Bộ LĐTB&XH vừa đưa ra dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu từ năm 2021, lấy ý kiến về đề xuất kéo dài thời gian làm việc với một số nhóm là cán bộ, công chức.
Theo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam (tăng 3 tháng) và 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ (tăng 4 tháng).
So với bộ luật cũ, tuổi nghỉ hưu đã được điều chỉnh tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Sau đó, mỗi năm, lao động nam sẽ được tăng thêm 3 tháng cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Với lộ trình này, Bộ LĐTB&XH cũng đang lấy ý kiến về việc tăng tuổi nghỉ hưu thêm tối đa 5 năm đối với một số nhóm cán bộ, công chức. Theo đó, những cán bộ, công chức là nữ giữ các chức vụ, chức danh dưới đây có thể được kéo dài thời gian làm việc:
- Phó trưởng ban các Ban Trung ương Đảng; Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng; Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
- Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
- Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phó chủ nhiệm chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội.
- Thứ trưởng các bộ; cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang bộ; người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.
- Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.
- Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Phó tổng biên tập Báo Nhân dân, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.
- Sĩ quan trong lực lượng vũ trang có quân hàm cấp tướng.
- Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Phó chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch UBND Hà Nội và TP.HCM.
- Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các ban đảng của Thành ủy Hà Nội và TP.HCM.
Ngoài ra, những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh Thẩm phán TAND tối cao, Kiểm sát viên VKSND tối cao cũng nằm trong danh sách cán bộ được tăng tuổi nghỉ hưu.
Trước đó, vào thời điểm Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu áp dụng đối với người lao động trong điều kiện, hoàn cảnh công việc và sức khỏe bình thường.
Người lao động nặng nhọc, độc hại, ở vùng đặc biệt khó khăn… sẽ có lộ trình điều chỉnh hoàn toàn khác và sẽ có hướng dẫn rất cụ thể. Những người này được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 năm. Nếu những đối tượng này cộng thêm suy giảm sức khỏe 61% thì có thể nghỉ hưu sớm hơn nữa.
Còn những trường hợp có trình độ cao thì có thể sẽ được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng không quá 5 năm. Đặc biệt, những người này sẽ không làm công tác quản lý mà chuyển sang làm chuyên gia.