, nhiều địa phương đã và đang tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội, như tỉnh Bắc Ninh có 15 dự án với 6.000 căn; Hải Phòng 7 dự án với 11.678 căn; Bình Dương 7 dự án với 6.557 căn; Thanh Hóa 9 dự án với 4.948 căn...
Năm 2024 có thêm hàng nghìn căn nhà ở xã hội
Tại Hà Nội, theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, thành phố đã phê duyệt chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định nhu cầu nhà ở đến năm 2030 là 6,8 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 110.000 căn hộ.
Thành phố cũng lên phương án để triển khai kế hoạch nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025, mục tiêu phát triển mới hơn 1,2 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 20.000 căn hộ.
Hà Nội cũng đã lập tổ công tác đặc biệt của UBND TP trực tiếp do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án đầu tư nhà ở xã hội.
Về tình hình triển khai, có 63 dự án đã và đang thực hiện với 4,15 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 62.000 căn hộ. Cụ thể, giai đoạn năm 2021-2023, đã có 5 dự án và 2 công trình hoàn thành với khoảng 410.000 m2 sàn, tương đương khoảng 5.200 căn hộ.
Ngay trong năm nay, dự kiến chuyển tiếp 3 dự án sẽ hoàn thành với 78.000 m2 sàn, tương đương khoảng 1.180 căn hộ và 9 dự án sẽ khởi công có quy mô 6.400 căn hộ.
Tại Hải Phòng, hiện thành phố đã đạt được 92% kế hoạch mà Thủ tướng giao trong giai đoạn 2021-2025 và trong năm 2024, thành phố dự kiến khởi công khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội, tương ứng diện tích khoảng 100 ha.
Về phía doanh nghiệp, Vinhomes của Tập đoàn Vingroup đã khởi công 4 dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ bổ sung thêm hơn 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và quỹ nhà ở tại các địa phương.
Đồng thời, tập đoàn này cũng đang tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác.
Hay, Tổng công ty Viglacera đã triển khai và đưa vào bàn giao khoảng 5.000 căn hộ tại TP Hà Nội. Trong chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, tổng công ty đang triển khai ở 4 địa phương gồm Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam và Phú Thọ với quy mô hơn 10.000 căn. Hiện đã có sẵn khoảng 3.000 căn có thể đưa vào sử dụng với giá bán 8-10 triệu đồng/m2 và giá căn hộ 250-600 triệu đồng/căn.
"Ông trùm" nhà ở xã hội - Tập đoàn Hoàng Quân - cũng đã hoàn thành 10 dự án với 10.000 căn hộ, trong đó tại TP.HCM đã hoàn thành 4 dự án với 4.000 căn. Tập đoàn này đã đăng ký trong chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội thêm 50.000 căn. Hiện, doanh nghiệp đã triển khai 12 dự án, trong năm nay sẽ hoàn thành 3.000 căn tại Tây Ninh, Bình Thuận và Trà Vinh.
Tổng công ty Becamex, Tập đoàn Phú Cường cũng cho biết sẽ khởi công thêm hàng nghìn căn hộ trong năm nay tại Bình Dương, Kiên Giang...
Bộ, ngành cũng được giao chỉ tiêu xây nhà ở xã hội
Trong năm nay, Thủ tướng giao trên địa bàn cả nước hoàn thành khoảng 130.000 căn nhà ở xã hội. Nếu so với kết quả đạt được trong năm trước, mục tiêu này thực sự là một thách thức lớn.
Để thực hiện, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Chẳng hạn, đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, mỗi bộ thực hiện 5.000 căn hộ nhà ở xã hội; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện 2.000 căn hộ trong năm nay.
Về nguồn vốn ưu đãi, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng để công bố công khai.
Các địa phương khẩn trương lập kế hoạch triển khai cụ thể việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội đảm bảo mục tiêu đề ra. Đối với các dự án đã khởi công, cần thường xuyên đôn đốc để hoàn thành dự án ngay trong năm.
Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cần khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng... để khởi công, xây dựng ngay trong năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm với lãi suất thấp hơn 3-5% so với cho vay thương mại. Đồng thời nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp. Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, giai đoạn 2021-2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm, dù người dân có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư còn hạn chế (Hà Nội có 3 dự án với 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP.HCM có 7 dự án với 4.996 căn, đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án với 2.750 căn, đáp ứng 43%...).
Một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng...
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Vingroup, Becamex, Hoàng Quân 'hiến kế' giảm giá nhà ở xã hội
Cắt giảm tối đa thủ tục, điều chỉnh xuất vốn đầu tư, giảm lãi suất cho vay... là những kiến nghị được Vingroup và nhiều doanh nghiệp đưa ra để giảm giá nhà ở xã hội thời gian tới.
Chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội mới tại Hà Nội, TP.HCM trong 3 năm qua
Là 2 trong những địa phương có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng Bộ Xây dựng đánh giá việc đầu tư nhà ở xã hội tại cả Hà Nội và TP.HCM còn hạn chế so với mục tiêu.
Phó thủ tướng: Cần đẩy mạnh phân khúc nhà ở bình dân
Lãnh đạo Chính phủ mong nhà đầu tư tính toán chi phí để đưa ra các sản phẩm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có giá bán phù hợp, bảo đảm chất lượng, thiết kế, lợi nhuận hợp lý.