Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Vietjet diễn ra chiều 26/4, với chủ đề “Dẫn lối bầu trời - kết nối năm châu”. Phát biểu khai mạc đại hội, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Vietjet - khẳng định thế giới vừa trải qua nhiều biến động chưa từng có trong lịch sử. Sự nỗ lực tuyệt vời của đội ngũ Vietjet góp phần cùng thế giới đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục nền kinh tế đất nước.
Theo bà Phương Thảo, trong bối cảnh tất cả dịch vụ không đảm bảo điều kiện thông thường, Vietjet vẫn vượt chỉ tiêu về vận chuyển hành khách, hàng hóa, vận hành tốt hệ thống quản lý khai thác, đáp ứng đầy đủ quy định của công ty đại chúng, giữ vững cam kết với cổ đông.
“Đó là bản lĩnh của Vietjet, là tinh thần tiên phong của ngành hàng không: Luôn đối diện, vượt qua thách thức để đạt mục tiêu, mang lại giá trị tốt đẹp nhất cho khách hàng, cổ đông, đối tác và cộng đồng”, bà Phương Thảo nhấn mạnh.
Tiên phong mở đường bay mới
Trả lời câu hỏi của cổ đông Công ty TNHH Petunia về định hướng phát triển trong năm 2023, ông Đinh Việt Phương - Tổng giám đốc Vietjet - cho biết bên cạnh khai thác ổn định đường bay nội địa, Vietjet tập trung phát triển mạnh thị trường quốc tế, nghiên cứu và đầu tư khai thác đường bay còn nhiều tiềm năng và tiên phong khai mở đường bay mới.
Đoàn chủ tịch đại hội cổ đông Vietjet trả lời thắc mắc của cổ đông. |
Khi cổ đông Sky Capital đặt câu hỏi về kế hoạch phát triển đội tàu bay, ông Đinh Việt Phương tiết lộ trong năm nay, Vietjet sẽ nhận thêm dòng tàu bay thân rộng A330 nhằm thực hiện chiến lược mở rộng thị trường quốc tế với chặng bay trên 5 giờ, cũng như phục vụ các đường bay trục TP.HCM - Hà Nội.
Cùng với việc mở rộng mạng bay, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó tổng giám đốc phụ trách thương mại - cho biết Vietjet tiếp tục phát triển sản phẩm có doanh thu cao như Deluxe, Skyboss và SkyBoss Business, đồng thời xây dựng sản phẩm nối chuyến từ các trung tâm trung chuyển tại Việt Nam như TP.HCM và Hà Nội. Trong đó, Skyjoy được kỳ vọng là dự án trọng điểm, có giá trị thương mại cao và tạo sự gắn bó với khách hàng từ năm nay trở đi.
Tối ưu hóa chi phí, tăng doanh thu phụ trợ
Liên quan đến biến động giá nhiên liệu, giá ngoại tệ, cổ đông Rinaldo Rhine đặt câu hỏi về kế hoạch hedging (bảo hiểm giá) hoặc mua bảo hiểm rủi ro, việc quản lý sử dụng nhiên liệu bay.
Ông Michael Hickey - Phó tổng giám đốc khai thác Vietjet - khẳng định đơn vị có lợi thế cạnh tranh lớn về chi phí nhờ cấu trúc chi phí linh hoạt, tối ưu cùng đội tàu bay mới, hiện đại, đồng bộ và tiết kiệm nhiên liệu.
“Chúng tôi tiếp tục duy trì lợi thế này và tăng doanh thu phụ trợ để đạt mức lợi nhuận biên tốt hơn nữa”, ông nhấn mạnh.
Trong năm nay, Vietjet sẽ nhận thêm tàu bay A330 để thực hiện chiến lược mở rộng thị trường quốc tế. |
Ông Hickey cho biết với độ tuổi trung bình của tàu bay trên 3 năm, đội tàu bay Vietjet là một trong những đơn vị tiết kiệm nhiên liệu nhất hiện nay.
“Vietjet là một trong những hãng đặt hàng đầu tiên và sử dụng nhiều nhất các loại tàu bay mới A320/321 NEOs có khả năng giảm tiêu thụ nhiên liệu tối thiểu 16%, tiết giảm tiếng ồn đến 75% và lượng khí thải ra môi trường đến 50%. Đội tàu bay cũng nằm trong chiến lược phát triển bền vững, bay xanh và bảo vệ môi trường của Vietjet”, ông Hickey nói.
Vietjet đặt mục tiêu vận chuyển 25,7 triệu lượt hành khách trong năm 2023. |
Phó tổng giám đốc Vietjet cũng khẳng định sẽ xem xét và thực hiện việc hedging trong năm 2023 tại các thời điểm giá nhiên liệu bay tới mức 80 USD/thùng. Việc này nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh bên cạnh tiếp tục kế hoạch hợp tác mua trữ nhiên liệu bay với các công ty xăng dầu trong và ngoài nước.
Theo kế hoạch năm nay, Vietjet vận chuyển 25,7 triệu lượt hành khách. Kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt trên 50.178 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng.
Hãng cũng dự kiến tăng số lượng đường bay vận tải hàng hóa, đặt mục tiêu vận chuyển hơn 160.000 tấn hàng hóa. Các thị trường vận chuyển hàng hóa trọng điểm của Vietjet trong năm nay gồm các đường bay đi ICN (Hàn Quốc), NRT (Nhật Bản), Mumbai (Ấn Độ) và Sydney (Australia).