Ngày 18/3, Tổ nghiệp vụ của Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của tỉnh Cà Mau đã có kết quả xác minh về vụ ghe câu mực giấu 10 thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Vụ việc xảy ra trên vùng biển tỉnh Cà Mau, được Đội Thanh tra chuyên ngành thủy sản Sông Đốc phát hiện trên ghe câu mực biển kiểm soát CM-91772 TS do anh Trần Phước Nghiệm (33 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời) làm thuyền trưởng.
Trong 10 tàu cá gửi thiết bị giám sát hành trình trên ghe câu mực, 7 tàu cá có trình Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc khi ra khơi. Ba người chủ của 5 tàu cá thừa nhận chỉ đạo hoặc đồng ý cho thuyền trưởng tháo thiết bị giám sát hành trình, 4 chủ tàu không thừa nhận và một chủ tàu chưa làm việc với cơ quan chức năng vì phương tiện thuộc tỉnh Kiên Giang quản lý.
Đối với ghe câu mực biển kiểm soát CM-91772 TS, anh Nghiệm cho biết đã thuê phương tiện này của một ngư dân ở Sông Đốc với giá mỗi tháng 10 triệu đồng. Trước khi ra khơi, ghe câu mực đã được tháo thiết bị giám sát hành trình.
Theo anh Nghiệm, thuyền trưởng này đã nhận điện thoại của các chủ tàu và thuyền trưởng về việc nhờ giữ hộ thiết bị giám sát hành trình để được “lại quả” bằng nhiên liệu (dầu DO). Mỗi thiết bị anh Nghiệm giữ hộ sẽ được chủ tàu cho 30-60 lít dầu DO.
10 thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Ảnh: Anh Nhật. |
Rạng sáng 15/3, Đội Thanh tra chuyên ngành thủy sản Sông Đốc kiểm tra ghe câu mực biển kiểm soát CM-91772 TS do anh Nghiệm làm thuyền trưởng. Lúc này, trên ghe có 10 thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Thuyền trưởng khai rằng 7 thiết bị giám sát hành trình được tiếp nhận từ tàu cá của tỉnh Cà Mau, 3 cái còn lại của tàu Kiên Giang. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, anh Nghiệm đã nhận 120 lít dầu DO của 3 tàu cá.
Nói với Zing, ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, nói rằng việc Nghiệm giữ hộ thiết bị giám sát hành trình tàu cá của tàu cá khác là vi phạm pháp luật
“Đây là thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhưng bị gỡ ra thì người tháo gỡ đã vi phạm. Người giữ hộ biết điều đó mà nhận của tàu khác cũng vi phạm. Chúng tôi đang kết hợp với cơ quan chức năng để điều tra tiếp, xem hành vi vi phạm cụ thể là gì”, ông Triều chia sẻ.
Nghị định 42 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có mức phạt tiền 300-500 triệu đồng đối với chủ tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên, trừ trường hợp bất khả kháng. Phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với hành vi không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m, trừ trường hợp bất khả kháng.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.